Chống dịch Covid-19: Những chấm sáng lạc quan

GD&TĐ - Giới chuyên gia cho rằng, cách thức chống dịch truyền thống trước đây từng thu được thành công hiện không còn nhiều khả năng khống chế được các biến chủng mới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong khi châu Á đang chìm trong làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, một số nơi khác trên thế giới tình hình lại tươi sáng và thậm chí một số nước gần như đã dập tắt được đại dịch, trở thành niềm hy vọng trong cuộc chiến chống virus chưa từng có của nhân loại.

Một trong những nước thành công nhất trong chống dịch là Na Uy nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, giúp số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 giảm liên tục. Chuyên gia y tế dẫn dắt cuộc chiến chống dịch của nước này là bác sĩ Preben Aavitsland hôm 7/6 tuyên bố: “Đại dịch đã đi đến hồi kết và không còn là mối bận tâm của Na Uy nữa”.

Vị bác sĩ thuộc Viện Y tế công cộng Na Uy chứng minh cho tuyên bố của mình bằng thống kê tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tại nước này ở mức thấp nhất kể từ mùa hè năm ngoái và xu hướng giảm vẫn đang tiếp tục.

Hiện Na Uy chỉ phải đối phó với các điểm bùng phát dịch cục bộ và hệ thống y tế hoàn toàn có khả năng kiểm soát những ổ dịch này.

Người dẫn dắt cuộc chiến chống dịch của Na Uy cũng nhận định, phải mất vài năm nữa Covid-19 mới có thể được dập tắt trên phạm vi toàn cầu. Tương tự cảnh báo của các chuyên gia khác, bác sĩ Aavisland cùng chung quan điểm cho rằng, đại dịch không thể kết thúc nếu như vẫn còn quốc gia nào đó chưa khống chế được Covid-19.

Điều này đồng nghĩa kết quả chiến thắng virus của một nước đơn lẻ như Na Uy vẫn chưa thể là một thành quả bền vững.

Trong cuộc chiến chống dịch hơn một năm qua, Na Uy luôn thu được hiệu quả cao nhất so với các nước cùng khu vực Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch, nhờ mật độ dân cư thưa thớt và hành động quyết liệt của chính phủ.

Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng hàng đầu là nhờ Na Uy kiên định với chiến dịch tiêm chủng sớm ngay từ tháng 12/2020, bất chấp hàng chục ca tử vong sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer.

Trước đó hồi cuối tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Malta Chris Fearne cũng tuyên bố quốc đảo 500.000 dân này đã đạt được “miễn dịch cộng đồng” với Covid-19 nhờ tiêm chủng.

Theo đó, gần 50% dân số của quốc gia vùng Địa Trung Hải này đã hoàn thành cả hai liều vắc-xin của các hãng Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca để trở thành quốc gia EU đầu tiên đạt được mục tiêu chống dịch.

Tương tự, hàng loạt quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ khác cũng đang chống dịch thành công nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao trong dân số tưởng thành, qua đó dần trở lại cuộc sống bình thường như trước dịch.

Tình hình tại những quốc gia này đang là hình mẫu hướng tới cho các nước châu Á vốn đang phải vật lộn với thời điểm khó khăn nhất kể từ đầu dịch do số ca nhiễm mới liên tục tăng cao.

Sự xuất hiện của các biến chủng virus có khả năng lây lan nhanh gấp nhiều lần so với trước khiến các hình mẫu chống dịch trước đây như Đài Loan, Singapore hay các nước Đông Nam Á đều đang phải đối mặt với làn sóng virus nghiêm trọng.

Do đó, các nước châu Á đều đang chuyển chiến thuật từ phòng dịch sang chủ động tấn công virus bằng cách thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn với các nước châu Á chính là nguồn cung vắc-xin hạn chế.

Giải pháp đang được các nước triển khai đối phó với tình trạng này là đa dạng hóa các loại vắc-xin ngoại và đẩy nhanh phát triển vắc-xin nội, nhằm hướng tới mục tiêu sớm khống chế được đại dịch một cách bền vững như các nước châu Âu và Bắc Mỹ đang đạt được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Minh Thu

Làm đẹp thêm hình ảnh người thầy

GD&TĐ - Bão số 3 và hoàn lưu bão đã qua nhưng hậu quả vẫn hiện diện ở nhiều địa phương, trong mỗi trường học và tâm trí của thầy trò. 

Minh họa/INT

Chỉ sợ lở núi

GD&TĐ - Bão thì còn dự báo đường đi và mức độ nguy hiểm của nó để mà tránh chứ sạt lở núi thì không biết đường nào mà lần.