Tuy nhiên, gần đây do làn sóng Covid-19 mới, Đài Loan đã đóng cửa biên giới từ đêm ngày 19/5.
Trường phổ thông các cấp, ĐH, CĐ tại thủ phủ Đài Bắc và các thành phố lớn phải tạm đóng cửa, chuyển sang dạy học trực tuyến. Khi Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ Đài Loan nâng cảnh báo đại dịch lên cấp 2, Trường ĐH Quốc gia Đài Loan (NTU), ĐH Quốc gia Chengchi, ĐH Quốc gia Yang Ming Chiao Tung đã chuyển sang dạy từ xa.
NTU và ĐH Quốc gia Chengchi đã cấm người ngoài vào khuôn viên trường từ ngày 17 tháng 5. Những trường ngoài khu vực trên tạm dừng các lớp học có 60 - 100 sinh viên, hủy bỏ các sự kiến lớn trong nhà và ngoài trời. Nhưng họ được phép tổ chức các lớp trực tiếp với sĩ số nhỏ.
Không giống nhiều nơi khác tại châu Á phải đột ngột chuyển sang dạy trực tuyến, Đài Loan đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi trường học đóng cửa trong một năm qua. Trong đó, NTU là một trong số những trường chứng kiến sự chuyển mình tích cực nhất.
Shih-Torng Ding, Phó Giám đốc phụ trách Học thuật tại NTU cho biết: Dù kiểm soát được Covid-19, từ mùa xuân năm 2020, chúng tôi đã hướng dẫn giảng viên sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến. Thầy cô thường xuyên luyện tập, thực hành phương pháp giảng dạy mới.
Nhà trường vẫn thiết kế chương trình học trên nền tảng trực tuyến trong thời gian qua đề phòng trường hợp bùng dịch bất ngờ. Vì vậy, khi lớp học chuyển sang trực tuyến, thầy cô NTU có thể ứng phó nhanh chóng, kịp thời.
Cùng với đó, từ tháng 3/2020, chính quyền Đài Loan đã phân bổ khoảng 14 triệu USD cho các cơ sở giáo dục đại học để hỗ trợ sáng kiến liên quan đến đại dịch. Mỗi năm, các trường cũng được tài trợ khoảng 80 triệu USD để cải thiện chương trình giảng dạy. Những khoản hỗ trợ này giúp các trường phát triển nền tảng dạy trực tuyến.
Ví dụ, NTU có nền tảng NTU COOL và NTU Courses On Line. Tháng 3/2020, trường cũng chuyển những lớp học trên 100 sinh viên sang hình thức trực tuyến dù khu vực không ghi nhận ca nhiễm. Kế hoạch này nhằm khuyến khích giáo viên, sinh viên thực hành, thử nghiệm phương pháp mới. Từ đó, mọi người luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận tình huống tạm dừng đến trường nhưng không làm gián đoạn việc học tập.
Sau đó, NTU đã tiến hành hai cuộc khảo sát sinh viên về hiệu quả của việc học tập trực tuyến. Kết quả cho thấy mức trung bình hiệu quả học tập là 4,48 - 5. Điều này đồng nghĩa sinh viên hài lòng với phương pháp học tập mới vì giúp các em tiết kiệm thời gian, linh hoạt và làm chủ kiến thức.
Dù Đài Loan đã sẵn sàng cho việc học trực tuyến, các chuyên gia giáo dục thừa nhận phương pháp này không dễ dàng khi áp dụng cho các lớp thực hành hoặc cho ngành Y khoa. Đài Loan dự kiến sẽ đẩy nhanh tiêm phòng vắc-xin cho giảng viên, sinh viên các trường ĐH, CĐ để có thể kết hợp học trực tuyến và trực tiếp.
Trước đó, Đài Loan đã không ghi nhận ca nhiễm mới trong 250 ngày liên tiếp. Đến ngày 19/5, số ca nhiễm theo ngày tăng đột ngột lên khoảng 273 ca. Tính đến cuối tháng 4, số ca nhiễm tại khu vực này là hơn 2.800 ca, trong đó 15 người tử vong.
Các biện pháp kiểm soát du lịch quốc tế từng là yếu tố then chốt giúp Đài Loan đẩy lùi đại dịch. Đài Loan lần đầu đóng cửa biên giới vào ngày 19/3/2020 nhưng cho phép sinh viên đến từ các quốc gia nguy cơ thấp trở lại học tập từ ngày 17/6. Sinh viên nước ngoài phải tuân thủ các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt, không nên rời khỏi Đài Loan đề phòng không thể trở lại.