Nguồn ngoại lai “châm ngòi” làn sóng Covid-19 thứ 4

GD&TĐ - Theo số liệu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tính đến ngày 30/3, có thêm 1.840 người được tiêm vắc-xin tại 9 tỉnh, thành phố.

Gần 50 nghìn người đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Gần 50 nghìn người đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Cụ thể: Hải Dương là 414 người, TP Hải Phòng 212 người, 12 người ở tỉnh Hòa Bình, 164 người ở tỉnh Bắc Giang. Trong khi đó, tỉnh Hà Giang là 168, tỉnh Điện Biên: 194 và TPHCM là 112 người.

Như vậy, số người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 từ ngày 8 - 30/3 là 48.256 người. Trong ngày 29 và 30/3, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức tập huấn triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật/ y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa tỉnh và đại diện khối quân y của 3 khu vực miền Bắc, Trung, Nam. Đến nay, 63 tỉnh/thành phố đã được tập huấn để chuẩn bị triển khai.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, cần bảo đảm công tác khai báo y tế đối với các trường hợp qua lại cửa khẩu biên giới. Đặc biệt, các trường hợp khai báo bằng hình thức tờ khai giấy cần được dữ liệu hoá, nhằm thuận tiện trong việc giám sát tại khu cách ly cũng như ở địa phương. 100% trường hợp nhập cảnh phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành y tế cũng cảnh báo, dịch bệnh luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, các kịch bản tình huống luôn có thể xảy ra. Do đó, cần bảo đảm an toàn, vừa phát triển kinh tế hiệu quả.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Ngoài ra, tập huấn, quán triệt quy định đối với các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, như bảo đảm các phương án phòng, chống dịch, phát hiện sàng lọc và báo cho đơn vị y tế. 

Các cơ sở không đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch cần chủ động rút giấy phép hoặc kiến ​​nghị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép. Các cơ sở kinh doanh thuốc cần có hồ sơ thông tin liên hệ, theo dõi khách hàng mua, sử dụng thuốc có liên quan đến các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19.

Bên cạnh đó, cần tính đến các biện pháp an toàn phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp. Các doanh nghiệp không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch được yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục, kiểm tra, giám sát. Truy cập, cập nhật bản đồ an toàn Covid-19 với các đơn vị bệnh viện, khách sạn, trường học.

Dịch có thể tái bùng phát

Chia sẻ về tình hình dịch bệnh hiện tại, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, nhận định, những trường hợp nhập cảnh trái phép từ nước ngoài là vô cùng đáng quan ngại. Cụ thể, theo chuyên gia này, nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan ra cộng đồng không đến từ những người đang ở trong khu cách ly. 

“Những trường hợp nhập cảnh trái phép nhưng hệ thống bảo vệ, giám sát của chúng ta không phát hiện được có thể sẽ khiến dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Đáng lo ngại, những trường hợp đó có thể đi vào bệnh viện - nơi có nhiều bệnh nhân cao tuổi, bệnh lý nền”, PGS Nga cảnh báo.

Chuyên gia đồng thời dẫn chứng đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng vào tháng 7/2020. Theo PGS Nga, thời điểm đó, nguồn gây bệnh không được phát hiện. Do đó, điều đáng lo ngại nhất hiện tại là những đối tượng nhập cảnh trái phép lây bệnh cho người dễ tổn thương.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, khả năng dịch bệnh tái bùng phát tại Việt Nam có cao hay không đều phụ thuộc vào mỗi người. 

Để phòng tránh dịch và kiểm soát nguồn lây ngoại lai, chuyên gia khuyến cáo, cần thực hiện tiêm vắc-xin nhanh chóng. Đồng thời, yêu cầu người nhập cảnh cách ly. Canh gác đường biên giới nghiêm ngặt nhằm tránh trường hợp nhập cảnh trái phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ