Lớp học đặc biệt
6 giờ tối, sau bữa cơm chiều, 4 em nhỏ có mặt tại Trường Tiểu học xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum). Tối nay, cô giáo Võ Thị Quỳnh Nga và Nguyễn Thị Quỳnh Hưng đảm nhận nhiệm vụ kèm cặp thêm cho học trò.
Quen với việc học mỗi tối, các em ngồi ngay ngắn vào bàn để ôn lại bài cũ. Phần kiến thức nào quên, các em quay sang hỏi giáo viên. Ngồi cạnh bên, cô Nga và cô Hưng chỉ dạy cho các em từ cách ngồi, cầm bút viết và làm Toán.
Cô Nga tâm sự, học sinh của trường chủ yếu là con em của đồng bào thiểu số nên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Phụ huynh hàng ngày quanh quẩn với công việc đồng áng nên ít có thời gian quan tâm đến việc học của con em mình. Chính vì vậy, nhiều em học yếu hơn so với các bạn cùng trang lứa.
“Mình chủ nhiệm 28 học sinh lớp 4, nhưng có nhiều em học còn yếu nên muốn kèm thêm để các em tiến bộ hơn. Mỗi tối tại nơi ở bán trú của giáo viên, mình thường hướng dẫn từ 2 - 4 em học môn Toán và Tiếng Việt. Mình hy vọng sẽ giúp các em sẽ thành thạo cách đọc, viết và tính toán. Sau này có thể áp dụng vào cuộc sống nếu không có điều kiện và khả năng học lên cao”, cô Quỳnh Nga chia sẻ.
Cô Nga kể: Trong hàng chục học sinh cô từng hỗ trợ thêm kiến thức vào buổi tối, có những hoàn cảnh rất éo le, khiến cô xót xa. Như trường hợp của A Giáng, học sinh lớp 4, bố mất, mẹ đi bước nữa nên em sống cùng ông bà và người anh trai bị câm bẩm sinh. Cuộc sống khó khăn, ít có sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ nên cậu bé trở nên lầm lì và ít nói. Bên cạnh đó, đối với việc học tập, A Giáng cũng không hợp tác.
Thương học trò thiếu thốn tình cảm gia đình và thành tích học tập chưa tốt nên cô Nga thường xuyên động viên, tâm sự để A Giáng có thể mở lòng chia sẻ nhiều hơn và bớt tự ti, mặc cảm. Lâu dần, cậu học trò đã tự giác đến lớp và thành tích học tập cũng được cải thiện.
“Được thầy cô dạy biết đọc, biết viết con chữ em thấy thích lắm. Mỗi ngày đến lớp được gặp cô và các bạn em thấy rất vui. Cô giáo thường xuyên cho chúng em bánh kẹo, đồ dùng học tập mới. Em ước sau này lớn lên có thể trở thành thầy giáo để dạy các bạn nhỏ như cô Nga dạy dỗ chúng em”, A Giáng nói.
“Kéo” trò ra lớp
Chung cảnh mồ côi bố với A Giáng, Y Kim Huệ ở với mợ do mẹ đi làm tận Bình Dương. Đến ngót năm nay do dịch Covid-19 nên mẹ cô bé không về thăm gia đình. Thích vẽ và lớn lên muốn trở thành giáo viên nên Y Kim Huệ rất chăm chỉ học tập. Tối đến, sau khi Mặt trời khuất sau bóng núi, Y Kim Huệ được mợ chở đến trường để bổ sung thêm kiến thức.
“Em thích vẽ lắm. Tại đây em có thể thoả sức vẽ những gì minh thích. Đặc biệt em thích hoa hồng, sau này lớn lên em sẽ trồng một vườn hoa trước sân nhà”, Y Kim Huệ tâm sự.
Nhiều hôm, sau buổi học, cô Nguyễn Thị Quỳnh Hưng (26 tuổi) nán lại, hướng dẫn thêm cho các em ghi nhớ kiến thức vừa học. Cô Quỳnh Hưng cho biết, để các em ghi nhớ và có kết quả học tập tốt giáo viên thường quan tâm, chỉ dạy các em thêm ngoài giờ.
“Nhìn thấy các em học sinh khó khăn, thiếu thốn và ít được quan tâm mình thấy thương vô cùng. Do đó, mình cùng một số giáo viên trong trường xung phong kèm cặp thêm cho các em sau tiết học và mỗi buổi tối để học trò nắm vững kiến thức. Bởi mình xem học sinh như con, cháu trong nhà nên muốn các em được đủ đầy như bạn bè cùng trang lứa. Mình hy vọng các em biết chữ để sau này có tương lai xán lạn hơn”, cô Hưng chia sẻ.
Đều đặn, sau giờ cơm chiều, cô Quỳnh Hưng lại lên chiếc xe máy cà tàng để chạy vào các làng xa “kéo” trò ra lớp học “đặc biệt”. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ hướng dẫn học sinh cách viết, làm Toán, cô lại chở các em về tận nhà rồi mới chuẩn bị giáo án cho ngày hôm sau.
“Mỗi ngày, việc dạy dỗ học trò chiếm gần hết thời gian của bản thân. Tuy nhiên, mình không thấy vất vả hay khổ cực gì. Mình chỉ mong học trò học tốt, ngoan ngoãn và chăm chỉ đến trường. Đó là niềm hạnh phúc cũng như động lực để mình cố gắng hơn nữa”, cô Hưng tâm sự.
Thầy A Hao, Hiệu trưởng trường cho biết, mô hình “xoá mù chữ” cho học sinh đã được triển khai từ nhiều năm nay. “Thông qua mô hình này nhà trường mong muốn giúp các em học sinh yếu cải thiện thành tích học tập. Bên cạnh đó, giúp học sinh có nền tảng vững chắc khi bước lên cấp 2 và biết chữ để sau này có công việc ổn định, thoát khỏi đói nghèo”, thầy A Hao nói.