Năm 1985, lớp học đầu tiên của thầy Xiong được thành lập. Đến năm 1989, lãnh đạo một ngôi trường tiểu học trong vùng đã quyết định mời thầy về dạy học. Năm 2007, thầy trở thành hiệu trưởng của trường tiểu học Yao Long.
Dù đã là hiệu trưởng nhưng cuộc sống của thầy Xiong vẫn không hề thay đổi. Hằng ngày, ngoài công việc của một lãnh đạo, thầy Xiong đảm nhiệm cả việc dạy Toán. Ngôi trường của thầy vẫn là điểm đến của những học sinh nghèo khó, những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lại quê nhà để đi làm ăn xa.
Thầy chia sẻ: “Trường có 279 học sinh, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi học sinh ở đây đều có những câu chuyện buồn, nhiều đứa trẻ còn không nhớ được mặt cha mẹ chúng”.
Đối với các học sinh, thầy không chỉ là người truyền dạy con chữ, thầy còn là một người giám hộ, là cha mẹ, là người thân của các em. Mỗi ngày, thầy có mặt ở trường sớm nhất để đánh thức các em ở ký túc xá dậy.
Trước khi lên lớp, thầy đi kiểm tra từng phòng ngủ xem có học sinh nào ốm đau, bệnh tật gì không. Những lúc rảnh rỗi, thầy lại đưa các em học sinh ra chợ để mua sắm quần áo, giày dép và đồ dùng cần thiết.
Huang,hụ huynh của một học sinh lớp 4 trong trường cho biết: “Thầy Xiong là một người vĩ đại. Chúng tôi mang ơn thầy ấy rất nhiều.”
Nói về sự nghiệp giáo dục của mình, thầy Xiong khiêm tốn: “Khi còn nhỏ, tôi bị phân biệt đối xử rất nhiều vì khiếm khuyết cơ thể. Nhưng, cũng có nhiều người tốt xung quanh giúp đỡ tôi thoát khỏi mặc cảm, vượt qua những tháng ngày khó khăn đó. Tôi biết việc giúp đỡ người khác có ý nghĩa như thế nào. Với những đứa trẻ không được may mắn này, nếu tôi không giúp thì ai sẽ giúp chúng?”.