Chọn sách giáo khoa mới bài bản, đúng quy trình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm học 2023-2024, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ triển khai với học sinh lớp 4, 8, 11. Việc chọn SGK mới luôn được các trường chú trọng.

Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông nghiên cứu tài liệu để lựa chọn sách giáo khoa mới. Ảnh: NTCC.
Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông nghiên cứu tài liệu để lựa chọn sách giáo khoa mới. Ảnh: NTCC.

Thành công nhất định

Tại Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội), việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) mới được nhà trường thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của các cấp. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Hoa cho hay, nhà trường luôn đẩy mạnh tuyên truyền, công khai rộng rãi trong Hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh trong các buổi họp phụ huynh.

“Thực hiện đúng thông tư 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020 về việc hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc thành lập Hội đồng lựa chọn SGK và Quy trình lựa chọn SGK” – cô Hoa cho hay.

Theo cô Hoa, Hội đồng lựa chọn SGK là người đứng đầu, cấp phó, tổ trưởng chuyên môn, đại diện dạy các môn học, hoạt động giáo dục và đại diện cha mẹ học sinh. Đó là những người đứng đầu trong tổ chức nhà trường, có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, lãnh đạo, chuyên môn vững, có nhiều kinh nghiệm và làm việc có trách nhiệm.

Trong quy trình lựa chọn SGK, việc tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận, đánh giá SGK cũng rất quan trọng. Đây là những người trực tiếp giảng dạy nên việc họ nghiên cứu và đưa ra những ý kiến nhận xét ưu, nhược điểm của từng cuốn sách, của từng nhà sách sẽ rất thiết thực và sát thực tế.

Cũng theo cô Hoa, vai trò của đại diện cha mẹ học sinh cũng rất quan trọng. Nhà trường cần lắng nghe ý kiến từ phía phụ huynh, bởi hàng ngày họ là những người phối hợp cùng giáo viên giảng dạy trên lớp để kèm, hướng dẫn con tự học ở nhà. Nên bản thân phụ huynh cũng nghiên cứu bám sát theo chương trình học của con.

Sau mỗi một học kì, Hội đồng lựa chọn SGK có những buổi họp để rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của giáo viên trực tiếp giảng dạy, để rút kinh nghiệm và điều chỉnh (nếu có).

“Đến thời điểm này, việc nghiên cứu, lựa chọn SGK của Trường tiểu học Vĩnh Tuy đã có những thành công nhất định. Chúng tôi đề xuất lựa chọn được đúng những cuốn sách của nhà sách để giảng dạy phù” – cô Hoa cho hay.

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy. Ảnh: TG.

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy. Ảnh: TG.

Chủ động về đội ngũ

Từ kinh nghiệm đã triển khai việc lựa chọn và đề xuất lựa chọn SGK của lớp 1, 2, 3. Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) đã dự kiến phân công đội ngũ giáo viên dạy lớp 4 năm học 2023-2024. Thầy Hiệu trưởng Đỗ Hồng Duy chia sẻ, nhà trường ưu tiên các giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng để dạy lớp 4.

Theo thầy Duy, trong chương trình giáo dục cấp tiểu học, lớp 4 là lớp chuyển giai đoạn từ lớp 1 , 2, 3 và lên lớp 5 nên các chủ đề học tập, lượng kiến thức có phần rộng và sâu hơn. Khi sắp xếp đội ngũ có sự kế thừa những giáo viên đã dạy tốt lớp 4, bổ sung những giáo viên dạy từ lớp 3 để theo lớp lên dạy lớp 4.

Ngoài ra, nhà trường tổ chức cho cán bộ quản lí, giáo viên nghiên cứu kĩ Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học; từ đó đọc SGK của các nhà xuất bản gửi về. Đồng thời, nghiên cứu các văn bản chỉ đạo về quy trình lựa chọn SGK; trong đó xác định rõ nhiệm vụ của giáo viên, tổ chuyên môn trong việc đề xuất lựa chọn.

Việc đọc sách, đối chiếu với chương trình, so sánh các bộ sách với nhau để mỗi giáo viên hiểu rõ hơn chương trình, ý tưởng thiết kế các chủ đề học tập. Trên cơ sở đó, tìm ra những điểm phù hợp hơn của từng bộ sách với điều kiện giáo viên học sinh trường mình từ đó đề xuất với cấp trên.

“Đây là lần thứ 4 nhà trường chỉ đạo, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ này nên cũng không gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo” – thầy Duy chia sẻ. Tuy nhiên, nhà trường vẫn chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể công việc này để giáo viên hiểu đúng triết lí từng bộ sách từ đó đề xuất đúng nguyện vọng từ cơ sở.

Theo thầy Duy, về cơ bản, các bộ sách đã được thẩm định qua nhiều vòng nên chất lượng được đánh giá khá tốt. Việc đề xuất lựa chọn cuốn sách nào, thuộc bộ nào là do tổ chuyên môn.

Từ những năm học trước, công tác tập huấn, tổ chức lựa chọn và đề xuất lựa chọn nhà trường được làm bài bản, đúng quy trình nên các cuốn sách của các môn học khá ổn định và có sự kế thừa.

“Trong quá trình thực hiện có thể nảy sinh những khó khăn nhất định, do đó chúng tôi chỉ đạo giáo viên, tổ chuyên môn cần chủ động, linh hoạt bám sát vào chương trình để xây dựng chủ đề học tập, lựa chọn nội dung cho sát với trình độ học học sinh và thực của nhà trường” – thầy Duy nhấn mạnh.

Giáo viên khối 4 Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông sinh hoạt chuyên môn. Ảnh: NTCC.

Giáo viên khối 4 Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông sinh hoạt chuyên môn. Ảnh: NTCC.

Hiện đã có 37/63 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội, TPHCM) chọn xong SGK lớp 4, 8, 11. Còn 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định lựa chọn.

Để chuẩn bị cho năm học mới, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định các bản mẫu SGK các khối lớp và ban hành Quyết định phê duyệt SGK kịp thời, đảm bảo thời gian cho địa phương tổ chức lựa chọn và ban hành danh mục SGK lựa chọn theo thời gian quy định; chỉ đạo triển khai tập huấn giáo viên sử dụng SGK lớp 4, 8, 11.

Đối với công tác chuẩn bị thẩm định, biên soạn SGK lớp 5, 9 và 12, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tiếp tục chú trọng, nâng cao chất lượng biên soạn nội dung SGK các lớp cuối cấp.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai đến năm thứ ba với sáu khối lớp, gồm: Lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Năm học 2023-2024, chương trình mới sẽ được triển khai ở các lớp 4, 8 và 11. Năm học tiếp theo sẽ triển khai đối với lớp 5, 9, 12.

Ngày 7/4, Bộ tổ chức họp với đại diện các tổ chức biên soạn SGK, tổng chủ biên, chủ biên biên soạn bản mẫu SGK lớp 5, 9 và 12 để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng bản mẫu sách được biên soạn và đề nghị thẩm định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.