Tập trung chọn sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 đúng tiến độ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các địa phương đang tập trung đảm bảo tiến độ chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 cho năm học 2023 - 2024. 

Cán bộ, giáo viên tỉnh Tiền Giang tham gia hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 8, lớp11.
Cán bộ, giáo viên tỉnh Tiền Giang tham gia hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 8, lớp11.

Nguồn lực tham gia được chọn lựa kỹ càng để tìm ra bộ sách phù hợp với đặc thù địa phương.

Đẩy nhanh tiến độ

Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục các địa phương tiếp tục triển khai dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 4, 8 và 11. Tiếp nối kinh nghiệm từ lần chọn sách giáo khoa của những năm trước, công tác chọn sách giáo khoa được các địa phương, nhà trường tổ chức bài bản nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang vừa họp Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 với sự tham gia của lãnh đạo sở cùng các thành viên là cộng tác viên chuyên môn, chuyên viên phụ trách bộ môn của sở/phòng GD&ĐT. Sau khi Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 của tỉnh Tiền Giang kết thúc hoạt động đánh giá, sở GD&ĐT trình UBND tỉnh phê duyệt. Bộ sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 sẽ công bố trước năm học mới theo quy định của Bộ GD&ĐT…

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, lựa chọn sách giáo khoa là việc quan trọng, thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, đảm bảo các tiêu chí: Phù hợp với việc học của học sinh; thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội địa phương và điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục...

Theo kế hoạch vào tháng 5, Sở GD&ĐT Tiền Giang sẽ thông tin kết quả lựa chọn sách giáo khoa đến các nhà xuất bản, phối hợp xây dựng kế hoạch tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy các khối lớp 4, 8 và 11. Trong tháng 6, sở phối hợp nhà xuất bản tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy lớp 4, 8 và 11 sử dụng sách giáo khoa theo từng môn học…

Một trong những lợi thế của việc chọn sách giáo khoa năm nay là tất cả trường ở 3 cấp đều có kinh nghiệm, làm việc có trách nhiệm trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Qua những lần chọn sách giáo khoa, thành viên trong hội đồng các khối, lớp đã nghiên cứu rất kỹ bộ sách giáo khoa, so sánh, phân tích theo tiêu chí lựa chọn được hướng dẫn, tích cực tham mưu cho hội đồng…

Sở GD&ĐT Tiền Giang họp Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp11 năm học 2023 - 2024.

Sở GD&ĐT Tiền Giang họp Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp11 năm học 2023 - 2024.

Gắn kết nhà xuất bản với địa phương

Các nhà xuất bản đã tổ chức giới thiệu sách giáo khoa đến địa phương. Theo đánh giá ban đầu, bản mẫu sách giáo khoa năm nay cơ bản đáp ứng cấu trúc chương trình ở các môn học.

Nội dung sách thể hiện tốt phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh được quy định trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, các bản mẫu sách giáo khoa cũng còn một số hạn chế nhất định như: Một số nội dung, thuật ngữ chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học; bị lỗi về mặt từ ngữ, hình ảnh…

Theo bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT, các buổi hội thảo là cơ hội cho đại biểu, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trao đổi, thảo luận với các nhà xuất bản về nội dung bộ sách giáo khoa. Đại biểu cùng lắng nghe chuyên gia, tổng chủ biên, chủ biên, tác giả các bộ sách trình bày quan điểm, nội dung cốt lõi, điểm mới sách giáo khoa để thấy rõ những điểm nổi bật của sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11.

Tại Trà Vinh, sở GD&ĐT đã phối hợp với các nhà xuất bản, đơn vị liên kết tổ chức hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 được Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2023 - 2024. Sở tạo điều kiện để thông tin về các bộ sách giáo khoa đến cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sở yêu cầu các đơn vị nghiêm túc tiếp thu nội dung giới thiệu, chuẩn bị tốt điều kiện tiến hành tổ chức nghiên cứu, đánh giá sách giáo khoa theo tinh thần dân chủ, khách quan, minh bạch để lựa chọn bộ sách phù hợp vì quyền lợi học sinh. Đề xuất danh mục sách giáo khoa về Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của tỉnh thực hiện theo quy định.

Tại Sóc Trăng, nhà xuất bản đã gửi sách mẫu và tài liệu để giáo viên tiếp cận, nghiên cứu hoặc có thể tham khảo tài liệu trên website. Thông qua hội thảo giới thiệu sách giáo khoa, cán bộ, giáo viên được nghe các chủ biên, tác giả trình bày những điểm mới về nội dung, cấu trúc và định hướng tiếp cận Chương trình GDPT 2018...

Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, đây là cơ sở để nhà trường và giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá về nội dung của các bộ sách. Từ đó có căn cứ để chọn lựa sách giáo khoa phù hợp với học sinh và điều kiện thực tế tại đơn vị, địa phương.

Sau đó Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp của đại biểu làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh về lựa chọn bộ sách. Sở lưu ý, sau khi đị̣a phương quyết định lựa chọn bộ sách, nhà xuất bản, công ty phát hành sách tạo điều kiện cho các tác giả, chuyên gia gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với giáo viên để việc sử dụng bộ sách đạt hiệu quả tốt nhất…

Tại các trường học ở Tiền Giang, công tác chọn sách giáo khoa được triển khai từ đầu tháng 2/2023. Qua đó, giáo viên có thời gian nghiên cứu; đồng thời đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm giảng dạy tư vấn cho giáo viên khác khi trong quá trình nghiên cứu sách có nội dung chưa thông hiểu cần giải đáp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ