Sân khấu hóa hoạt động hướng nghiệp
Mục đích chủ yếu của giáo dục hướng nghiệp là phát hiện, bồi dưỡng tiềm năng sáng tạo của cá nhân. Giúp mỗi người hiểu yêu cầu của nghề, chuẩn bị cho họ sẵn sàng tâm lí đi vào những nghề mà xã hội đang cần nhân lực. Trên cơ sở đó đảm bảo sự phù hợp nghề cho mỗi cá nhân. Tuy nhiên, việc đổi mới cách thức tổ chức ở các nhà trường cũng cần chủ động thực hiện để đem lại kết quả mong đợi.
Ông Kiều Văn Trung – Phòng Đào tạo Trường Đại học FPT cho biết: “Giáo dục hướng nghiệp giúp cho học sinh làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội. Qua chương trình này, nhiều em hiểu thêm các nghề truyền thống của địa phương. Hoạt động này còn nhằm tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất.
Nếu chỉ tổ chức các buổi hướng nghiệp theo hình thức tọa đàm, nói chuyện... thì chưa thực sự giúp ích được cho các bạn trẻ. Cách thức này không còn mới mẻ nữa. Các em được tham gia với số lần không nhiều khiến chưa đủ thuyết phục để quyết định chọn ngành nghề cho mình. Vì thế, cần đổi mới hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Trong các nhà trường, cần liên kết chặt chẽ với nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, các trường đại học để thực hiện. Đồng thời, để hướng nghiệp cho học sinh, cần có một quá trình rèn luyện chứ không chỉ một buổi gặp gỡ”.
Ông Kiều Văn Trung cho biết thêm, nhiều năm tham gia công tác hướng nghiệp tại các nhà trường, điều dễ nhận thấy nhất ở các bạn trẻ là thiếu kiến thức thực tế. Hiện, nhiều học sinh không xác định rõ năng lực bản thân và thiếu sự rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng mềm, tư duy khoa học khi xác định nghề nghiệp tương lai. Hơn nữa, tâm lý chọn nghề theo phong trào, chọn nghề “hot”, theo “nhãn, mác”, nghề dễ kiếm thu nhập... cũng khiến việc chọn nghề bị lệch lạc, không xuất phát từ lợi thế, năng lực, sở trường của học sinh.
Chính vì thế, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh cần chủ động trong việc trải nghiệm và tham gia các hoạt động thực tế nhiều hơn. Điều này không chỉ giúp các em nắm rõ các quy trình sản xuất, công đoạn làm ra sản phẩm mà còn hiểu về giá trị lao động. Từ đó, mỗi người có hướng phấn đấu cho riêng mình.
Tuy nhiên, những cơ hội trải nghiệm để hiểu rõ về ngành nghề, xu hướng của thị trường lao động đối với học sinh hiện nay chưa nhiều.
Ông Kiều Văn Trung cho rằng: Nếu ngày hội hướng nghiệp còn nặng về hình thức thì hiệu quả không cao. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh, các em có thể tự tìm hiểu những kiến thức nền về nghề nghiệp thay vì đến nghe tọa đàm. Vì vậy, cần đổi mới chương trình, phương pháp hướng nghiệp theo hướng mở. Nên lồng ghép chương trình giáo dục nghề nghiệp vào các chương trình kỹ năng sống. Nhà trường cần mở rộng hiểu biết của học sinh về nghề nghiệp, thị trường lao động, tạo điều kiện cho người học tiếp cận, hiểu rõ về ngành nghề trong xã hội, ở từng địa phương... Từ đó học sinh mới hứng thú tìm hiểu, khám phá và lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp hơn. Thậm chí, có thể tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa để học sinh cảm thấy gần gũi, thiết thực hơn.
Tránh ngộ nhận khi chọn nghề
Hiện, tài liệu về công tác hướng nghiệp chưa nhiều, ngành nghề mới được cập nhật thường xuyên đòi hỏi giáo viên phải chuyên nghiệp, nắm bắt được xu thế chung của xã hội.
Bà Ngô Minh Thủy – Phó HT Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho rằng: Cái khó chung của công tác hướng nghiệp hiện nay là thiếu đội ngũ giáo viên chuyên trách, thiếu tài liệu tham khảo về xu hướng ngành nghề mới.
Hơn nữa, thời lượng dành cho chương trình giáo dục hướng nghiệp còn ít. Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, chưa nhận được sự quan tâm của một số doanh nghiệp cũng như cha mẹ học sinh.
Ở các trường đại học, không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo mà cần tiến hành nhiều hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên, kết nối các em với các nhà tuyển dụng. Đây là dịp để các sinh viên gặp gỡ, có thêm những kiến thức liên quan đến các cơ quan, doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội. Từ đó, các em có thể kiểm nghiệm năng lực của bản thân, trải nghiệm và định hướng cho nghề nghiệp trong tương lai.
Thông qua Ngày hội việc làm, nhiều sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba có thể tìm được cơ hội thực tập hoặc kiến tập. Sinh viên năm cuối có thể tìm được việc làm phù hợp và được tuyển dụng.
Bên cạnh đó, thông qua Ngày hội việc làm, nhà trường và các cơ quan doanh nghiệp có cơ hội thắt chặt mối quan hệ hợp tác vì sự phát triển của mỗi bên và của xã hội nói chung. Đồng thời đó cũng là cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp giới thiệu hình ảnh và nội dung hoạt động của mình tới đông đảo các em sinh viên.
Bà Ngô Minh Thủy cũng cho biết thêm, cần đổi mới công tác tuyển sinh và chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Ở mỗi người cũng cần xác định chọn nghề đúng năng lực bản thân. Bởi việc này có ý nghĩa đối với cả cuộc đời con người. Cần ưu tiên cho sở thích, sở trường nhưng cũng cần xác định sự khác biệt giữa sở thích và năng lực phù hợp để tránh ngộ nhận khi chọn lựa ngành nghề.