Chọn ngân sách hay môi trường?

GD&TĐ - Theo kế hoạch, Nhà máy Bột - Giấy VNT19 đóng tại xã Bình Phước huyện Bình Sơn (Khu Kinh tế Dung Quất) sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024 này.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nằm trên diện tích 117 hecta, công suất 350 nghìn tấn bột giấy/năm, vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng, Nhà máy Bột - Giấy VNT19 được coi là lớn nhất Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, các công đoạn lắp đặt máy móc sắp hoàn thành, chỉ còn một việc khó nhằn nhất là thi công đường ống xả thải dài hơn 5km từ nhà máy đến vịnh Việt Thanh.

Người dân xã Bình Trị - nơi có đường ống ngang qua rồi xả ra biển, phản đối quyết liệt, đến mức họ phân công nhau trực cả ngày lẫn đêm, không cho công nhân thi công đường ống. Lý do là dân xã này sợ đường ống xả thải sẽ gây ô nhiễm môi trường cho toàn vịnh Việt Thanh - nơi nuôi sống hàng ngàn hộ ngư dân của hai xã Bình Hải và Bình Trị nhờ vào nghề khai thác hải sản.

Cũng cần nhắc lại điều này: Trong kế hoạch của mình, Nhà máy Bột - Giấy VNT19 sẽ đưa vào vận hành năm 2019. Tuy nhiên, việc trưng dụng 50 hecta rừng dừa nước Cà Ninh/120 hecta rừng ngập mặn của xã Bình Phước - nơi nhà máy tọa lạc, bị người dân phản đối vì rừng dừa nước ấy đã nuôi sống họ từ nhiều đời nay, giờ lấy chỗ để chứa nước thải thì họ hết chỗ sinh kế.

Cùng với việc không có sự đồng thuận của người dân, các nhà khoa học cũng đã lên tiếng ở nhiều diễn đàn, phân tích điều hơn lẽ thiệt khi phá đi rừng dừa nước “ngàn đời” này.

Hơn nữa, nhiều bộ phận máy móc của nhà máy được cho là mua lại một nhà máy giấy đã cũ của châu Âu nên không lường hết mức độ ô nhiễm của nó nếu đưa vào vận hành. Có lẽ “tiếp thu” các ý kiến ấy nên nhà máy đã lùi lại thời gian đưa vào sử dụng đến… 5 năm (2019 - 2024) để điều chỉnh chăng?

Theo cam kết của đại diện nhà máy trong các buổi đối thoại với người dân Bình Trị thì nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý nước thải sạch, có thể dùng nước sinh hoạt được nên “bà con yên tâm”.

Tuy nhiên, một câu hỏi rất “bình dân” của họ thì không ai trả lời được. Đó là, nếu xử lý nước thải thành nước sạch, có thể dùng sinh hoạt được thì tại sao nhà máy không cung cấp nước sinh hoạt ấy cho toàn vùng Dung Quất - nơi mà khô hạn diễn ra quanh năm?

Người dân cần một “cam kết chính trị” hơn là lời hứa suông. Cam kết đó là, nếu nước vẫn gây ô nhiễm thì người đứng đầu tỉnh/huyện sẽ từ chức, hệt như bà Bộ trưởng Thể thao Pháp, để chứng minh nước sông Seine sạch, không ảnh hưởng đến vận động viên bơi trong kỳ Olympic vừa rồi, bà đã… nhảy xuống sông Seine và bơi luôn, dù sau đó nhiều vận động viên bơi bị ngứa!

Theo tính toán, nếu nhà máy đi vào hoạt động, mỗi năm ngân sách tỉnh Quảng Ngãi sẽ có thêm 1.000 tỷ đồng - con số khá hấp dẫn với một địa phương nghèo như tỉnh này.

Với người dân, sau khi nhà máy đi vào vận hành, họ có thể sẽ mất cơ hội để kiếm ăn hàng ngày trên biển Việt Thanh nếu như việc xử lý ô nhiễm môi trường không triệt để. Vậy chọn thu ngân sách hay chọn môi trường? Câu hỏi này không dễ tìm lời giải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.