Những ngày đầu về ra mắt, cô choáng với tính hay nói của bà, lúc ngọt ngào, lúc cũng chua ngoa, khác hẳn với tính thâm trầm của mẹ cô. Choáng với cả cái ôm gọn từ sau lưng trong buổi tối đầu tiên ngủ với bà, điều mà ít khi mẹ cô làm.
Anh từng kể về bà, một người mẹ làm đủ thứ nghề để kiếm tiền cho con ăn học. Cô xúc động, niềm xúc động của một đứa con gái chưa va vấp cuộc đời, chỉ quanh quẩn bên sách vở và bố mẹ. 20 tuổi, cô đến với anh bằng tình yêu nguyên vẹn, và đồng cảm với anh qua những khó khăn, nên đã nghĩ sẽ đồng cảm với cả mẹ anh về mọi thứ.
Rồi cô lên xe hoa, dù mẹ và chị nhiều lần can ngăn. Để chuẩn bị cho đám cưới, cô và anh đã dành dụm mấy năm trời từ sau khi ra trường. Những ngày đầu của cuộc sống gia đình, hai vợ chồng lo từ những thứ cỏn con, bát đũa, xoong nồi, mẹ cô gửi lên từ rau cỏ đến thịt thà…
Không có một chút hiện diện nào của bàn tay thu vén của mẹ chồng trong căn phòng 20m2 mà vợ chồng cô thuê. Đôi khi tủi thân, nhìn bạn bè được cha mẹ chồng sắm sửa thứ nọ thứ kia, cô lại chạnh lòng.
Rồi cũng tặc lưỡi: ‘Ông bà cũng không khá giả. Tự lập rồi sẽ được tự do’. Vợ chồng cô tìm được công việc ổn định, thu nhập khá, nên cuộc sống bớt dần vất vả, cô lo toan giỗ tết nhà chồng, gửi thêm tiền để bố mẹ chồng trả nợ.
Làm dâu 4 năm, cô ngẫm đến sự đồng cảm ngây thơ hồi 20 tuổi. Các cụ xưa nói chẳng sai, "Thật thà, cũng thể lái trâu / Yêu nhau, cũng thể nàng dâu mẹ chồng". Sự khác nhau về lối sống đã khiến nàng dâu như cô phải trải qua nhiều chuyện đau lòng.
Bà không ít lần chửi cô bằng những lời lẽ thô tục mà một đứa con gái sinh ra trong gia đình làm nghề giáo như cô không thể ‘quen nghe’. Ngày cô sinh con, bà cũng hồ hởi lên chăm cháu, nhưng rồi con dâu sinh cháu được 6 ngày, bà không tiếc lời chửi cô vì không ăn được món bà nấu.
Khu trọ nơi vợ chồng cô ở cũng đủ nghe hết những lời nói của bà: ‘Thà tao có con dâu làm quét rác còn dễ sống hơn là đứa học cao như mày’. Cô ôm con đau đớn, rồi chồng cô cũng biết chuyện, nhưng anh cũng chăng thể làm gì bởi anh hay bố anh đều không thể nói được với bà. Cô im lặng cho qua chuyện.
Rồi cứ dăm bữa nửa tháng, nhà cửa lại om sòm từ những chuyện không đâu. Khi là mắng cháu, khi là mắng con trai vô cớ, nhiều hơn là mắng con dâu. Mằng nặng lời ngay trước mặt thông gia.
Vợ chồng cô chuyển nhà dăm ba lần, từ chỗ hẹp đến chỗ rộng, để bà cháu được thoải mái. Cô yêu chiều mua sắm áo quần, thuốc thang đến sữa uống cho mẹ chồng, rồi biếu bà tiền hàng tháng để gửi về nhà, khi là nộp họ, khi là đóng góp với họ hàng, khi là đi chơi bạn bè, dù mẹ chồng luôn miệng nói chuyện công cán.
Con được 9 tháng, cũng là lúc công việc vào guồng, cô quay cuồng tất bật chợ búa, cơm nước, đi làm. Ăn tối xong rồi lại hì hục đến 10h chuẩn bị thức ăn của ngày mai. Cũng là lúc giới hạn chịu đựng sự khác biệt giữa mẹ chồng nàng dâu đến đỉnh điểm.
Làm ngã cháu, bà lấy cớ giận con rồi đùng đùng bỏ về, mặc cho vợ chồng cô năn nỉ. Đột xuất thế này, chỉ còn cách ở nhà trông con chờ tìm người giúp việc. May mắn, mẹ cô lên bế cháu dù bà tuổi đã cao, rồi cô thống nhất với chồng, nhanh chóng tìm người bế con. Mọi việc ổn thỏa, cô thở phào nhìn ngắm cô con gái nhỏ mũm mĩm, khỏe mạnh. Công việc nhà cũng được san sẻ, cô bớt tất bật mỗi buổi đi làm về.
Từ bố đến anh chị nhà chồng đều phân tích phải trái của mẹ chồng. Cô vẫn chu toàn, cho con về thăm ông bà. Năm tháng trôi qua, mẹ chồng dường như cũng thấu hiểu điều gì. Bà ngỏ lời lên bế cháu. Cô chỉ im lặng cười trừ, rồi lấy cớ để bà ở nhà chăm sóc ông.
Hơn ai hết, cô hiểu, cô và bà là hai tính cách rất khác nhau. Các cụ xưa đã nói ‘xa thơm...’. Cô luôn biết ơn bà trong 6 tháng chăm bẵm con mình, và cô hiểu, giới hạn chỉ đến thế, hơn nữa sẽ làm sứt mẻ tình cảm mẹ chồng nàng dâu.
Một lần về quê, nhân lúc có 2 mẹ con nấu ăn trong bếp, bà thẽ thọt: ‘Mẹ chồng nàng dâu lúc nào chẳng có chuyện. Mẹ có gì sai thì các con đừng để bụng!’.
Cô một lần nữa im lặng. Đâu chỉ 1 lần bà nói với cô câu ấy. Nhưng bà vẫn là mẹ chồng của cô, vẫn là người gắn bó với cô đến hết cuộc đời. Cô chọn cách im lặng, để mối thâm tình không làm ai phải day dứt.