Các chuyên gia cảnh báo, thời tiết nắng nóng kéo dài có thể tác động đến sức khỏe của mẹ bầu. Thai phụ có nguy cơ mất nước, sốc nhiệt, nhiễm khuẩn, viêm da, viêm đường hô hấp và các tác động tiêu cực khác ảnh hưởng đến em bé.
Nguy cơ với cả mẹ và bé
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, khi thời tiết quá nóng và nhiệt độ tăng cao đột ngột, mẹ bầu thường xuyên trải qua cảm giác mệt mỏi, tử cung co bóp nhiều hơn và có nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực.
Ví dụ, mẹ bầu phơi nắng hoặc làm việc dưới ánh nắng gay gắt sẽ mất nước, gây sốc nhiệt và gây ra các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Mẹ bầu có thể gặp khó khăn trong hô hấp và tuần hoàn.
Trong khi đó, trẻ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gây ra các vấn đề về tim thai. Sốc nhiệt cũng làm giảm sức đề kháng và làm tăng nguy cơ nhiễm virus như cúm, thủy đậu và Rubella, gây dị tật cho thai nhi.
Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khi mang thai, nhiệt độ cơ thể phụ nữ cao hơn bình thường. Do đó, nhiệt độ bên ngoài tăng sẽ khiến cơ thể mẹ bầu cảm thấy khó chịu hơn.
Do những thay đổi về thể chất khi mang thai, như sự dao động nội tiết tố, mẹ bầu có xu hướng cảm thấy nóng hơn bất kể mùa nào. Hơn nữa, khi thời tiết nóng bức các hoạt động phải ra ngoài trời nắng khiến mẹ bầu có nguy cơ bị say nắng, kiệt sức vì nóng và mất nước cao hơn.
Nếu để nhiệt độ cơ thể cao 39 độ C, mẹ bầu có thể kiệt sức vì nóng, say nắng hoặc mất nước. Thậm chí, quá nóng cũng dẫn đến các kết quả bất lợi khi mang thai như sinh non, nhẹ cân, thai chết lưu và khuyết tật bẩm sinh.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho biết, uống nước khi mang thai là rất quan trọng vì nhu cầu của cơ thể mẹ bầu ngày càng tăng. Không uống đủ chất lỏng có thể dẫn đến kiệt sức vì nóng và cũng có thể gây ra các cơn co thắt Braxton Hicks.
Trong đó, dấu hiệu mất nước bao gồm: Chóng mặt hoặc choáng váng; buồn nôn; nhức đầu; chuột rút cơ bắp; khô miệng. Ngoài ra, da ửng đỏ, ớn lạnh, táo bón, nước tiểu sẫm màu, nhịp tim cao/huyết áp thấp cũng là những dấu hiệu cần chú ý.
Chuyên gia này cũng cảnh báo, trong mùa Hè, nhiệt độ nóng làm tăng tốc độ mất nước. Do đó, việc uống quá ít hoặc quá nhiều nước dễ dẫn đến tình trạng gọi là nhiễm độc nước.
Ngoài ra, việc uống quá nhiều nước có thể làm loãng chất điện giải nhiều hơn và có thể khiến cơ bắp mệt mỏi, chuột rút, nghiêm trọng là chóng mặt và ngất xỉu. Điều đó gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm chuyển dạ sớm hoặc bong nhau thai, có thể cần phải sinh sớm.
Khi mang thai, cơ thể giữ nhiều nước hơn. Chất lỏng dư thừa trong cơ thể và áp lực từ tử cung đang phát triển có thể gây phù, đặc biệt là quanh mắt cá chân và bàn chân.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, tình trạng này là điều bình thường. Tuy nhiên, khi thời tiết nắng nóng, tình trạng sưng tấy sẽ càng rõ rệt hơn. Phù quá mức do nhiệt được gọi là “phù nhiệt”. Khi cơ thể gặp nhiệt độ quá cao, các mạch máu giãn nở, khiến dịch cơ thể di chuyển vào các mô, dẫn đến phù, sưng tấy.
Tình trạng sưng tấy có xu hướng trở nên trầm trọng hơn khi ngày dự sinh của phụ nữ đến gần, đặc biệt là vào thời điểm cuối ngày và khi thời tiết nóng hơn. Mặc dù sưng tấy đột ngột ở mặt hoặc tay có thể là dấu hiệu của tình trạng tiền sản giật, nhưng sưng nhẹ ở mắt cá chân và bàn chân thường không gây lo ngại.
“Ngoài tác hại của tia cực tím, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây nguy hiểm khi mang thai vì nó có thể gây ra tình trạng quá nóng và mất nước. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì khi mẹ bầu thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ như khuyết tật bẩm sinh do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, nhẹ cân... Vì vậy, khi mang thai, tốt nhất nên tránh ánh nắng trực tiếp. Tránh các hoạt động ngoài trời vào những giờ nắng nóng trong ngày”, chuyên gia khuyến cáo.
Lưu ý trong ngày nóng
Để bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi, bác sĩ Phan Chí Thành khuyến nghị, mẹ bầu cần lưu ý bổ sung nước. Khi uống nước, hãy uống từng ngụm nhỏ liên tục để cơ thể hấp thu tốt hơn. Nếu uống một lần một lượng lớn nước (100 - 200ml), cơ thể sẽ không thể hấp thu hết và phần lớn sẽ được tiết ra qua nước tiểu.
Ngoài ra, mẹ bầu nên tránh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp trong thời gian nắng nóng, đặc biệt là vào giữa buổi trưa khi ánh nắng mạnh nhất. Nên ở trong nhà hoặc tìm nơi mát mẻ, bóng râm. Khi ra ngoài, hãy đảm bảo mặc đồ bảo vệ da khỏi ánh nắng (áo dài, nón rộng, kính râm) và sử dụng kem chống nắng với chỉ số bảo vệ SPF cao.
Trong thời gian nắng nóng, mẹ bầu cũng nên giữ cơ thể mát mẻ và thoáng. Hãy mặc những bộ đồ thoải mái, mỏng nhẹ và thông thoáng. Tránh mặc quần áo quá chật, gò bó để không gây khó chịu và tăng nhiệt độ cơ thể. Ngoài ra, cần sử dụng quạt, điều hòa hoặc quạt gió để tạo luồng không khí trong nhà.
“Mẹ bầu cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Hãy ăn nhiều rau và trái cây tươi, thực phẩm giàu chất xơ và vitamin để tăng cường hệ miễn dịch và cung cấp năng lượng. Tránh thức ăn nhanh, thức ăn chiên, có nhiều đường và không lành mạnh để tránh tăng cân quá mức và gây ra các vấn đề sức khỏe khác”, TS.BS Thành cho biết.
Mẹ bầu cũng cần có thời gian nghỉ ngơi đủ, tránh làm việc quá sức. Tuy nhiên, việc duy trì lịch tập luyện hợp lý cũng rất quan trọng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được những hoạt động thích hợp cho mẹ bầu trong thời tiết nắng nóng.
Điều quan trọng nhất là mẹ bầu nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe và theo dõi thai kỳ bằng cách đến gặp bác sĩ định kỳ. Nếu có bất kỳ triệu chứng lạ hay vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào xảy ra, các sản phụ cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.