Bậc cao niên trong làng chọn từng đoạn tre để làm đu |
Với những người nông dân quanh năm lam lũ trên đồng ruộng, Tết là thời điểm để tạm quên đi những vất vả, cực nhọc và lo âu của ngày cũ để tận hưởng không khí ấm áp, sum họp gia đình. Dù rằng mỗi người lại có một cách cảm nhận hay một cách đón Tết riêng. Thế nhưng khi cùng đứng dưới cột đu thì cái không khí Tết tan ra rồi quyện lại như sợi dây gắn kết tâm hồn mỗi người. Với những đứa con xa quê thì gốc đu là nơi hò hẹn gặp lại bạn bè hay đơn giản hơn chỉ là chơi cho thỏa nỗi nhớ quê. Thế nên mới nói, ngày Tết ở nông thôn thì có nhiều thú vui lắm... Nhưng thích thú nhất vẫn là chơi đu!
Những cây trre đã chọn được đẽo gọt nhẵn nhụi |
Ngay từ khi từng nụ hòa đào vẫn còn e ấp chờ nắng thì chuyện trồng đu, làm đu ngày Tết đã được mọi người nhắc đến từ trước đó rất lâu rồi. Vì không chỉ là một trò vui xuân, cây đu còn là cách mà người dân thờ vọng, gửi gắm niềm ước ao về một năm mới sung túc, tốt đẹp hơn. Khoảng đất rộng trước ngôi đền Thành hoàng cổ kính bao giờ cũng là địa điểm được chọn lựa để trồng đu. Đó cũng là hướng mà người dân sẽ xuất hành dịp đầu xuân năm mới, là nơi mà người đi xa hay du khách thập phương phải đi qua nếu muốn về làng để tìm lại cội nguồn.
Bộ ròng rọc của đu Tết |
Theo như lời của cụ Vũ Văn Nghiễn, một bậc cao niên trong làng thì công việc chọn lựa cột đu cũng có những tiêu chí riêng, đặc biệt:“ Ngoài yếu tố thông thường như cây tre phải to khỏe thì số mắt trên thân cây cũng phải được tính toán tỉ mỉ. Những gia đình có cuộc sống sung túc điền viên, con cái học hành tiến bộ mới được làng chọn để xin tre”. Rồi như một lẽ tất nhiên, gia đình nào được làng chọn thì đó như là một sự tự hào, một niềm kiêu hãnh của người dân quê chất phác, mộc mạc. Khi đã chọn được cột đu rồi, thì những cây tre bánh tẻ, dẻo dai nhỏ nhắn hơn sẽ dùng để làm đòn ròng rọc và tay vịn của đu. Một phần không thể thiếu là mõ đu được làm từ gốc tre già để cho người chơi đứng lên đó.
Cụ Vũ Văn Nghiễn - "kiến trúc sư" của cây đu |
Anh Vũ Trường, người đã có nhiều năm phụ trách thanh niên làm đu của thôn kể: “Hoàn thiện những kết cấu của một cây đu, không chỉ cần đến những chiếc khoan hay những chiếc đục mà còn cần tới kinh nghiệm và khéo léo ở đôi bàn tay người làm. Hai cây tre nhỏ được chọn để làm tay đu sẽ được chẻ làm 5 – 6 phần theo chiều dọc tới lưng chừng thân cây. Sau đó được hơ qua lửa cho từng thớ tre thật mềm mà dẻo để bện lại thành những sợi chắc chắn như dây thừng”.
Mọi công việc ấy đều được chuẩn bị ấy từ ngày 29 Tết. Bước sang ngày cuối cùng của năm cũ, khi tiếng gà chưa kịp gáy thì cả làng, nào là thanh niên, người già, người trẻ đều tự bảo nhau để cùng ra trồng đu. Thanh niên trai tráng với sức trẻ của mình thì hò nhau đào hố trồng cột. Vừa làm, vừa cười nói và điều dễ thấy nhất, là trên gương mặt ai cũng phơi phới, rạng rỡ niềm vui. Còn bậc cao niên thì cùng ngắm nghía rồi ôn lại những ký ức về cây đu làng từ ngày còn trẻ của mình.
Để dựng được chân đu phải huy động tới hàng chục người |
Chỉ một loáng thôi, đầu ngọn của hai cặp cây trẻ đã được bắt chéo lại với nhau, cột chặt tạo thế giằng liên hoàn, đám trai làng lại trèo lên để buộc đu, tra ròng rọc. Cả một khoảng không gian đầu làng sẽ ồn ã tiếng hò hét phấn khích của đám trẻ con. Lúc này thì từ ròng rọc, tay đu, cho tới mõ đu đã đâu vào đấy chờ thời khắc linh thiêng đêm Giao thừa.
Hàng chục người hợp sức mới bện được tay đu |
Bác Đoàn Tiềm kể: “Sắp sửa sang Canh, vị cao niên được trọng vọng nhất trong làng sẽ chủ trì một mâm lễ nho nhỏ dưới gốc đu. Có thể chỉ là đĩa xôi, cút rượu giản dị mộc mạc thôi nhưng phải thành tâm và thực hiện chu đáo vô cùng. Xong đâu đấy, khi giây phút đất trời bước sang năm mới, tiếng trống, tiếng chuông trong đền vọng ra cũng là lúc vị tiên chỉ đọc bài văn khấn mời Thành hoàng về chơi đu Tết, để ước mong cả một cộng đồng đằng sau lũy tre xanh sẽ có một năm tới làm ăn thịnh vượng, phát tài”. Chiếc đu sẽ được đưa một lượt theo cánh tay đẩy của vị cao niên kia như thế lễ khai đu đã chính thức được bắt đầu.
Suốt 3 ngày diễn ra Tết Nguyên đán, già, trẻ, gái, trai... hầu như cả làng tụ tập quanh gốc đu,ai ai cũng muốn được chơi đu xuân một lần với quan niệm lấy may và tâm niệm cầu lộc, cầu tài.
Cách chơi thì cũng đơn giản lắm, chỉ cần người chơi đứng lên mõ đu, hai tay nắm chắc vào tay đu. Một người đứng dưới đưa lấy đà rồi người chơi cứ thế nhún cho đu lên và mọi người đều có thể chơi được. Khi đã đu được lên cao, lơ lửng giũa không trung thì mới thực sự thấy hết được cái cảm giác rạo rực, phơi phới của đất trời vào xuân. Nhiều khi các cặp nam thanh, nữ tú còn rủ nhau đánh đôi, vừa đánh vừa cười đùa huyên náo cả một khoảng không gian đầu làng. Nhưng muốn đánh đu cho đẹp thì cũng cần có sự dũng cảm, khéo léo. Đó là điều khó mà chỉ người biết chơi mới có thể làm được!
Trải qua bao đổi thay, cây đu đầu làng tôi vẫn luôn được các thế hệ người dân trong làng nhắc nhở nhau cùng giữ gìn và lưu truyền lại giá trị văn hóa như thuở ban đầu của nó. Để từ đây, cây đu không chỉ mang tới phút giây bay bổng giữa đất trời, được hoà mình vào thiên nhiên mà còn là mảnh ghép thiêng liêng in sâu vào trong ký ức của mỗi người khi nhắc về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.