Giảng viên Nguyễn Thị Hoài – Khoa Giáo dục mầm non, trường CĐ SP Trung ương đã chia sẻ cách thức để xây dựng trường mầm non hạnh phúc, trong đó có chơi đóng vai theo chủ đề cho trẻ.
Trẻ được thể hiện mình khi chơi đóng vai theo chủ đề
Theo giảng viên Nguyễn Thị Hoài, trò chơi đóng vai theo chủ đề là môi trường để trẻ trải nghiệm cảm xúc, tình cảm, hành vi xã hội cho trẻ mẫu giáo. Đặc biệt, khi trẻ tham gia chơi những vai giàu cảm xúc như vai mẹ, bác sĩ, cô giáo,…trẻ được trải nghiệm những cảm xúc phong phú.
Nhờ vậy, trẻ có điều kiện phát triển đời sống xúc cảm, tình cảm đặc biệt là tấm lòng nhân hậu, cốt lõi của nhân cách con người.
Trò chơi đóng vai theo chủ đề là trò chơi mang tính sáng tạo, thể hiện ở chỗ trẻ tự nghĩ ra chủ đề chơi, tự nghĩ ra các vai chơi, tự nghĩ ra các nội dung nên khi tham gia vào trò chơi này, trẻ được hình thành, rèn luyện và phát triển kỹ năng.
Trò chơi đóng vai theo chủ đề là trò chơi đặc trưng tiêu biểu cho hoạt động nhóm, chính trò chơi đã thôi thúc trẻ đến với nhau, tập hợp thành nhóm chơi, cùng chơi, cùng hoạt động với nhau. Vì vậy, thông qua trò chơi hình thành cho trẻ kỹ năng hợp tác với các trẻ khác trong cùng độ tuổi hoặc với trẻ ở độ tuổi khác nhau.
Khi tham gia vào trò chơi đóng vai, trẻ được tham gia vào các mối quan hệ xã hội phong phú đa dạng tron g hoàn cảnh tưởng tượng, thể hiện ở mối quan hệ giữa các vai chơi mà trẻ đảm nhận. Trẻ đảm nhận càng nhiều vai thì mối quan hệ của trẻ càng phong phú, đa dạng, càng có nhiều cơ hội để bộc lộ thái độ, cảm xúc và hành vi của mình.
Vai trò của nhà giáo dục khi cho trẻ chơi đóng vai theo chủ đề
Để trẻ thực sự vui sướng và hạnh phúc khi chơi trò chơi đóng vai theo chủ đề thì vai trò của nhà giáo dục vô cùng quan trọng.
Trước hết, nhà giáo dục phải tổ chức cho trẻ tham gia vào trò chơi đóng vai theo chủ đề thường xuyên liên tục vào các thời điểm khác nhau trong chế độ sinh hoạt hàng ngày. Khi được thỏa mãn nhu cầu chơi, trẻ có cơ hội để phát triển các mặt và quan trọng hơn là trẻ phải luôn được sống trong trạng thái vui vẻ, hạnh phúc.
Nhà giáo dục phải thiết kế môi trường chơi và tổ chức cho trẻ chơi sao cho phù hợp với đặc điểm chowi của trẻ mẫu giáo ở từng giai đoạn, lứa tuổi.
Trẻ mẫu giáo bé đang diễn ra khủng hoảng tâm lý khẳng định tính cách mạnh mẽ, vì vậy trẻ rất thích trò chơi đóng vai theo chủ đề nhưng khả năng chơi của trẻ lại rất hạn chế. Vì vậy, nhà giáo dục cần nắm được đặc điểm này để tổ chức trò chơi cho trẻ.
Trẻ mẫu giáo bé chủ yếu chơi riêng lẻ và có tính cạnh tranh nhau nên giáo viên cần thiết kế môi trường chơi đảm bảo cho mỗi trẻ đủ không gian và đồ dùng, đồ chơi để chơi. Đồ dùng chơi cho trẻ lứa tuổi này không cần phong phú đa dạng nhưng cần nhiều số lượng để đảm bảo trong góc chơi mỗi trẻ có một bộ đồ chơi.
Trẻ mẫu giáo nhỡ và mẫu giáo lớn đã biết chơi theo nhóm, trẻ chơi độc lập và sáng tạo hơn lứa tuổi mẫu giáo bé, vì vậy thiết kế môi trường chơi cũng khác. Lứa tuổi này cần nhiều loại đồ chơi và không gian rộng, thoáng mát, đảm bảo tính thẩm mỹ,…
Vai trò chủ yếu của nhà giáo dục là quan sát trẻ chơi để nắm bắt thông tin từ các nhóm chơi của trẻ. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể mà giáo viên lựa chọn cách tác động phù hợp trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối không thô bạo, không bắt trẻ chơi theo ý tưởng của mình, như vậy trẻ mới thực sự cảm thấy vui và hạnh phúc.
Do đó, để xây dựng trường mầm non hạnh phúc, các nhà giáo dục cần nhận thức đúng đắn đặc điểm, ý nghĩa, phương pháp tổ chức trò chơi đóng vai theo chủ đề cho trẻ mẫu giáo; thiết kế môi trường chơi phù hợp với đặc điểm chơi của trẻ ở từng độ tuổi, đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ; tổ chức vui chơi cho trẻ thường xuyên ở các thời điểm khác nhau; đồng thời cần hiểu được vai trò của mình khi tổ chức trò chơi cho trẻ trên cơ sở thương yêu và tông trọng.