Chơi bài giải trí… coi chừng phạm luật

GD&TĐ - Nhiều người vẫn nghĩ rằng, dịp lễ Tết, anh em họ hàng quây quần bên nhau chơi vài ván bài ăn tiền với mệnh giá thấp, tạo không khí vui vẻ, rồi cá cược bằng tiền khi thấy một trận đấu bóng của thôn, xóm… là những chuyện hết sức bình thường. Họ nghĩ rằng chơi chỉ để giải trí. Tuy nhiên, tùy vào số tiền khi bị bắt quả tang mà có thể bị xử lý về mặt hành chính, nếu số tiền lớn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.

Chơi bài giải trí… coi chừng phạm luật

Chỉ là vui?

Dịp Tết, gia đình bác Huân lúc nào cũng náo nhiệt đông vui vì hai người con đi làm xa về quây quần bên ba mẹ. Anh em, họ hàng, láng giềng cũng lui tới thường xuyên chúc Tết nên lúc nào cũng đông người ra vào. Nhân dịp cô, cậu về, các cháu con anh cả, chị ba rủ cô, cậu chơi bài ăn tiền cho vui, mỗi ván chỉ 5.000 đồng, 10.000 ngàn đồng. Rồi có mấy người láng giềng sang cũng hồ hởi xin chơi ké. 

Vậy là ngay trong căn bếp nhà ông Huân có hai “chiếu bạc”, những “con bạc” là người thân trong gia đình, chơi bài vừa cười vừa nói rất vui vẻ. Họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc, những hành vi của mình có vi phạm luật pháp hay không, chỉ biết đánh bài ăn tiền, ai thắng thì trích tiền ra để đãi cả nhà chầu nhậu hay đi hát karaoke.

Câu chuyện của gia đình anh Huân là câu chuyện của không ít gia đình hiện nay, với họ chơi một ván bài vui vẻ dường như là chuyện rất bình thường. Như câu chuyện của anh Thứ, anh qua nhà bạn thân chơi, vui vẻ chơi bài ăn tiền với mệnh giá giá thấp.

Khi bị công an địa phương bắt quả tang, bị lập biên bản và mời về trụ sở làm việc, xử lý về mặt hành chính khiến anh ngỡ ngàng. Điều này lý giải vì sao có những đợt cao điểm, như chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2017, Bộ Công an cho biết đã tạm giữ hơn 1.300 người liên quan đến đánh bạc.

Hay chuyện đá gà, chuyện kéo co, chuyện đá bóng của từng xóm ngày Tết cũng được đưa ra để cá cược ăn tiền. Nhà anh Bảy và anh Tư là hàng xóm của nhau, có nuôi được mấy chú gà chọi. Dịp Tết đến khi bán đi 2/3 số gà để lấy tiền xài, anh Bảy để lại 3 con vừa làm giống, vừa để “thách đấu” với gà hàng xóm cho vui.

Chiều mùng 5 Tết, như đã chuẩn bị, nhiều bà con hàng xóm ai cũng háo hức tụ tập cổ vũ, xem màn đấu gà hấp dẫn. Từ chuyện tưởng chừng rất vui, nhưng có nhiều người nhân chuyện đấu gà của anh Bảy đặt tiền cược xem chú gà nào sẽ giành chiến thắng.

Số tiền cũng chỉ vài chục ngàn, có người vui vẻ đặt cả tiền trăm, tiền triệu. Hai người được cử ra đi thu tiền, ghi chép… y như “đấu trường gà”. Có nhiều người góp ý về việc không được cá cược tiền khi đá gà, nếu bị công an phát hiện là bị xử lý, nhưng anh Bảy và nhiều người phớt lờ đi và cho rằng “đá gà cho vui, có ảnh hưởng gì đến ai đâu, có phải ăn trộm ăn cướp gì đâu mà lo. Tết đến chơi cho vui tí, có ai bắt bớ mấy chuyện này”.

Trận chung kết giải bóng đá Xuân của xóm 1 và xóm 2 được bà con đông đảo tới xem, rồi họ vui vẻ tổ chức cược tiền, người 50 ngàn đồng, người cược chầu nhậu, người cược cả 1 triệu đồng xem xóm nào lên ngôi vô địch. Tuy nhiên, sau đó mọi chuyện trở nên phức tạp. Có rượu vào, lại thêm những lời nói khích, nhiều người vung tiền thách thức, biến trận bóng đá thành đấu trường đấu tiền…

Ai cũng nghĩ đây là chuyện cá cược cho vui nhưng đâu biết rằng, khi đã dính vào chuyện tiền bạc, ăn thua thì có lúc mất đi tính giải trí mà nảy sinh ra chuyện cay cú, gây gổ làm mất trật tự an ninh…

Hãy tìm hiểu thật kỹ luật pháp

Câu chuyện của anh Thứ cũng là thắc mắc của rất nhiều người, liệu đánh bài ghi điểm uống nước, ăn nhậu, hay đánh bài ăn tiền cho vui dịp lễ có vi phạm luật pháp?

Theo hướng dẫn của TAND Tối cao, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào, với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật, mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép… Trên thực tế, vào dịp Tết cổ truyền, nhiều gia đình hay tụ tập chơi bài ăn tiền.

Mọi người đều nghĩ rằng đó là việc vui vẻ trong gia đình với nhau, nhiều khi số tiền thắng lại được sử dụng để ăn uống chi tiêu chung. Tuy nhiên, đối chiếu với hướng dẫn của TAND Tối cao, việc làm này cũng là hành vi đánh bạc trái phép.

Theo quy định của pháp luật, nếu đánh bạc với số tiền dưới 5 triệu đồng, người đánh bạc sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 26, Nghị định số 167/2013. Cụ thể người nào có hành vi mua các số lô, số đề thì bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật… 

Đối với hành vi đánh bạc với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên, người đánh bạc có thể bị xử lý hình sự về tội Đánh bạc.

Ngoài ra, người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về hành vi, tội liên quan đến đánh bạc mà còn vi phạm thì đánh dưới 5 triệu đồng cũng vẫn có nguy cơ bị xử lý hình sự.

Theo quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự về tội Đánh bạc:

Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Như vậy, bất kỳ người nào đánh bạc ăn tiền trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc quy định tại Điều 249 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, theo quy định tại tiểu mục 6.2 mục 6 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự thì: Tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 1 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng là có giá trị lớn; tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng là có giá trị rất lớn; tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên là có giá trị đặc biệt lớn.

Mức độ xử lý hình sự cụ thể tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm. Nhẹ thì có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, nặng thì có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ