Buôn lậu thuốc lá: “Vòi bạch tuộc” ngày càng tinh vi

GD&TĐ - Thời gian gần đây, tình trạng buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại địa bàn các tỉnh có đường biên giới Lào và Campuchia... Trong khi, công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng và địa phương chưa chặt chẽ đã ảnh hưởng đến công tác bắt giữ, xử lý. Chế tài xử lý thuốc lá lậu đang được cho là “buông lỏng” để thuốc lá nhập lậu tràn vào Việt Nam…  

Buôn lậu thuốc lá:  “Vòi bạch tuộc” ngày càng tinh vi

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Buôn lậu thuốc lá dọc đường biên luôn khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm giải pháp trấn áp. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuần tra, kiểm soát, chốt chặn, song các đối tượng buôn lậu tìm mọi thủ đoạn tinh vi để tuồn hàng qua biên giới xâm nhập vào thị trường trong nước. Tình hình này trong thời gian gần đây diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, cá biệt có trường hợp chống lại người thi hành công vụ để tẩu tán hàng lậu.

Đơn cử, đầu tháng 8/2017, tại Km 58 Quốc lộ 26 thuộc địa phận xã Cư Mta, huyện M’Đrăk (Đắk Lắk), tổ tuần tra lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 81C-097.46 lưu thông theo hướng Đắk Lắk - Khánh Hòa có dấu hiệu nghi vấn. Sau khi cho dừng xe kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở 23.490 bao thuốc lá nhập lậu, không chứng từ, hoá đơn. Trong đó, 12.990 bao thuốc lá nhãn Jet, 5.500 bao Esse (vàng, trắng), 2.500 bao 555 và 2.500 bao Craven.

Gần đây nhất, ngày 15/8/2017, lực lượng tuần tra biên giới khu vực cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai), đã phát hiện 2 đối tượng đang tìm cách ngụy trang, cất giấu một số thùng giấy trong bụi rậm, có biểu hiện khả nghi, nên lực lượng tuần tra áp sát rồi yêu cầu kiểm tra. Sợ bị bắt giữ nên hai đối tượng lợi dụng trời mưa, đêm tối, địa hình phức tạp nhanh chân tẩu thoát. Đây là số hàng lậu chờ cơ hội để mang từ biên giới về Việt Nam tiêu thụ nhưng đã bị cơ quan chức năng phát hiện.

Trước đó, tại tỉnh Long An các lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn với hơn 50.000 bao cùng phương tiện vận chuyển…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình số vụ buôn lậu thuốc lá mà các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực trạng hiện nay. Nguyên nhân buôn lậu là vì thuốc lá có sức hấp dẫn do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lợi nhuận 350%, trốn tất cả các loại thuế gồm: Thuế tiêu thụ đặc biệt 70%; đóng góp quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá 1,5%; thuế giá trị gia tăng 10%; và thuế nhập khẩu 135%. Bên cạnh đó, do các văn bản pháp luật không thống nhất việc xử lý hình sự đối với hành vi mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu đã gây khó khăn cho các cơ quan trong việc xử lý. Đây cũng là cơ hội cho các đối tượng tranh thủ đưa thuốc lá lậu qua biên giới…

Cần quyết liệt hơn nữa

Trước nguy cơ thuốc lá lậu ngày càng gia tăng, đặc biệt là thời điểm cuối năm, mới đây Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có Văn bản 6326/VPCP-VI đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng, lực lượng công an mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu đối với mặt hàng thuốc lá và đường cát; tăng cường kiểm tra, phối hợp công tác, quyết liệt triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đầu nậu lớn… tại các địa bàn trọng điểm là: An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Đắk Lắk, Gia Lai và TPHCM.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 7127 về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu, mặt hàng đường nhập lậu. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo dự báo của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, từ nay đến cuối năm 2017, hoạt động buôn lậu thuốc lá sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và công tác chống buôn lậu sẽ ngày càng khó khăn hơn. Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương tăng cường triển khai các biện pháp quyết liệt chống buôn lậu và hỗ trợ nhân lực, phương tiện cho các lực lượng chức năng, các địa phương đủ mạnh để kịp thời đối phó với nạn buôn lậu thuốc lá điếu đang ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó sửa đổi Điều 190, 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 - 5 năm đối với các trường hợp buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ 1.500 - 3.000 bao; phạt tù từ 5 - 10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3.000 đến dưới 4.500 bao; và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/8/2018. Nhiều ý kiến lo ngại, trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm 2017 các văn bản pháp lý nới lỏng, tạo ra kẽ hở lớn và là “thời gian vàng” để các đối tượng buôn lậu thuốc lá lộng hành tìm cách tràn vào Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.