Thu học phí bằng tiền ảo là vi phạm pháp luật

GD&TĐ - Trước thông tin Đại học FPT sẽ thu học phí bằng tiền ảo Bitcoin, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Thu học phí bằng tiền ảo là vi phạm pháp luật

Bitcoin là công cụ hỗ trợ cho việc nộp học phí?

Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT vừa công bố Đại học FPT chấp nhận cho các đối tượng đang là sinh viên hoặc chuẩn bị là sinh viên của trường nộp học phí bằng Bitcoin. Trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại.

Thông tin này đã ngay lập tức gây xôn xao dư luận vì hiện loại tiền này vẫn chưa có cơ sở pháp lý để hoạt động tại Việt Nam.

Ông Tùng cho biết, trường sẽ bắt đầu thử nghiệm thu học phí bằng Bitcoin vì đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại Đại học FPT. Đó là những sinh viên châu Phi, đặc biệt là từ Nigeria. Họ rất khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí.

Chia sẻ về những băn khoăn của dư luận xung quanh tính pháp lý của tiền ảo Bitcoin, ông Tùng cho rằng Bitcoin thực tế là một công cụ hỗ trợ cho việc nộp học phí của sinh viên. Sinh viên dùng Bitcoin để chuyển tiền sang Việt Nam, sau đó có thể đổi từ Bitcoin sang tiền mặt để nộp cho trường.

Đánh giá về mức độ rủi ro của việc thu học phí bằng tiền ảo Bitcoin, ông Tùng cho rằng, việc thu phí bằng Bitcoin hay thu phí bằng ngoại tệ như hiện nay đối với sinh viên nước ngoài thì tỷ lệ rủi ro tỷ giá là tương đương.

/Uploaded/cuong/2017_10_28/39656dcafe2911e699ba56c566ee3692_AKUJ.jpg

Bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro

Liên quan đến việc sử dụng tiền ảo (hay còn gọi là tiền kỹ thuật số - cryptocurrency làm phương tiện thanh toán), sáng nay 28/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có thông tin phản hồi.

Theo các quy định của pháp luật đã dẫn, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Về thông tin “Trường ĐH FPT chấp nhận sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin”, đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho rằng nếu chính xác là “rất nguy hiểm”.

Nếu trường này thu học phí bằng Bitcoin là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo nghị định này, mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ