Chó mang virus dại cắn học sinh: Chuyên gia hướng dẫn an toàn trường học

GD&TĐ - Trước nhiều vụ việc chó hung dữ tấn công học sinh, chuyên gia huấn luyện chó chia sẻ kinh nghiệm phòng tránh cũng như đối phó.

Nếu bị chó tấn công, hãy giơ tay ra đỡ để giúp vùng mặt hạn chế thương tổn
Nếu bị chó tấn công, hãy giơ tay ra đỡ để giúp vùng mặt hạn chế thương tổn

Thời gian qua xảy ra liên tiếp vụ việc chó tấn công và gây tổn thương cho nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ. Mới đây nhất trường hợp 2 học sinh lớp 3 (Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nghĩa Đức, TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) bị chó tấn công ngay tại cổng trường khiến nhiều người bức xúc.

Theo đó vào khoảng 16h30 ngày 13/9, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai tan học. Lúc này tại đây xuất hiện một con chó becgie lớn bất ngờ tấn công các em học sinh.

Hậu quả đã khiến nam học sinh lớp 3 bị chó cắn vào miệng, bị thương ở môi và cằm. Còn một em học sinh lớp 4 khác cũng bị chó cắn vào người phải vào viện cấp cứu.

Được biết ngày 15/9, Chi cục Thú y vùng V (Đắk Lắk) thông báo kết quả xét nghiệm mẫu đối với con chó tấn công. Đáng lo ngại là chú chó trên có chứa virus dại.

Trước đó 4 hôm, tại Bắc Giang, một bệnh nhân nữ 83 tuổi, vào viện do bị chó nhà cắn. Bệnh nhân đã được phẫu thuật khâu vết thương phức tạp vùng mặt và nhãn cầu mắt.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi 3 tuổi, vào viện trong tình trạng bị rách vùng má phải với vết thương lớn, phần da bị rách nát lộ cơ, mô mỡ… Theo lời kể, do bệnh nhi bước lại gần con chó nhà nuôi lúc chó đang ăn nên bị cắn xé. Bệnh nhi đã được phẫu thuật khâu vết thương phức tạp ngoài mặt, trong miệng và tiêm huyết thanh phòng dại.

Trường hợp người cao tuổi và trẻ em bị chó tấn công vào vùng mặt

Trường hợp người cao tuổi và trẻ em bị chó tấn công vào vùng mặt

Bày tỏ quan điểm trước hàng loạt vụ việc thương tâm khi bị chó tấn công, anh Hạ Đạt Hảo - Huấn luyện viên của trại huấn luyện chó nghiệp vụ K9 cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chó tấn công người.

Thời gian qua xảy ra nhiều trường hợp chó không được người mua nuôi từ bé, đến khi trưởng thành được đem về dẫn tới việc tấn công gia chủ. Hơn nữa khi xã hội hoá, vật nuôi này được làm quen với nhiều động vật, con người cùng các loại phương tiện khác. Điều này cũng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của những chú chó trên.

"Tâm lý của người dân nước ta là khi gặp một ai dắt chó đi chơi nhiều khi trêu để xem phản ứng của loại động vật đó thế này. Chính hành động này khiến bản thân chú chó nghĩ người kia đang trêu chọc chúng nên phải tấn công lại.

Thứ hai là do một số cá nhân ăn mặc loè xoè, loè loẹt nên kích thích giác quan khiến tâm tính của chúng thay đổi.

Thậm chí nhiều trường hợp học sinh đi học và nhìn thấy chó lại bỏ chạy. Chính hành động này đã càng kích thích và khiến chó đuổi theo sau để tấn công" - anh Hảo phân tích.

Trước tình huống bị chó cắn, huấn luyện viên tại của trại huấn luyện chó nghiệp vụ K9 đã chia sẻ một số kinh nghiệm phòng và tránh.

Theo lời anh Hảo, nếu nạn nhân thấy chó đuổi theo tấn công, cách tốt nhất nên tìm vị trí cao hơn mặt đất để đứng, tránh khỏi tầm kiểm soát của chú chó đó.

Nếu quan sát không thấy vị trí thuận lợi nào, cách tốt nhất bạn nên đứng im. Bởi bản thân con người càng chạy hay khua khoắng sẽ càng khiến động vật đó tấn công mạnh hơn.

"Đặc tính của loại chó là săn mồi, vậy nên nếu thấy người bỏ chạy tức là chúng cho rằng con mồi đã thua cuộc và càng rượt đuổi theo. Trong trường hợp này bạn đứng yên để chúng cắn, có lẽ vết thương sẽ nhẹ hơn nếu cố vùng vẫy.

Thời điểm đó bản thân nạn nhân cần cố gắng giữ được bình tĩnh. Ngoài ra có thể dùng tay đỡ, tránh trường hợp chúng tấn công cắn vào vùng mặt hay bộ phận quan trọng khác.

Vậy nên để hỗ trợ khống chế một chú chó đang cắn người, người xung quanh cần chuẩn bị một chiếc gậy đủ lớn và vụt dứt khoát để chúng nhả ra.

Nếu sử dụng gậy nhỏ vụt nhẹ vào người sẽ càng khiến chúng tấn công dữ dội hơn" - anh Hảo nói.

Vị huấn luyện viên của trại huấn luyện chó nghiệp vụ K9 chia sẻ thêm, trong công tác huấn luyện chó, anh thường phải sử dụng dụng cụ hỗ trợ. Ví dụ như dây để cuốn vào cổ hay đồ chơi để huấn luyện.

Đội ngũ huấn luyện ít khi dùng bạo lực trong công tác huấn luyện bởi điều này sẽ gây phản ứng ngược lại, khiến chú chó càng chống đối mạnh hơn.

Sau nhiều trường hợp chó tấn công người vừa qua, anh Hạ Đạt Hảo - Huấn luyện viên của trại huấn luyện chó nghiệp vụ K9 khuyên rằng, với những gia đình đang nuôi chó cần đeo rọ mõm cho vật nuôi khi để chúng ra ngoài. Ngoài ra cần tiêm phòng đầy đủ để hạn chế tình trạng chó bị bệnh dại.

Cũng đồng tình trước quan điểm trên, anh Hoàng Văn Tuân - Trung tâm huấn luyện chó Hoàng Gia cho biết, nếu trẻ em và người già bị chó cắn sẽ khó đối phó bởi sức khoẻ hạn chế. Chính vì thế vùng mặt thường bị động vật trên cắn và làm bị thương.

"Trường hợp người lớn có sức khoẻ tốt, khi bị chó cắn hãy giơ bất cứ vật gì mình đang cầm trong tay ra ngay. Ví dụ như túi xách, quần áo...Việc làm này sẽ thu hút chú chó để chúng không làm bị thương phần mặt của nạn nhân.

Nếu chú chó phân tâm hãy chạy thật nhanh tìm tường cao để trèo lên. Thường nạn nhân không có sẵn vật dụng trong tay sẽ khó đối phó với vật nuôi này. " - anh Tuân cho biết.

Từng là vị huấn luyện viên có nhiều kinh nghiệm huấn luyện chó, anh Tuân cũng chia sẻ một số cách để làm giảm thiểu rủi ro khi bị chó cắn.

"Đầu tiên người bị nạn hãy đứng bất động, không kêu gào hay giãy giụa. Mình càng kêu la sẽ càng làm tăng sự hung hăng của chúng.

Chứng kiến sự việc trên, người xung quanh có thể hỗ trợ bằng cách dùng gậy xua đuổi. Phần lớn sẽ không một ai dám thò tay vào để gỡ chú chó đó ra.

Ngoài ra bạn cũng có thể dùng lửa để khiến chúng sợ và buông nạn nhân ra. Tuy nhiên lúc này cũng khó có thể tìm ra được ngọn đuốc lửa để cản trở sự tấn công hung dữ trên. Người xung quanh có thể thử việc đốt giấy rồi ném vào để chó sợ phải buông ra" - anh Tuân bày tỏ quan điểm.

Theo vị huấn luyện này, nếu bất kỳ ai khi đi trên đường và gặp chó không đeo rọ mõm, một là đứng yên nếu chúng lại gần.

Ngoài ra bạn hãy tỏ thái độ không quan tâm, không nhìn chúng hay xem động vật này này không tồn tại lúc đó. Bản thân chúng ta càng sợ hãi thì loài vật trên sẽ lại càng bắt nạt.

"Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ em cười khi nhìn thấy chó nhưng loài vật này lại không nghĩ đây là sự thân thiện.

Con người khi cười sẽ lộ ra hàm răng trước cửa, điều này lại khiến loài vật trên cho rằng đứa trẻ đó đang gầm gừ muốn đối đầu chúng nên sẽ tấn công ngay lập tức.

Vậy nên trông thấy chó từ xa hãy tránh và không nên tiến lại gần" - anh Tuân chỉ dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đột phá bất thành ở Kursk

Đột phá bất thành ở Kursk

GD&TĐ - Lực lượng Ukraine tiếp tục cố gắng đột phá ở quận Glushkovsky thuộc vùng Kursk, đưa xe tăng Đức Leopard 2 vào trận chiến nhưng đã bị Nga đánh bại.