Cho bé đi học trước cho... yên tâm

Cho bé đi học trước cho... yên tâm

(GD&TĐ) - Sở GD - ĐT Hà Nội vừa có hướng dẫn cụ thể về tuyển sinh đầu cấp, trong khi các trường tiểu học, phổ thông dân lập đã lên phương án tuyển sinh từ vài tháng trước. Các thông tin này được phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đặc biệt quan tâm.

Một số trường tiểu học yêu cầu trẻ có nhiều kĩ năng trước khi vào lớp 1 (Ảnh MH)
Một số trường tiểu học yêu cầu trẻ có nhiều kĩ năng trước khi vào lớp 1 (Ảnh MH)

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Năm học 2012 - 2013, tuyển sinh vào mầm non, lớp 1, lớp 6 được thực hiện theo phương thức xét tuyển, theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định. Thời gian bắt đầu từ ngày 2 đến 16/7/2012.

Về chỉ tiêu, dự kiến lứa tuổi nhà trẻ là  68.500 bé; lứa tuổi mẫu giáo là 327.500 bé; tiểu học dự kiến tuyển 108.500 HS vào lớp 1; các trường THCS tuyển 86.000 HS vào lớp 6.

Tại Hà Nội, nhiều "lò luyện" vào tiểu học đang thu hút đông đảo phụ huynh đăng ký ghi danh cho con em mình tham gia. Những dịch vụ mang tên “Hành trang vào lớp 1”, “Câu lạc bộ Tuổi thơ”, hay rõ ràng hơn là "Luyện chữ"... không hiếm gặp tại gần các trường tiểu học. 

Nhiều trường tiểu học ngoài công lập như: Đoàn Thị Điểm, Ban Mai, Victoria, Quốc tế Thăng Long... đều tổ chức các lớp học chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ huynh. Một phần vì các trường này tổ chức thi tuyển vào lớp 1, bên cạnh đó có một bộ phận rất lớn phụ huynh cho con theo học để làm quen với môi trường học đường.

Đại diện các trường đều cho biết, mục đích chính của các khóa học này chủ yếu là tổ chức các trò chơi trí tuệ, thông qua đó giúp học sinh làm quen dần với bậc tiểu học; giúp cha mẹ quản lý con em trong các ngày nghỉ.

Chương trình chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 của Trường Đoàn Thị Điểm đã khởi động từ giữa tháng 2
Chương trình chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 của một trường tiểu học

Chị Châu Oanh (quận Tây Hồ) cho biết, năm tới tôi cho con thi vào lớp 1, trường Tiểu học Nguyễn Siêu nhưng do trường này không tổ chức các lớp dưới dạng ôn luyện nên tôi đăng ký cho cháu học tại trường Đoàn Thị Điểm để cháu có tâm lý vững hơn khi tham gia dự thi.

Tuy nhiên, trái với những lo lắng và tâm lý chuẩn bị của các bậc phụ huynh, các bé lớp mẫu giáo lớn tỏ ra không mấy thích thú với các lớp học ngoài trường mầm non của mình.

Cháu Hoàng Yến (quận Cầu Giấy) đang theo học lớp luyện chữ của trường Lê Quý Đôn cho biết, con đi học ở trường đến thứ 7, chủ nhật lại đến trường khác học, con không được chơi với em, con không thích.

Ở ngoại thành, các trung tâm ôn luyện vào tiểu học không phổ biến như khu vực nội thành thì các trẻ thường được gửi đến ôn luyện tại nhà các giáo viên "có tiếng" tại các trường tiểu học trên địa bàn để học chữ và làm tính.

Cháu Phúc Thịnh (trường MN Mai Lâm, Đông Anh, HN) cho biết, ban ngày con học ở trường, buổi tối con lại học chữ ở nhà cô, con không thích như thế.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc luyện trước cho con em vào lớp 1 chỉ thỏa mãn tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh nhưng là việc không thực sự cần thiết bởi khi trẻ thực sự vào học sẽ được học bài bản từ những kỹ năng nhỏ nhất. Việc học trước không theo giáo trình được xây dựng kỹ lưỡng của các nhà chuyên môn vô tình sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiếp thu bài học sau này của các con.

Giáo trình của các lớp chuyển tiếp chưa có sự thống nhất chung, không đảm bảo yếu tố kế thừa và phát huy với các chương trình chính thống trước và sau đó. Các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định cho con tham gia các khóa học này.

Trong khi đó, mức học phí cho mỗi khóa học chuẩn bị hành trang vào lớp 1 tại các trường tiểu học ngoài công lập không hề nhỏ, mỗi tuần các con được học 1 ngày cuối tuần (khoảng 12 đến 14 tuần) với mức phí dao động từ khoảng 1,5 đến 2,4 triệu đồng, tiền ăn khoảng 800.000 đồng. Ngoài ra, hầu hết các trường đều thu tiền “học phẩm” là 50.000 đồng/học sinh. 

Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, "tiêu chuẩn" cho trẻ lớp 1 rất đơn giản: viết đúng chữ cái thường và nhỏ, viết 30 chữ trong 15 phút, tập chép, biết ngồi thẳng lưng, dựa vào ghế... nên bố mẹ không cần phải cho con đi học trước.

Ông Thành khẳng định, theo quy định, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 mới bắt đầu học chữ, còn mầm non chỉ là nhận diện vui vui, làm quen với chữ, có thể tô chữ, chứ không học viết. Ở hầu hết mọi nơi trên thế giới đều thực hiện theo điều này, thậm chí, tại một số nước, trẻ 7 tuổi mới tới trường.

Vì thế, về lý, nếu cho trẻ học chữ, viết chữ trước là sai, thế nhưng, hiện tượng này ngày càng phổ biến, nhất là ở các thành phố. Việc này thể hiện tính hai mặt. Mặt tốt là, nó cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng của bố mẹ với con cái nhiều hơn. Nhưng mặt xấu là, họ vô tình tạo sức ép cho mình và cho con. Mặt khác, giáo viên lương thấp nên nhiều người cũng chấp nhận dạy thêm, luyện trẻ học sớm. Vậy là, ở đây có một sự thỏa thuận, cung cầu gặp nhau, người chịu thiệt là trẻ. Việc học lúc này không vì trẻ mà vì người lớn. Trẻ bị học chứ không phải là được học.

 Bảo Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ