Chính thức tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

GD&TĐ - Từ ngày 1/7/2021, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (Luật sửa đổi, bổ sung) gồm 3 Điều có hiệu lực thi hành.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời không để phát sinh khoảng trống về pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều.

Tuyến đê bờ tả sông Nhuệ đoạn qua địa bàn xã Cự Khê (huyện Thanh Oai).

Tuyến đê bờ tả sông Nhuệ đoạn qua địa bàn xã Cự Khê (huyện Thanh Oai).

Thiên tai ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp

Năm 2020 là một năm của dịch bệnh và thiên tai cực đoan, nhiều kỷ lục về bão, mưa, lũ, dông, sét…như mưa đá dịp tết Canh Tý ở Bắc Bộ; thiếu hụt nước và xâm nhập mặn xảy ra sớm, nghiêm trọng và khốc liệt hơn năm hạn mặn kỷ lục 2016 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); bão chồng bão, lũ chồng lũ trong tháng 10 và tháng 11 năm 2020 tại các tỉnh miền Trung; trong đó bão số 9 (Molave) là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây; mưa lớn kéo dài gây ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Trung, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân

Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, dị thường, việc đầu tư, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai là rất quan trọng.

Ngoài 5 chính sách của Nhà nước như quy định trước đây, Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi đã bổ sung 2 chính sách mới bao gồm: Một là ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai. Hai là ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung tổ chức của Quỹ Phòng, chống thiên tai. Theo quy định mới, Quỹ Phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được tổ chức ở Trung ương và ở cấp tỉnh (trước đây chỉ tổ chức ở cấp tỉnh). Đồng thời Luật bổ sung nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, xác định được tầm quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược nêu rõ, Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, sử dụng hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai và huy động nguồn lực từ xã hội hóa cho hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn...

Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011-2020, không vượt quá 1,2% GDP; phấn đấu để 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai...

Luật đê điều sửa đổi có nhiều điểm mới

Từ ngày 1/7/2021, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 3 Điều chính thức có hiệu lực thi hành.

Những điểm mới này nhằm tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời không để phát sinh khoảng trống về pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều với 92,34% ĐBQH tán thành.

Các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai hiện còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, cần được tập huấn một cách bài bản và cung cấp các trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ ứng phó với các tình huống thiên tai. diễn biến thiên tai ngày càng thất thường không theo quy luật đòi hỏi phải có một lực lượng có năng lực chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức kịp thời việc bảo đảm các yêu cầu chuyên môn nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai xuống mức thấp nhất. Luật sửa đổi bổ sung lần này đã bổ sung quy định về lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai. Theo đó, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã do chủ tịch UBND cấp xã thành lập trên cơ sở lực lượng dân quân và lực lượng của các tổ chức khác ở địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai tại chỗ hằng năm.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều năm 2006, đáng chú ý là quy định việc cấp phép cho các hoạt động liên quan đến đê điều, bổ sung quy định về bãi nổi, cù lao và việc xây dựng cải tạo cầu qua sông có đê.

Đối với nguồn tài chính trong phòng, chống thiên tai, tại khoản 5 điều 1, bổ sung nguồn tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai có quy định bao gồm các “nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Bên cạnh các nguồn lực sẵn có thì đây được hiểu là quy định “mở” để có thể huy động thêm nhiều nguồn lực hợp pháp dành cho công tác phòng chống thiên tai, nhất là khi có tình huống khẩn cấp, thì những nguồn lực xã hội tại cơ sở là rất cần thiết, quý báu khi đó các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và chính quyền chung tay vì một xã hội an toàn, phát triển bền vững.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chỉ đạo, quản lý của Nhà nước, huy động thêm nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai.

----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.