Chính quyền đối thoại với người dân sống ở khu vực bãi rác Khánh Sơn: Không tìm được tiếng nói chung

GD&TĐ - Sáng nay, 6/7, UBND TP Đà Nẵng tổ chức đối thoại với người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn (P. Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) để thông báo về dự án nâng cấp bãi rác. Cho đến quá 12h trưa, nhiều người dân vẫn không chịu ra về vì quá bức xúc trước chủ trương không di dời, đóng cửa bãi rác Khánh Sơn.

Người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn bức xúc trước chủ trương không di dời và đóng cửa bãi rác của chính quyền TP.
Người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn bức xúc trước chủ trương không di dời và đóng cửa bãi rác của chính quyền TP.

Bãi rác Khánh Sơn sẽ không còn là rác?

Ông Tô Văn Hùng – GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết, để giải quyết bài toán ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn, TP Đà Nẵng đã có chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn của thành phố. “Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố tích hợp với Dự án Đốt rác sinh hoạt phát điện Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam liên doanh với Công ty Everbright International (Hồng Kông) lập đề án với công suất đốt rác 650 tấn/ngày” - ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng nêu vấn đề: “Người dân kiến nghị di dời bãi rác Khánh Sơn là do tình trạng quá ô nhiễm kéo dài. Thế nhưng, nếu xây dựng bãi rác khác thì con số 3,2 triệu tấn rác hiện tại ở Khánh Sơn sẽ đi về đâu? Việc xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn với công nghệ tiên tiến sẽ giải quyết bài toán ô nhiễm ở bãi rác đồng thời xử lý toàn bộ số rác hiện có ở Khánh Sơn. Bãi rác Khánh Sơn khi đó sẽ không còn rác nữa mà là khu công nghiệp xử lý, tái chế rác của TP. Lãnh đạo TP cũng đã hết sức thận trọng, lựa chọn công nghệ tiên tiến và không gây bất cứ ô nhiễm nào”.

Được biết, trước đó, ngày 2/6, TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức một đoàn tham quan Nhà máy điện rác ở Cần Thơ, trong đó có đại diện lãnh đạo phường Hòa Khánh Nam cùng một số người dân sống xung quanh bãi rác Khánh Sơn tham gia. Cùng tham gia trong đoàn tham quan này, ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam đã báo cáo kết quả với bà con: “Trong 2 tiếng đồng hồ tham quan, đứng cạnh đống rác nhưng chúng tôi không hề thấy múi hôi. Cảnh quan nhà máy thì đẹp, có cả bể bơi, cây xanh. Nười ta xử lý, đổ rác vào trong hố như cái giếng và có bọc kính bên ngoài nên không mùi. Chúng tôi thấy gì nói nấy…” Ông Minh cũng bày tỏ nguyện vọng của người dân Khánh Sơn là có một môi trường sống trong lành, không có mùi hôi, còn việc xử lý hay đầu tư công nghệ gì là của lãnh đạo TP.

"Đời mẹ hưởng hơi đời con hưởng khói"

Bà Hồ Thị Hiệp không giấu được sự bức xúc trước thông tin TP sẽ không di dời, đóng cửa bãi rác Khánh Sơn: “Gần 30 năm nay, người dân sống ở khu vực bãi rác đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Thử hỏi nơi nào cũng thơm tho mà dân chúng tôi phải chịu hôi thối suốt 30 năm nay, một thùng rác để trong nhà 2 ngày thôi cũng đã thấy có vấn đề.

Trước đây, mỗi sáng, khi Công ty Môi trường Đô thị Việt Nam nhen lò lên là dân chúng tôi chịu không nỗi. Nói thiệt là rác phát ra dầu nhưng dân thì phát ra mỡ, khói không là khói, không ai chịu nổi hết. Dân tập trung ở cổng phản ứng, thì công ty nói ống khói đang quật lên thôi cho chạy xuống. Giờ nghe nói công ty này tái phát làm nhà máy thì sao chịu được. Đúng ra 10 năm là di dời rồi kéo ra 20 năm, 30 năm mà chừ là không dời. Chẳng lẽ đời mẹ hưởng hơi đời con hưởng khói? Chúng tôi không xin tiền xin gạo mà chỉ xin một hơi thở trong lành cho những đứa trẻ con”.

Bà con bày tỏ tâm tư
 Bà con bày tỏ tâm tư

Bà Huỳnh Thị Năm thì bật khóc: “Con tôi 40 tuổi đã mất vì bị ung thư, chồng tôi cũng đã chết rồi. Dân Khánh Sơn kêu gọi TP hãy mở lòng ra đi, đem lò đốt ra khỏi Khánh Sơn. TP có chủ trương dựng lò đốt của ông Môi trường Việt Nam giống lò đốt rác thải hồi xưa, hư lên hư xuống ai chịu trách nhiệm? Dân chỉ mong mỏi TP đem lò đốt ra khỏi Khánh Sơn, hố rác cũng đừng nâng cấp, mở rộng, dân Khánh Sơn đã chịu khổ quá nhiều rồi. Nếu nói công nghệ mới không ô nhiễm, thơm tho thì sao không làm chỗ khác đi mà vẫn là Khánh Sơn?”.

Chị Nhã cho rằng, bà con khu vực bãi rác Khánh Sơn đã rất nhiều lần không đồng ý với chủ trương làm lò đốt rác phát điện tại đây. “Chúng tôi không ủng hộ, muốn di dời bãi rác đi nơi khác, tại sao tất cả TP nay về nói là được ký kết hết rồi? TP hứa là năm 2019, trong văn bản có 3 cấp lãnh đạo ký, bữa ni đúng ra không cho xe rác đổ trong bãi rác nữa. Lần nó thối quá bà con nằm trên bãi rác chặn không cho đổ, sau về cũng gặp TP, gặp quận hứa 2022 là quyết liệt đi, hai văn bản này tôi vẫn nắm. Nay ông Tô Hùng về quyết liệt với dân là không đi, rứa hai lần trước hứa với dân thì sao? Người thân của tôi chết vì ung thư rất nhiều. Đất dưới phố đó bao nhiêu triệu 1m2, còn đất trên này bán rẻ rề mà có ai dám mua đâu?” - chị Nhã nói.

Hơn chục ý kiến của người dân khu vực Khánh Sơn đều không đồng tình với chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn và kiến nghị, chính quyền TP nên tính toán đóng cửa bãi rác Khánh Sơn, đưa khu liên hợp xử lý chất thải rắn vào khu công nghiệp, nơi không có dân cư để tránh ô nhiễm.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo TP ghi nhận ý kiến bà con để có những phương án phù hợp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.