Đà Nẵng: Nhiều thách thức hướng đến thành phố sinh thái

GD&TĐ - Sau 10 năm nỗ lực xây dựng “Đà Nẵng - thành phố môi trường”, TP Đà Nẵng đã cải thiện nhiều chỉ số có liên quan như chất lượng đất, nước, không khí, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường… 

Chỉ một cơn mưa nhỏ, nước thải đen ngòm chảy ào ạt ra biển
Chỉ một cơn mưa nhỏ, nước thải đen ngòm chảy ào ạt ra biển

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển “nóng” khiến cho thành phố phải đối mặt với nhiều bất cập như gia tăng chất thải, thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật, phát sinh sự cố môi trường…

“Nóng” vấn đề rác thải và nước thải

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP cho biết, thực hiện đề án Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình từ xử lý điểm nóng, kiểm tra, giám sát tuân thủ bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp quản lý chất thải rắn, thay đổi phương thức thu gom, vận chuyển rác tạo mỹ quan sạch đẹp, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức.

Đến nay, 13/15 điểm nóng về môi trường đã được xử lý triệt để, 2 điểm nóng phức tạp được kiềm chế. Chỉ số ô nhiễm không khí (AP) trong khu vực đô thị luôn nhỏ hơn 100. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại nội thành đạt 97,8%, nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt 61%; nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải đạt 100%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành đạt 95%. Diện tích không gian xanh đô thị bình quân trên người đạt trên 6 - 8m2/người… Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hay để bảo vệ môi trường như: Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “khu dân cư không rác”, CLB thu gom rác bãi biển…

Tuy nhiên, đô thị Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc cho người dân và cả du khách. Nổi cộm nhất vẫn là rác thải, nước thải và chất lượng nước sinh hoạt. Hiện nay, mỗi ngày TP Đà Nẵng phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự kiến, từ năm 2020 - 2025, phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày; giai đoạn năm 2025 – 2030 là hơn 2.400 tấn/ngày và hơn 3.000 tấn/ngày trong thời gian từ năm 2030 - 2040. Cả TP chỉ còn 4/11 trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt còn hoạt động, công nghệ cũng đã lạc hậu.

Đánh giá về công tác xử lý chất thải rắn, ông Tô Văn Hùng cho biết: “Việc vận hành chôn lấp chất thải rắn tại Bãi chôn lấp Khánh Sơn chưa thực hiện hạng mục che phủ theo quy trình. Các ô chứa rác ngày càng cao nên dễ phát sinh, phát tán mùi hôi ra khu vực xung quanh, chưa thực hiện thu hồi khí ga tại các ô chôn lấp rác đô thị.

Ngân sách thành phố chi trả cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Bãi rác Khánh Sơn rất thấp, không đủ để thực hiện theo quy trình. Các loại rác thải khác như công nghiệp không nguy hại, bùn thải nạo vét cống thoát nước; bùn thải không nguy hại từ các hệ thống xử lý nước thải; phân bùn bể phốt sau khi xử lý đều được chôn lấp chung, làm giảm sức chứa của các ô chứa rác thải sinh hoạt”.

Hiện nay, hệ thống thoát nước mưa của TP Đà Nẵng chung với thoát nước thải nên dẫn đến tình trạng quá tải, nước thải tràn ra biển. Các nhà máy xử lý nước thải phải liên tục nâng cấp nhưng một số nhà máy không còn không gian để mở rộng công suất.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thẳng thắn thừa nhận: “Nếu đến năm 2021 không có nhà máy xử lý rác thải rắn ở bãi rác Khánh Sơn, không xong hệ thống thu gom nước thải, xử lý nước thải ở phía Đông thì bãi rác Khánh Sơn sẽ rơi vào tình trạng quá tải. TP sẽ ngập rác, nguy cơ biến thành TP chết.

Trước đây, một trận mưa lớn kéo dài hàng tiếng đồng hồ thì nước thải mới tràn ra biển. Nhưng nay chỉ cần một cơn mưa nhỏ, nước thải đã ào ạt tràn ra biển đen ngòm. Nếu những khách sạn, nhà hàng đều có hệ thống đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, đầu tư hệ thống thiết bị đầy đủ, xử lý nước thải rồi gom vào hệ thống xử lý nước thải thì sẽ không có nước thải tràn ra ngoài. Sự kiểm soát của chúng ta quá lỏng lẻo, kém hiệu lực. Những cái đã có thì làm chưa tốt, những cái phát sinh thì chưa có chế tài”.

Đặt trong tổng thể phát triển đô thị

Ông Tô Văn Hùng cho biết, định hướng của TP đến năm 2025 là phải kiểm soát tốt chất lượng môi trường, gồm nước, không khí, đất. Năm 2030 sẽ thiết lập được hệ thống quản lý môi trường theo nền tảng TP sinh thái.

Đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ là TP sinh thái, có bản sắc riêng, đáp ứng các tiêu chí của khu vực và quốc tế. Trước mắt, trong giai đoạn đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ tập trung bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường nước các lưu vực sông cung ứng nước nguồn cấp phục vụ dân sinh và phát triển KTXH; kiểm soát đầy đủ các nguồn thải trên các sông, biển, hồ, đầm; xử lý các điểm nóng môi trường nước, không tái ô nhiễm ở các điểm nóng môi trường đã được xử lý giai đoạn trước. Bên cạnh đó, kiểm soát được chất lượng nước thải đô thị, công nghiệp ra môi trường, cải thiện vấn đề ngập úng trên địa bàn, nâng cao chất lượng cấp nước khu vực đô thị, vùng nông thôn, tăng diện tích cây xanh công cộng đạt mức trên quy chuẩn quốc gia…

Nói về giải pháp cho những mục tiêu trên, theo ông Huỳnh Đức Thơ, trong điều chỉnh quy hoạch chung sẽ đưa quy hoạch cấu trúc hạ tầng liên quan đến vấn đề môi trường, đạt được tầm nhìn dài hạn, tích hợp được những đòi hỏi về mặt khoa học công nghệ, dự báo để hệ thống tồn tại xuyên suốt trong hàng chục đến trăm năm.

“Thời gian tới, cần xây dựng được hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường tương ứng mục tiêu trở thành TP môi trường. Sớm khắc phục các tồn tại trong quy hoạch hiện nay mới giải quyết căn cơ các điểm nóng môi trường hiện có. Các quy hoạch cần đặc biệt lưu ý: Quy hoạch công nghiệp, quy hoạch du lịch, giao thông, thoát nước, cấp nước, chất thải rắn… phải là bài toán trong tổng thể phát triển đô thị. Quan trọng nhất là phải tiếp tục có những hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và huy động được sự tham gia của cộng đồng vào công cuộc bảo vệ môi trường. Thực tế đã cho thấy, sự nghiệp bảo vệ môi trường không thể thành công nếu không có sự vào cuộc của cả cộng đồng”, ông Thơ nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.