Theo đó, trên cơ sở thực trạng cơ sở vật chất trường học của địa phương, khả năng cân đối các nguồn vốn, các địa phương lập, phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể và từng năm. Trong đó lưu ý rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Xác định nhu cầu đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 theo các mục tiêu của Đề án, cụ thể:
Đối với giáo dục mầm non: Đầu tư xây dựng phòng học, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà bếp và nhà kho; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị đồ chơi ngoài trời.
Đối với giáo dục tiểu học: Đầu tư xây dựng phòng học (ưu tiên để bảo đảm 1 lớp/phòng), các phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập) và thư viện; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2 (theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT), bàn ghế hai chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ.
Đối với giáo dục THCS, THPT: Đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, phòng chuẩn bị và thư viện; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 6 (theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT), thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế hai chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ.
Đối với giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở định hướng của các nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư và cơ chế huy động vốn cho phù hợp.
Về kinh phí thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 được hướng dẫn như sau:
Trái phiếu Chính phủ: xác định theo số vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 đã được phân bổ cho các địa phương (vốn trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực giáo dục thực hiện kiên cố hóa các phòng học mầm non, tiểu học tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo).
Nguồn vốn hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (Chương trình): Đối với nguồn vốn đã phân bổ, trên cơ sở tổng số vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình giáo dục để thực hiện các mục tiêu của Đề án.
Đối với nguồn vốn dự phòng của Chương trình, các địa phương đề xuất danh mục đầu tư, nhu cầu vốn hỗ trợ, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo trung ương Chương trình, Thủ tướng Chính phủ để phân bổ nguồn vốn dự phòng của Chương trình thực hiện các mục tiêu Đề án (thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 văn bản này).
Nguồn vốn ngân sách trung ương cho sự nghiệp giáo dục (chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục đào tạo): các địa phương rà soát, xác định nhu cầu vốn mua sắm bổ sung thiết bị; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ để cân đối, bố trí hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách (thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 văn bản này).
Ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác: Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh, cân đối, bố trí, dành ngân sách thỏa đáng từ ngân sách địa phương và lồng ghép, huy động các nguồn vốn khác để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học trên cơ sở ưu tiên thực hiện các mục tiêu của Đề án.
Về kế hoạch thực hiện chi tiết cần xác định rõ các nội dung cho từng cấp học: số lượng hạng mục công trình và thiết bị dạy học; nguồn vốn thực hiện (các nguồn vốn cần phù hợp với nguồn vốn đã được xác định và tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn trong Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Giao Sở GD&ĐT là đơn vị đầu mối, chủ trì tổng hợp, đề xuất phương án đầu tư, triển khai thực hiện, kiểm tra đánh giá, định kỳ báo cáo UBND cấp tỉnh, Bộ GD&ĐT...