Chính phủ đề nghị Quốc hội có NQ về vấn đề giao thông

Chính phủ đề nghị Quốc hội có NQ về vấn đề giao thông

(GD&TD)-Sáng nay, 25/11, tại Hội trường Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của ĐBQH

Sáng nay, sau phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo, giải trình thêm về một số nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri, người dân quan tâm, chất vấn. Đây cũng là những công việc mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới...

Thủ tướng cũng trình bày thêm về một số nhóm vấn đề: ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế; nông nghiệp và nông thôn và một số vấn đề xã hội bức xúc.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết, với những giải pháp điều hành quyết liệt, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm liên tục trong 6 tháng qua, tính chung 11 tháng tăng 17,5%. Với xu thế này, mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng năm 2011 khoảng 18% là có khả năng thực hiện được. Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với giá điện, xăng dầu, than và các hàng hoá, dịch vụ quan trọng khác, Thủ tướng đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường; đồng thời, có hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách. Chính phủ sẽ xác định lộ trình hợp lý để thực hiện, vừa từng bước tiếp cận giá thị trường, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Cần có các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng cũng là vấn đề cả nước quan tâm và nhiều vị đại biểu Quốc hội nêu ý kiến. Thủ tướng cho biết thêm, theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, có trên 48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 21,8% so cùng kỳ năm 2010.

Việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh gắn với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu như tập trung sức kiềm chế lạm phát, đưa lạm phát năm 2012 về 1 con số, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, Chính phủ sẽ xem xét kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách hiện hành về hỗ trợ thuế, rà soát các dự án bất động sản, có chính sách phù hợp, nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho các dự án sắp hoàn thành trong một số lĩnh vực cụ thể...

Về cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng giải trình, làm rõ thêm về ba nội dung là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo Thủ tướng, do tính tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, cả ba nội dung tái cấu trúc trên phải được thực hiện đồng bộ, với các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng đắn, hiệu quả đi đôi với việc tiến hành đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược. Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại kỳ họp tới của Quốc hội.

Về nông nghiệp và nông thôn, trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ sẽ trình Quốc hội Kế hoạch đầu tư phát triển 3 năm 2013 - 2015, nếu kế hoạch này được thông qua thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (2009 - 2013) tổng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ bố trí cho nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 500 ngàn tỷ đồng, gấp 2,76 lần so với 5 năm 2004 - 2008, vượt mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 đề ra.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang) và Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) về giải pháp của Chính phủ ngăn chặn khai thác quặng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, Thủ tướng nêu rõ, tài nguyên, khoáng sản được Nhà nước quản lý, xây dựng quy hoạch khai thác đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh những kết quả, Chính phủ cũng nghiêm túc nhận thấy, thời gian qua, việc quy hoạch, khai thác khoáng sản còn nhiều yếu kém.

Trước tình hình này, Chính phủ đã họp và chỉ đạo một số biện pháp lớn như: Yêu cầu chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo, ngăn chặn bằng được việc khai thác khoáng sản trái phép, tự do, gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự tại địa phương. Chính phủ cũng sẽ tạm dừng việc cấp phép khai thác khoáng sản mới. Đồng thời, rà soát các dự án đang khai thác, nếu phát hiện gây ô nhiễm môi trường, khai thác trái giấy phép, gây hư hỏng đường xá, mất an ninh trật tự thì cũng sẽ lập tức bị đình chỉ.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch theo hướng khai thác sâu, chế biến sâu, có hiệu quả cao nhất khoáng sản của đất nước. Ngay cả việc xuất khẩu khoáng sản ngay tại dự án, nếu dự án nào làm đúng nhưng hiệu quả xuất khẩu không có lợi so với chế biến thì cũng phải dừng xuất khẩu để tổ chức chế biến, sử dụng tại chỗ.

Thủ tướng cũng giải trình về một số vấn đề xã hội bức xúc như trật tự an toàn giao thông, giảm nghèo, lao động - việc làm.

Về vấn đề giao thông, Thủ tướng cho biết: “Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đề cao trách nhiệm và kỷ luật kỷ cương, huy động mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phấn đấu giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông”.

Về vấn đề tạo việc làm cho người lao động và giảm nghèo bền vững, Thủ tướng cho biết, đây luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều chính sách, giải pháp cụ thể đã được thực hiện và mang lại kết quả tích cực. Năm 2011, cả nước tạo được khoảng 1,6 triệu việc làm, đạt kế hoạch đề ra. Về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) về cơ sở Chính phủ trình Quốc hội xem xét, xây dựng Luật Biểu tình, Thủ tướng cho biết, căn cứ vào Hiến pháp 1992 và tình hình thực tế, có nhiều cuộc, đồng bào ta tập trung đông người biểu tình, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và hiện tại chúng ta chưa có luật điều chỉnh vấn đề này. Do đó đã gây khó khăn cho cả người dân tham gia biểu tình và công tác quản lý của chính quyền, làm xuất hiện biểu hiện mất an ninh trật tự và những hành vi lợi dụng, kích động, xuyên tạc gây phương hại cho xã hội.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định để điều chỉnh vấn đề này nhưng qua thực tế, Nghị định của Chính phủ chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống đang đặt ra. Vì vậy, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng Luật Biểu tình, phù hợp với Hiến pháp, phù hợp điều kiện lịch sử của nước ta và thông lệ quốc tế, tiếp tục đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân, đồng thời ngăn chặn những việc làm, hành vi xâm hại đến an ninh trật tự, lợi ích của xã hội, người dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là luôn trân trọng tất cả việc làm của mọi người dân thực sự vì lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những hoạt động vì mục tiêu đó đều được khen thưởng xứng đáng. Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh và buộc phải xử lý nghiêm những hành vi với động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, thực hiện chủ quyền để gây phương hại cho đất nước và xã hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Bộ Lĩnh - An Giang, Đặng Ngọc Tùng – TP. Hồ Chí Minh về những giải pháp cụ thể Chính phủ thực hiện để bảo vệ chủ quyền biển đảo để ngư dân yên tâm đánh bắt cá và quan điểm và chủ trương của Chính phủ với việc dân biểu thị lòng yêu nước trước việc xâm phạm chủ quyền biển đảo, Thủ tướng cho biết, trong giải quyết các tranh chấp biển Đông, Việt Nam quán triệt đường lối giải quyết hòa bình, hữu nghị, hợp tác và tôn trọng các luật pháp quốc tế, tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông và những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo vấn đề trên biển.

Việt Nam hiện đang phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với 4 loại vấn đề trên biển Đông gồm: Đàm phán phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ; Khẳng định và giải quyết chủ quyền với quần đảo Trường Sa; quần đảo Hoàng Sa; Khẳng định và giải quyết chủ quyền trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982.

Thủ tướng cho biết, về chủ quyền với vùng biển trong Vịnh Bắc bộ, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận năm 2000, còn với chủ quyền ngoài Vịnh Bắc Bộ, nếu theo Công ước Luật biển quốc tế thì thềm lục địa của nước ta có chồng lấn với vùng biển Hải Nam – Trung Quốc. Đầu năm 2010, hai bên đã đạt được thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển (DOC). Trên cơ sở nguyên tắc này, vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ là quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc nên 2 nước sẽ đàm phán phân định trên cơ sở các nguyên tắc đã thỏa thuận và công ước quốc tế để có giải pháp hợp lý mà hai bên chấp nhận được. Trong khi chưa phân định, trên thực tế, với chừng mực khác nhau, hai bên đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường trung tuyến và trên cơ sở đó có đối thoại với Trung Quốc để đảm bảo an ninh, an toàn trong khai thác nghề cá của Việt Nam

Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam khẳng định có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử rằng, hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đã làm chủ thực sự hai quần đảo này ít nhất từ thế kỷ 17, khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào và đã làm chủ trên hòa bình, lâu dài.

Kết luận toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại phiên chất vấn, đã có 155 chất vấn của 77 đại biểu, thuộc 43 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi tới các vị bộ trưởng và trưởng ngành. Về cơ bản, các chất vấn này đã được trả lời trực tiếp. Tại hội trường, đã có 175 lượt  đại biểu Quốc hội trực tiếp đặt câu hỏi, chất vấn.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, tinh thần chung các câu hỏi đặt ra đúng trọng tâm, phù hợp với sự quan tâm của Quốc hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, thể hiện nét văn hóa nghị trường của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua phiên chất vấn, Quốc hội ghi nhận quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, tập thể Chính phủ vượt qua khó khăn thách thức phấn đấu hoàn thành tốt nhất, thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng năm 2011 đặc biệt là trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; tái cấu trúc nền kinh tế.

Trong phiên chất vấn, Quốc hội đã mời 20 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh tới dự. Đây là dịp để kết nối giữa Trung ương với địa phương, giữa Quốc hội với Hội đồng Nhân dân và cả sự gắn kết giữa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội và của Hội đồng Nhân dân các tỉnh thành phố. Thông qua đó, công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn sẽ đạt được chất lượng ngày càng cao hơn, hiệu quả hơn.

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ