Chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông theo hướng 'quản lý nhẹ' đối với 3 dịch vụ

GD&TĐ - Tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, dự thảo Luật Viễn thông chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” (light-touch regulation) đối với 3 dịch vụ.

Chiều nay, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông.
Chiều nay, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông.

Trình bày Báo cáo tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 25/10, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết.

Dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là dịch vụ thực hiện lưu trữ, xử lý dữ liệu. Pháp luật một số quốc gia tập trung vào vấn đề bảo vệ dữ liệu.

Dịch vụ OTT viễn thông là dịch vụ không có hạ tầng mạng. Người sử dụng dễ dàng thay đổi nhà cung cấp, thị trường có khả năng tự điều tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” (light-touch regulation) đối với 3 dịch vụ. Cụ thể, không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam.

Quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp 3 dịch vụ, tập trung vào bảo đảm chất lượng dịch vụ; quyền của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin. Giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống.

Quy định rõ hình thức quản lý là đăng ký, thông báo.

Đối với việc quản lý hoạt động cung cấp 3 dịch vụ mới qua biên giới đến người sử dụng Việt Nam, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quản lý và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Đối với nội dung về viễn thông công ích, UBTVQH thống nhất với phương án Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục duy trì Quỹ. Song, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để Quỹ hoạt động hiệu quả hơn.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bỏ các quy định “thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao được bảo đảm từ ngân sách nhà nước” và “kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao được bảo đảm từ ngân sách nhà nước”.

Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá; Quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo.

Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ