Trong Atlat Địa lý có đầy đủ các biểu đồ, các số liệu và được phép sử dụng trong phòng thi. Cùng với sách giáo khoa, Atlat là nguồn cung cấp kiến thức, thông tin tổng hợp; là phương tiện để học tập, rèn luyện các kỹ năng cũng như hỗ trợ rất lớn trong các kỳ thi môn Địa lý, chính kiến thức trong đó giúp các em lấy được 30% điểm trong bài thi.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều học sinh còn lúng túng khi khai thác Atlat trong học tập, bài bài thi. Nguyên nhân là do cách sử dụng chưa đúng như: Chưa nắm được phương pháp thể hiện bản đồ sử dụng trong Atlat; chưa nắm được vấn đề chung nhất của Atlat; không khai thác theo trình tự khoa học và đặc biệt chưa biết huy động, kết hợp các kiến thức đã học trong sách giáo khoa vào việc tìm ra mối liên hệ giữa các trang trong Atlat để khai thác một cách có hiệu quả nhất...
Để có thể sử dụng quyển Atlat Địa lý hiệu quả trong học tập và thi cử, giáo viên cần giúp học sinh lưu ý các nội dung sau:
Hướng dẫn cách sử dụng Atlat nhanh
Giáo viên nên hướng dẫn học sinh cách sử dụng Atlat nhanh khi cần tìm nội dung cần khai thác như:
Cấu trúc Atlat giống cấu trúc nội dung sách giáo khoa; Sử dụng trang mục lục dò nội dung cần tìm (trang 31); xác định các tỉnh tìm trang hành chính (trang 4-5);
Khai thác các kí hiệu chung (trang 3) vì một số bản đồ trong Atlat không in chú thích kèm theo; xác định ranh giới các vùng nông nghiệp, kinh tế chung (trang 17, 18);
Các câu hỏi có yêu cầu trình bày tình hình phát triển hoặc quá trình phát triển…, học sinh có thể tìm thấy số liệu ở các biểu đồ trong Atlat đỡ phải nhớ phần số liệu trong lý thuyết.
Có câu hỏi chỉ cần sử dụng một bản đồ nhưng cũng có thể dùng nhiều bản đồ trong Atlat để trả lời (đọc kỹ câu hỏi).
Rèn kỹ năng xác định phương hướng trên bản đồ
Đây là một kỹ năng đơn giản được dạy ở các lớp dưới, nhưng qua thực tế dạy học, nếu không thường xuyên rèn luyện lại kỹ năng này, học sinh sẽ quên và không thể xác định phương hướng một cách chính xác.
Rèn kỹ năng xác định tọa độ địa lý trên bản đồ
Kỹ năng này cho phép nhận ra ngay một địa điểm nào đó nằm ở đới khí hậu nào và từ đó suy ra đặc điểm cơ bản của khí hậu ở địa điểm đó. Vì khí hậu có ảnh hưởng đến tự nhiên, từ đó có thể biết được những nét lớn về thổ nhưỡng, sông ngòi, thực vật… ở nơi đó.
Rèn kỹ năng xác định vị trí địa lý trên bản đồ
Khi rèn luyện kỹ năng này, giáo viên cần làm cho học sinh nắm chắc ý nghĩa quan trọng của vị trí địa lý, biết tự mình xác định vị trí địa lý khi tìm hiểu về bất kỳ một đối tượng địa lý tự nhiên nào và biết cách rút ra những kết luận quan trọng để đánh giá về tự nhiên hoặc kinh tế.
Rèn kỹ năng nhận biết, chỉ và đọc các đối tượng địa lý trên bản đồ
Các đối tượng địa lí trên bản đồ thuộc nhiều loại: Tự nhiên, kinh tế, xã hội. Kỹ năng nhận biết, chỉ và đọc các đối tượng địa lí trên bản đồ rất đơn giản nhưng là kỹ năng cơ bản.
Do đó, phải rèn luyện kỹ năng này trước tiên trong quá trình dạy học cho học sinh. Giáo viên thường xuyên liên hệ về hình dạng đặc trưng của các đối tượng địa lý hoặc gắn nó với những đối tượng xung quanh để học sinh dễ nhận ra.
Quy trình này được tiến hành thường xuyên trong các giờ học dần dần hình thành ở các em kỹ năng đọc, chỉ, nhận biết đối tượng địa lý trên bản đồ.
Rèn kỹ năng mô tả địa hình trên bản đồ
Dựa vào bản đồ địa lý tự nhiên, học sinh tập phân tích xem có những dạng địa hình nào, phân bố ra sao, dạng địa hình nào chiếm ưu thế, chỗ cao nhất và thấp nhất, chạy theo hướng nào, dốc về hướng nào, bị cắt sẻ nhiều hay ít bởi các thung lũng sông, gây trở ngại gì với giao thông.
Từ việc mô tả những nét chung, cho học sinh mô tả những dạng địa hình và đặc điểm của mỗi dạng.
Rèn kỹ năng mô tả khí hậu trên bản đồ
Làm cho học sinh hiểu rõ mô tả khí hậu trên bản đồ có ý nghĩa là mô tả những yếu tố thành phần của nó như nhiệt độ, gió mưa và phát hiện mối liên hệ giữa chúng với nhau cũng như với những yếu tố tự nhiên khác.
Rèn kỹ năng mô tả sông ngòi trên bản đồ
Nhìn mạng lưới sông ngòi trên bản đồ một khu vực có thể biết ngay những nét lớn về đặc điểm khí hậu, địa hình, động thực vật và phân bố dân cư của khu vực đó.
Do đó, học sinh được rèn luyện kỹ năng này sẽ biết được những mặt khác về tự nhiên, kinh tế, xã hội.
Rèn kỹ năng phát hiện các mối quan hệ địa lý
Đây là một kỹ năng cực kỳ quan trọng vì bản chất của môn học gắn với không gian, với bản đồ và gắn với các mối liên hệ giữa các hiện tượng (tự nhiên với tự nhiên, tự nhiên với kinh tế).
Các bước tiến hành thường xuyên trong quá trình dạy và học sẽ dần hình thành cho học sinh kỹ năng quan trọng nhất của môn học, giúp các em có thể tự học bằng cách kết hợp giữa Atlat và các kiến thức lý thuyết đã học.
Ví dụ cụ thể
Ở bài 2 trong chương trình Địa lý 12, để xác định chính xác vị trí địa lí, hệ tọa độ địa lí của các điểm cực, các phía tiếp giáp phần trên biển và đất liền của Việt Nam, học sinh chỉ cần dựa vào bản đồ hành chính (trang 5 trong Atlat )
Ở bài 6 chương trình Địa lý 12, để xác định giới hạn vị trí, đặc điểm của các phần địa hình vùng núi (Tây Bắc, Đông Bắc, Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam); đồng bằng (Bắc Bộ, Nam Bộ, Đồng Bằng Ven Biền), thí sinh sử dụng trang 6 (hình thể) hoặc tham khảo trang 13 (các miền tự nhiên); từ đó có thể đánh giá được những thuận lợi và khó khăn do địa hình mang lại
Ở bài 8, để đánh giá được vai trò của biển đông đến khí hậu, địa hình, hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên vùng biển Việt Nam, thí sinh cần khai thác trang 9 (khí hậu) trang 6-7 ( hình thể) trang 12 (động- thực vật)
Ở bài 16, để chứng minh được sự phân bố dân cư không đều, thí sinh tìm ở Atlat trang 15 (dân số)
Ở bài 26 chứng minh về sự thay đổi cơ cấu công nghiệp theo ngành, thành phần kinh tế, cơ cấu công nghiệp có sự phân hóa về mặt lãnh thổ, sử dụng Atlat trang 21( công nghiệp chung)…