Chiến tranh dầu mỏ: Khi Washington ngồi trên đống lửa

Chiến tranh dầu mỏ: Khi Washington  ngồi trên đống lửa

Mỹ cho rằng, họ là nạn nhân của cuộc chiến tranh dầu mỏ giữa Nga và Ả-rập Xê-út. Trong bối cảnh ấy, Ả-rập Xê-út có nhượng bộ Mỹ và đóng vai trò vị cứu tinh của nền kinh tế toàn cầu?

Kêu gọi ngừng chiến

Vào thời điểm hiện tại, Ả-rập Xê-út là Chủ tịch của G-20. Theo kế hoạch, vài ngày nữa, khối 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp bằng hình thức trực tuyến nhằm đưa ra các biện pháp để ổn định tình hình thế giới thời đại dịch Covid-19. Thông tin này đã được thư ký báo chí của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo sau cuộc trò chuyện qua điện thoại với Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman.

Hiện nay, ngoài đại dịch lan rộng, yếu tố gây bất ổn thứ hai trên thế giới là tình hình thị trường dầu mỏ. Do thất bại trong cuộc đàm phán với Nga về việc gia hạn thỏa thuận OPEC + (hết hạn vào ngày 31/3), Ả-rập Xê-út đẩy mạnh khai thác đồng thời hạ giá dầu. Từ sản lượng dưới 10 triệu thùng/ngày, Riyadh sẽ tăng sản lượng lên 12,3 triệu thùng/ngày kể từ 1/4. Để tìm kiếm thị trường cho loại dầu này, Ả-rập Xê-út quyết định giảm giá dầu chủ yếu cho châu Âu, những khách hàng trước đây đã mua dầu Urals của Nga. Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh nhu cầu dầu giảm chưa từng thấy do đại dịch gây ra.

Trong khi đại dịch Covid-19 giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu, và dầu giá rẻ của Ả-rập Xê-út tràn vào thị trường, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ có ảnh hưởng đã kêu gọi Thái tử Mohammed bin Salman thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm đảo ngược xu hướng tiêu cực đe dọa lợi ích quốc gia của Mỹ. Lời kêu gọi của 13 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa là một phần trong các nỗ lực ngoại giao của Washington, nhằm bảo đảm sự ổn định thị trường dầu lửa thế giới.

“Mỹ luôn là đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy của Vương quốc Saudi trong nhiều thập kỷ. Vì điều này, mối quan tâm sâu sắc của chúng tôi là quyết định của Bộ Năng lượng Ả-rập Xê-út về việc hạ giá dầu thô và tăng sản lượng. Trong tình huống mà thị trường tài chính đã bị ảnh hưởng nặng nề, giá dầu giảm gây ra sự mất ổn định tối đa của nền kinh tế toàn cầu” - Lời kêu gọi có đoạn viết.

“Các chính trị gia cao cấp của Ả-rập Xê-út đã nhiều lần nói với các quan chức Mỹ, bao gồm cả chúng tôi, rằng Ả-rập Xê-út là một lực lượng ổn định trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, những hành động gần đây của nước này khiến chúng tôi nghi ngờ. Về vấn đề này, chúng tôi kêu gọi vương quốc thể hiện sự lãnh đạo mang tính xây dựng để ổn định nền kinh tế toàn cầu, khi các quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với đại dịch”, các thượng nghị sĩ Mỹ nhấn mạnh.

Trước đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin Kramer đã viết một bức thư gửi Tổng thống Donald Trump, bày tỏ sự hoang mang trước cách tiếp cận quá mềm mỏng của ông đối với Hoàng tử Saudi và kêu gọi gây áp lực với Riyadh… “Hành động của Ả-rập Xê-út, đối tác chiến lược gần gũi của chúng tôi đã trở thành mối lo ngại đặc biệt”, ông Kramer nói.

Trong bức thư của mình, Kevin Kramer kêu gọi Tổng thống Trump áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, Ả-rập Xê-út và các nước khác của OPEC như Iraq.

Tại sao Mỹ gây áp lực với Riyadh?

Chiến tranh dầu mỏ: Khi Washington  ngồi trên đống lửa ảnh 1
Cuộc chiến giá dầu sẽ kết thúc trong tương lai gần. Ảnh: Reuters

Lá thư của các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gửi Tổng thống Donald Trump cần phải được xem xét trong bối cảnh suy thoái kinh tế trầm trọng ở Mỹ. Đến nay, các sàn giao dịch Mỹ đã mất tất cả sự tăng trưởng được tạo dựng trong suốt nhiệm kỳ của ông Donald Trump, điều mà Tổng thống rất tự hào. Gây sốc nhất là thị trường Mỹ không phản ứng với gói hỗ trợ tài chính 1 nghìn tỷ USD do chính quyền Washington công bố. Theo dự báo, từ tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp có thể đạt 7 - 8%, ông Anton Fedyashin, Giáo sư tại Đại học Washington giải thích.

Trong suốt cuộc đại suy thoái kinh tế 2008 - 2009, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng chỉ đạt 10%. Hiện nay, du lịch, ngành công nghiệp ô tô, kinh doanh hàng không và khách sạn kêu gọi cần hỗ trợ tài chính từ nhà nước. Tuy nhiên, giá dầu sụp đổ có nguy cơ kết thúc thị trường năng lượng Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà các thượng nghị sĩ đại diện cho các bang, nơi đang khai thác năng lượng như Oklahoma, Alaska, Texas, Louisiana đã ký vào lời kêu gọi.

Các chính trị gia Mỹ đang làm mọi cách có thể để khắc phục những biến động tài chính và kinh tế do hành động của Riyadh gây ra.

Theo lời Anton Fedyashin, 8 tháng nữa nước Mỹ sẽ có cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Đối với nước Mỹ, Ả-rập Xê-út bắt đầu cuộc chơi giá dầu vào thời điểm này là không đúng lúc. Cuộc chơi này đánh mạnh vào các nhà sản xuất năng lượng vừa và nhỏ, đặc biệt là công nghệ đá phiến đang trên bờ vực phá sản. Điều tồi tệ nhất trong thời kỳ suy thoái kinh tế là khủng hoảng ngân hàng. Trong khi đó, hành động của Ả-rập Xê-út đang làm trầm trọng thêm tình hình - Anton Fedyashin khẳng định.

Chia sẻ với nhận định trên, cựu Đại sứ Liên bang Nga tại Ả-rập Xê-út và là Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà ngoại giao Nga Andrei Baklanov nhận định: “Lời kêu gọi của 13 thượng nghị sĩ Mỹ dành cho Thái tử Mohammed phản ánh mối quan tâm đặc biệt của Washington về tác động tiêu cực của cuộc chiến dầu mỏ đối với toàn bộ nền kinh tế. Vấn đề không chỉ về số phận của ngành công nghiệp đá phiến ở Mỹ, mà còn về sự sụp đổ có thể của toàn bộ hệ thống quan hệ tài chính và thương mại, một cuộc khủng hoảng thế giới mới, hậu quả sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người”.

Theo Andrei Baklanov, lời kêu gọi của các thượng nghị sĩ Mỹ như một cú hích để thay đổi lập trường cứng rắn hiện tại của Ả-rập Xê-út, khiến lãnh đạo vương quốc và của một số quốc gia khác nối lại ngay quá trình đàm phán.

“Các nước OPEC cũng như Nga cùng các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lớn khác nên tham gia vào các cuộc đàm phán trong tương lai. Chỉ có như vậy mới đáp ứng một cách khách quan các lợi ích của Nga, nước buộc phải sử dụng quỹ dự trữ để thực hiện các chương trình xã hội”, ông Baklanov khẳng định.

Ông Grigory Kosach, Giáo sư Khoa Chính trị Quốc tế, ĐHTH Matxcơva cho rằng, lời kêu gọi của các thượng nghị sĩ Mỹ và việc Tổng thống Trump đã liên lạc với Mohammed bin Salman khiến Ả-rập Xê-út sẽ chấp thuận.

“Bất kể những bất đồng giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út liên quan đến các sự kiện trong không gian địa chính trị Trung Đông, quan hệ kinh tế và quân sự sâu sắc giữa hai nước, bao gồm cả khía cạnh an ninh quan trọng đối với Riyadh, vẫn là nền tảng của sự tương tác giữa họ”, ông Kosach khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ