Chiến lược mới trong kiểm soát Covid-19

GD&TĐ - Do dịch diễn biến phức tạp, các ca mắc mới được dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện trong cộng đồng. Nếu áp dụng giãn cách xã hội diện rộng, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề.

Lực lượng chức năng thực hiện phong tỏa Bệnh viện E (Hà Nội). Ảnh: Thế Đại
Lực lượng chức năng thực hiện phong tỏa Bệnh viện E (Hà Nội). Ảnh: Thế Đại

Ứng phó “nhịp nhàng”

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.  Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Theo quyền Bộ trưởng Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long nhận định, thời gian tới sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng.

“Từ bài học của Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương, vấn đề đặt ra là các địa phương cần phải làm gì khi dịch bệnh xảy ra. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong cách xử lý. Đấy là lý do tại sao Bộ Y tế phải thường xuyên điều chuyên gia Trung ương đến hỗ trợ các địa phương”, GS Long cho biết.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, các địa phương cần luôn ở tâm thế dịch sẽ kéo dài. “Chúng ta phải xác định từ nay trở đi sẽ không có lúc nào bình yên, mà sẵn sàng có dịch”, quyền Bộ trưởng nói.

Phát biểu về vắc-xin phòng Covid-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long chia sẻ, mặc dù đang tìm mọi phương pháp, dưới mọi góc độ để tiếp cận, nhưng sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có vắc-xin. 

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, tình hình dịch có diễn biến phức tạp, do đó phải nâng cao cảnh giác, có thể xuất hiện chùm ca bệnh, hoặc ca mắc tại cộng đồng.

Trước bối cảnh này, các cơ sở y tế được khuyến cáo có kế hoạch ứng phó chủ động nhịp nhàng, tránh trường hợp phong tỏa một loạt bệnh viện. Do đó, các địa phương cần lên kịch bản về việc bệnh viện sẽ sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp trên địa bàn có cơ sở y tế bị “đóng băng”.

“Chúng ta phải bảo vệ bằng được điểm cốt tử của bệnh viện, như khoa Hồi sức, khoa Chạy thận nhân tạo và đội ngũ nhân viên y tế. Chúng ta không được nghĩ bệnh viện ngoại khoa, chuyên khoa đặc biệt thì sẽ không có Covid-19, mà phải sẵn sàng tâm thế chống dịch quyết liệt. Các bệnh viện cần tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế về phân luồng, cách ly, giám sát, điều trị, chống nhiễm khuẩn và bảo vệ nhân viên y tế trong bệnh viện”, GS Long khẳng định.

Quyền Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ sở y tế rà soát lại kịch bản để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bị phong toả, nhiều bệnh nhân và cán bộ y tế dương tính với Covid-19. Nhờ đó, nâng cao ứng phó và cảnh giác thật nhanh. 

Không áp dụng giãn cách xã hội toàn quốc

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát lại tất cả kịch bản ứng phó phòng, chống dịch trên nhiều cấp độ, từ cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị, xét nghiệm... Trong đó có vấn đề tập huấn cho cán bộ y tế về truy vết, lấy mẫu... và bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết.
Nhấn mạnh công tác giám sát rất quan trọng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các nhà thuốc phải giám sát chặt các trường hợp mua thuốc nghi ngờ như ốm, ho, sốt... Nếu không báo cho cơ sở y tế, yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp này. Các bệnh viện để tình trạng bệnh nhân nghi ngờ “lọt” cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định: “Đợt dịch này phức tạp hơn nhiều so với trước. Lần này, các ca F1 được phát hiện muộn hơn nên sẽ có mức độ lây lan nhanh và rộng hơn. Đặc biệt, dịch khởi phát từ bệnh viện, nơi có nhiều bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế ra vào nhiều lần và virus theo những người này phát tán ra cộng đồng”. 

Tuy nhiên, PGS Nga cho rằng, không thể áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn quốc như trước. Bởi lẽ, hiện tại, có thể virus đã hiện diện ở nhiều người trong cộng đồng Đà Nẵng và các khách du lịch đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó, dịch được dự báo sẽ kéo dài và có thể xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác. 

“Chúng ta không thể liên tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội diện rộng. Nền kinh tế của ta cũng đang đối mặt nhiều thách thức như tăng trưởng chậm, các công ty bị phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao”, chuyên gia nói thêm.

PGS Nga nhấn mạnh, mặc dù có thể ngăn ngừa được dịch lây lan bằng giãn cách xã hội, nhưng nhiều người khác có thể mất cơ hội điều trị và phát hiện bệnh do khó tiếp cận bệnh viện. Do đó, nếu tiếp tục giãn cách xã hội rộng, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Thay vào đó, chính quyền có thể áp dụng giãn cách xã hội tuỳ theo tình hình cụ thể tại mỗi địa phương.

“Hiện tại, chúng ta đã tích lũy thêm nhiều hiểu biết về bản chất virus gây Covid-19, như con đường lan truyền, các biện pháp phòng chống, phương pháp điều trị. Vì vậy, có thể xây dựng một chiến lược kiểm soát phù hợp, mềm dẻo hơn để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đó là tập trung truy vết những người từ Đà Nẵng về, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn cách ly và theo dõi trong vòng 14 ngày”, PGS Nga cho hay. 

Theo chuyên gia này, khi phát hiện các trường hợp dương tính hoặc ổ dịch mới, cần nhanh chóng bao vây, dập tắt. Chỉ nên tổ chức giãn cách xã hội tùy theo tình hình cụ thể tại địa phương. Trong trường hợp bệnh viện của khu vực đó không đáp ứng được công tác điều trị, chính quyền có thể yêu cầu giãn cách ở khu vực rộng hơn. 

“Bằng cách đó, chúng ta mới hy vọng duy trì bền vững cuộc chiến với bệnh dịch cho đến khi Covid-19 thoái lui hoặc có vắc-xin phòng ngừa”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Huấn luyện viên Arne Slot và cầu thủ đồng hương Ryan Gravenberch. Ảnh: ITN

Arne Slot và di sản Jurgen Klopp

GD&TĐ - Kế thừa di sản vĩ đại mà Jurgen Klopp đã để lại ở Liverpool dĩ nhiên là một áp lực không hề nhỏ với chiến lược gia còn ít tên tuổi như Arne Slot.

Vữa xây tường lều tang lễ của Quốc vương Ghezo được trộn bằng dầu đỏ, máu người và máu động vật. Ảnh: Ancient-origins.net

'Cung điện máu' Abomey

GD&TĐ - Thời phong kiến, Bénin có tên là Vương quốc Dahomey, được thành lập vào khoảng năm 1600 và phát triển mạnh nhờ vào buôn bán nô lệ.

Xung đột gây họa lớn cho Mỹ-NATO

Xung đột gây họa lớn cho Mỹ-NATO

GD&TĐ -Qua cuộc xung đột ở Ukraine, Nga sẽ nắm được bí mật công nghệ Mỹ, NATO để chế tạo vũ khí tương tự hoặc khắc chế, làm suy yếu khả năng của phương Tây.