Sự thật sau câu chuyện ma ám về cây bàng kỳ lạ mọc giữa đường (Ảnh minh họa)
Trên con đường Thanh Niên (thuộc khu vực 1, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, Bình Định) có cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi sừng sững án ngữ.
Xoay quanh sự trường tồn của đại mộc “bất khả xâm phạm” này là những câu chuyện li kì nhuốm màu rùng rợn mà bất cứ ai được nghe cũng phải ớn lạnh.
Cổ thụ trăm tuổi
Trong trí nhớ của cụ Trần Văn Lai (SN 1925, ngụ khu vực 1) thì con đường Thanh Niên trước đây vốn là một con suối, hai bên là ruộng đồng và rất thưa thớt người ở.
“Mỗi mùa mưa, nước từ trên núi bà Hỏa ở cách đó chừng 1km lại ào ạt chảy xuống, xuôi về phía trung tâm thành phố rồi đổ ra biển. Lúc đó ven bờ suối đã có một cây bàng cổ thụ đường kính cả mét, phải hai người trưởng thành ôm mới xuể. Qua bao mùa mưa lũ, bờ suối bị xói mòn làm một phần gốc rễ của cây bàng lộ ra, tạo nên những cái hốc lớn”.
Cũng theo vị cao niên này vào khoảng những năm 1954, xóm làng lúc đó đìu hiu xơ xác, miếng ăn cũng thiếu thốn. Đói khát, dịch bệnh khiến nhiều người chết, nhiều cổ thụ trong vùng bị đốn hạ để lấy gỗ đóng quan tài.
Cây bàng lúc đó được dân làng bán cho một người đàn ông để đóng hòm. Trước khi cưa cây, ông này cũng phải đốt nhang cầu khấn, xin phép thánh thần rồi mới dám chặt.
“Cây bàng lúc đó bị cưa ngang mặt đất, nhưng ngay chỗ gốc cây lại có một nhánh khác, đường kính to bằng hai bàn tay. Cái nhánh cây sót lại ấy chính là gốc bàng cổ thụ bây giờ” - Cụ Lai kể.
Những năm sau giải phóng, để giúp dân ổn định cuộc sống, một đội thanh niên xung phong được cử đến giúp dân lấp suối san đường. Có được con đường đi lại thuận tiện, người dân biết ơn những người thanh niên nên từ đó gọi là đường Thanh Niên.
Khi san lấp suối, đơn vị thi công thấy cây bàng nằm ở ngay tim đường đã từng có ý định bứng bỏ. Nhưng lạ là, chiếc máy ủi vừa chạm vào gốc cây thì không rõ vì lý do gì đột nhiên bị đứt xích. Người ta cẩn thận sửa lại xích thì máy lại... chết ngóm. Cho rằng cổ thụ linh thiêng nên ý định bứng cây đành gác lại.
Đến năm 2013, cùng với quá trình đô thị hóa, đường Thanh Niên đã nằm lọt trong nội thành Quy Nhơn nhưng vẫn là con đường sỏi đá. Muốn việc đi lại thuận tiện, gần 50 hộ dân sống ven đó đã đóng góp tiền để bê tông hóa con đường.
Cho rằng cây bàng là nơi trú ngụ của thánh thần nên không ai bảo ai, mọi người đều thống nhất điều chỉnh hướng đường để tránh phạm phải cổ thụ. Thế là không những không bị tác động, cây bàng còn được xây một chiếc vòng xung quanh để bảo vệ.
Nơi trú ngụ của oan hồn?
Từ cách đây hàng chục năm, cây bàng đường Thanh Niên đã gắn liền với những câu chuyện li kì, rùng rợn. Cụ Lai cho biết, ngày xưa nhiều người từng nhìn thấy những ngọn lửa xanh, đỏ vụt ngang qua bầu trời rồi bay thẳng đến ngọn cây bàng.
Hiện tượng này cứ thỉnh thoảng lại xảy ra một lần và bản thân cụ Lai cũng từng tận mắt nhìn thấy. Từ đó, mọi người cho rằng cây bàng có thánh thần ngự trị, là nơi linh thiêng nên thường đến cúng kính. Những người gặp phải ốm đau hoạn nạn cũng tìm đến khấn vái mong tai qua nạn khỏi.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, TP.Quy Nhơn bị Ngụy quân chiếm đóng. Trên con đường Nguyễn Thái Học (cách cây bàng khoảng 100m-PV) có một quán trọ, vốn là chốn tụ tập chơi bời của đám sĩ quan lúc bấy giờ.
Những cô gái làng chơi cũng tập trung khá đông ở đây để phục vụ cho nhu cầu ăn chơi trác táng. Người ta đồn rằng, nhiều cô gái chẳng may dính bầu đã tìm cách phá bỏ và mang những sinh linh bé bỏng tới vứt dưới gốc cây bàng cạnh con suối. Chính vì thế sau này, trong những đêm thanh vắng, người ta nghe thấy văng vẳng tiếng khóc trẻ con vang ra từ trong gốc cây.
Chưa hết, có một câu chuyện đau lòng mà người dân nơi đây vẫn thường rỉ tai nhau. Đó là vào năm 1972, tại gốc cây bàng có một đôi tình nhân đã tự kết liễu đời mình.
Đêm nọ, hai người hẹn nhau ra gốc cây tâm sự rồi cả hai cùng uống thuốc độc. Nguyên nhân là do chuyện tình cảm của họ bị gia đình cấm cản.
“Sau khi hai người chết, gia đình tới đưa thi hài về chôn nhưng không làm lễ rước hồn. Sau này, nhiều người đi đường nhìn thấy có đôi nam nữ dìu nhau đi ra từ gốc cây bàng.
Có người lại nhìn thấy hai bóng trắng lơ lửng trên ngọn cây. Người ta cho rằng đó là oan hồn của đôi tình nhân còn vương vất ở nhân gian”, tiếp lời cụ Lai.
Chẳng những người dân địa phương mà một số người đến đây thuê trọ cũng cho rằng mình từng gặp phải “ma”. Anh Trần Văn Hoãn (SN 1991, quê Quảng Trị, khi đó là sinh viên năm 2 Đại học Quy Nhơn) cho rằng mình từng gặp bóng ma trên cây bàng.
Vào một đêm khuya mùa hè nóng bức, anh Hoãn ra đường tản bộ. Khi đến gốc cây bàng, anh Hoãn bất chợt nhìn thấy trên ngọn cây có cái bóng lởn vởn.
Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, anh Hoãn chạy vội về phòng. Tối đó về ngủ, anh này bị “bóng đè” đến 2 lần và vẫn còn ám ảnh đến tận bây giờ.
Chỉ là lời đồn được thêu dệt
Theo quan sát của phóng viên, gốc bàng cổ thụ nằm trên ngã tư đường Thanh Niên giao với con hẻm nhỏ. Con đường thẳng tắp nhưng khi đến gốc bàng đã phải chệch đi một góc.
Cây bàng đã trải qua hàng trăm năm nên phần vỏ bề ngoài khá xù xì, rêu mốc. Thân cây có nhiều cây tầm gửi sống bám trên ngọn, tạo nên hai tầng lá khác nhau, lại có hàng chục bướu to bướu nhỏ với vô số hình thù kỳ dị. Trên đó có nhiều lư hương với đầy ắp chân nhang mà người dân đến hương khói, cúng bái.
Lý giải về việc cây bàng “uốn cong” con đường, ông Tôn Long Dũng (Trưởng khu vực 1) cho biết, trước đây đường Thanh Niên khá rộng, ôm trọn cả gốc bàng.
Sau này người dân cơi nới nhà cửa khiến con đường hẹp lại và cây bàng chỉ còn nằm sát mép đường. Để đảm bảo giao thông, việc phá bỏ cây bàng là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, không rõ vì nguyên nhân gì mà máy móc đến cạnh gốc cây đều hỏng hóc, chết máy. Cho rằng “vạn vật hữu linh”, cây bàng linh thiêng nên người ta đành phải giữ lại gốc bàng. Những câu chuyện ma quỷ cũng được thêu dệt nên từ đó.
Theo ông Dũng, trước đây xung quanh cây bàng là chốn đồng không mông quạnh, dân cư còn thưa thớt, trình độ dân trí khá thấp. Hơn nữa, cây bàng lại gắn với cái chết thương tâm của đôi tình nhân tự tử và những thai nhi bị tước đoạt sự sống nên người dân đi ngang qua cây bàng nhiều khi “thần hồn nát thần tính”, nảy sinh ảo giác, bản thân “nhìn gà hóa cuốc” nhưng lại cho rằng mình nhìn thấy bóng ma chập chờn. Những câu chuyện kỳ quái được người nọ rỉ tai người kia nhưng kì thực chẳng ai dám thừa nhận mình từng nhìn thấy ma.
Vị trưởng khu vực cũng xác nhận, việc người dân thắp hương cúng bái ở gốc bàng diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên đó là tín ngưỡng nên chính quyền không can thiệp.
Hơn nữa, việc người dân cúng kính như vậy một phần cũng do truyền thống. Gốc bàng có từ đời tổ tiên và hiên ngang trải qua bao thăng trầm nên giờ đây đã trở thành một chứng tích lịch sử.
Ông Nguyễn Hùng Hấn (SN 1959), người sống gần gốc bàng 10 năm cũng nghe khá nhiều câu chuyện ma quái nhưng cũng như nhiều hộ dân sống cạnh đó, ông Hấn chỉ nghe kể chứ chưa một lần tận mắt chứng kiến.
Mặc dù vậy với suy nghĩ "có thờ có thiêng", người dân địa phương vẫn đến thắp hương ở gốc bàng với mong cuộc sống được bình yên. Cụ Phạm Hữu Do (SN 1929), một người sống tại địa phương cho biết, cây bàng dù án ngữ con đường, vừa nhỏ hẹp lại ngắn nhưng chưa gây ra bất cứ vụ tai nạn nào.
Phương tiện qua lại chủ yếu là xe máy, xe đạp, người dân mỗi khi đi qua đoạn đường này đều ý thức được chướng ngại vật nên đi chậm lại.
Trước sự tồn tại một cách kì lạ của gốc bàng, ông Do lý giải bằng những câu thơ: “Hiên ngang đứng giữa ngã tư đường/ Bao kỉ ì ra chắn một phương/ Cản trở giao thông ông không sợ/ Chắc là ông cậy mấy lư hương”.