Đội ngũ nhà giáo - quyết định thành công đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Đổi mới đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục là giải pháp mang tính trước mắt và lâu dài, cần được thực hiện đồng bộ, bài bản và khoa học.

Đội ngũ nhà giáo - quyết định thành công đổi mới giáo dục

Ông Nguyễn Đức Minh - Cục Nhà giáo và CBQLGD, Bộ GD&ĐT – cho biết như vậy tại Hội thảo giáo dục 2017: Về chất lượng giáo dục phổ thông chiều 22/9 tại Hà Nội.

 Tính đến năm học 2016-2017, cả nước có 853,875 giáo viên phổ thông, trong đó, giáo viên tiểu học là 395987 giáo viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 99,72%, tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,43 GV/lớp; THCSlà 307777 giáo viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 98,98%, tỷ lệ giáo viên/lớp là 2,05 GV/lớp; THPT là 150111,  tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 99,60%, tỷ lệ giáo viên/lớp là 2,32 GV/lớp.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT

Chỉ tiêu đào tạo gắn với nhu cầu giáo viên

Trong giải pháp này, ông Nguyễn Đức Minh nhắc đến việc quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, xây dựng mạng lưới các trường sư phạm một cách hợp lý, đảm bảo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với các trường khu vực, các trường sư phạm trọng điểm; tổ chức thực hiện tốt quy hoạch các trường sư phạm, các cơ sở bồi dưỡng, đào tạo nhà giáo, trong đó cho phép thí điểm mô hình đào tạo giáo viên trong các trường khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ.

Xây dựng và thực hiện quy hoạch đội ngũ giảng viên, CBQL giáo dục ĐH, bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ĐH.

Trên cơ sở dự báo về nhu cầu giáo viên, xây dựng quy hoạch đào tạo, xác định quy mô của từng trường, khoa sư phạm từ trung ương đến địa phương theo các giai đoạn từ năm 2011 đến 2020. Phân công các trường sư phạm chịu trách nhiệm đào tạo chuyên sâu, căn cứ vào khả năng về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của mỗi trườnG>

Ông Nguyễn Đức Minh cũng nhắc đến việc nghiên cứu mô hình trường, hoặc khoa sư phạm đào tạo giáo viên cho giai đoạn từ 2018 đến 2025 khi đội ngũ giáo viên phổ thông không thiếu, đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng giáo viên theo chương trình, SGK mới. Hoàn thiện chính sách tuyển chọn sinh viên ngành sư phạm từ khâu tuyển sinh đến suốt quá trình đào tạo...

Ông Nguyễn Đức Minh phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Đức Minh phát biểu tại hội thảo 

Ráo riết xây dựng các chuẩn mới

Cũng theo ông Nguyễn Đức Minh, giải pháp có tính chất quyết định mà toàn ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực thực hiện là từng bước chuẩn hóa đội ngũ, nhằm bảo đảm triển khai thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông lần này.

Nhấn mạnh yêu cầu đặt ra đối với việc chuẩn hóa đội ngũ là nhiệm vụ cấp bách, ông Nguyễn Đức Minh cho biết, tại thời điểm này, Bộ GD&ĐT đang tiến hành ráo riết việc xây dựng các chuẩn mới, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện các chuẩn hiện có để có được bộ công cụ hữu hiệu nhất trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ.

Vấn đề đặt ra đối với toàn ngành và cụ thể là các nhà trường là cần tiếp tục nâng cao nhận thức về Chuẩn để các địa phương, CBQL, giáo viên triển khai Chuẩn theo đúng mục đích ban hành qua các hoạt động.

Các nội dung của Chuẩn đang được Bộ GD&ĐT điều chỉnh theo hướng tinh giản, cụ thể hóa các tiêu chí, minh chứng để phù hợp với đặc điểm của từng trường, từng địa phương.

Đối với CBQL thì chú ý đến năng lực tự chủ, xây dựng kế hoạch chiến lược, tầm nhìn và tổ chức thực hiện các mục tiêu đề ra theo định hướng mới; còn giáo viên chú ý đến các năng lực để tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; xây dựng mục tiêu, thiết kế bài giảng và đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Bên cạnh đó, các cấp quản lý căn cứ Chuẩn để xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, tài liệu, phương pháp và hình thức bồi dưỡng nhà giáo phù hợp theo những yêu cầu và nhiệm vụ của đổi mới giáo dục phổ thông.

Các giải pháp mang tính tổng thể, hệ thống

Cùng với giải pháp chuẩn hóa đội ngũ, đổi mới đào tạo nhân lực ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng đã và đang tiếp tục ráo riết triển khai thực hiện những giải pháp mang tính tổng thể và hệ thống nhằm đáp ứng yêu cầu mới, khắc phục những tồn tại bất cập của đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, bảo đảm triển khai thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông lần này.

Đó là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ nhà giáo nhận thức sâu sắc về chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông và vị trí của nhà giáo trong quá trình thực hiện.

Xác định yêu cầu bồi dưỡng nhà giáo là nhiệm vụ chiến lược của ngành trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, bù đắp những thiếu hụt khi chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Thực hiện các giải pháp về chính sách và cơ chế đối với đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Tạo điều kiện để nhà giáo và CBQL giáo dục được tăng cường trao đổi, giao lưu, hợp tác quốc tế; có chế độ mời giảng viên nước ngoài tới làm việc, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học...

Cuối cùng là giải pháp về tài chính bảo đảm cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực thi tốt các nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông.

“Để bảo đảm cho ngành giáo dục triển khai thực hiện tốt các yêu cầu trên, Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các vấn đề liên quan đến nhà giáo và CBQL giáo dục, trong đó xác định rõ những giải pháp cụ thể hóa chủ trương coi nhà giáo và CBQL giáo dục là khâu “then chốt” đảm bảo sự thành công cho “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” và đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.

Đồng thời, cũng cần có sự tham gia, chung tay, góp sức và đồng thuận của toàn xã hội để bảo đảm công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông lần này thắng lợi theo đúng mục tiêu đề ra” – ông Nguyễn Đức Minh cho hay.

 Giải pháp có tính chất quyết định mà toàn ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực thực hiện là từng bước chuẩn hóa đội ngũ, nhằm bảo đảm triển khai thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông. Ông Nguyễn Đức Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ