Ba nội dung mấu chốt cần tháo gỡ
Báo cáo tại đề dẫn, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chất lượng GD phổ thông là một chủ đề lớn luôn được xã hội quan tâm và đặt ra nhiều vấn đề cần trao đổi. Hội thảo tập trung theo 3 vấn đề: Chương trình và phương pháp dạy học phổ thông; Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông; Công tác quản lý giáo dục phổ thông.
Phát biểu tại chương trình, bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khẳng định: “Giáo dục và đào tạo luôn giữ vị trí quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì thế, trước sự vận động và phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và tri thức nhân loại, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kì mới nền giáo dục nước ta đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới căn bản và toàn diện.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Các đại biểu nên tập trung phát biểu về cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng chương trình GDPT, các điều kiện bảo đảm như cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai chương trình vào thực tiễn; việc quy hoạch mạng lưới trường sư phạm đào tạo giáo viên phổ thông; yêu cầu về môi trường làm việc, sự phát triển và giải quyết chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục… Đây chính là các vấn đề đang đặt ra đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà quản lý và cơ quan hoạch định chính sách quốc gia tiếp tục cùng nghiên cứu và tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành Giáo dục nước nhà”.
Trong phần đánh giá chung về giáo dục phổ thông, TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết mặc dù giáo dục phổ thông hiện nay đạt được nhiều kết quả khả quan. Hệ thống mạng lưới được phát triển rộng khắp trên toàn quốc; tỉ lệ nhập học đúng độ tuổi ở các cấp học từ cấp PCGD từ năm 2010 đến nay ngày càng cao. Việt nam đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và PCGD từ năm 2010 đến nay càng cao; Công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT đã bước đầu có sự chuyển biến tích cực…
Tuy nhiên, do chương trình GD phổ thông hiện hành chưa tạo thuận lợi cho công tác định hướng nghề nghiệp nên hiệu quả giáo dục hướng nghiệp và định hướng nghề còn hạn chế.
Mức độ đạt được kiến thức, kỹ năng, tỉ lệ đạt chuẩn về phổ cập giáo dục giữa các vùng nông thôn và thành thị, giữa trẻ em người Kinh và người dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch. Năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của học sinh còn hạn chế… Chính vì thế, trong giai đoạn tới cần có những định hướng và giải pháp góp phần nâng cao chất lượng GDPT.
Chương trình giáo dục - tiền đề cho quá trình đổi mới
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, cũng trình bày tóm tắt Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó chú ý đến định hướng của Chương trình GDPT mới là chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Lần đầu tiên, Chương trình GDPT mới không quy định số tiết dành cho mỗi môn học và hoạt động giáo dục trong từng tuần mà chỉ quy định thời lượng trong một năm, dành quyền cho các cơ sở giáo dục tự sắp xếp thời khóa biểu.
Tỉ lệ trung bình giữa thời lượng giáo dục trong 1 năm học dành cho các địa phương và nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch năm học với tổng thời lượng giáo dục của các môn học và hoạt động GD ở cấp tiểu học từ 12% - 19%, ở cấp THCS là 28%, ở cấp THPT là 28%.
Nội dung các chương trình môn học và hoạt động GD cũng không quá chi tiết, tạo điều kiện cho tác giả SGK, cơ sở GD và GV phát huy tính chủ động sáng tạo trong thực hiện chương trình.
Đánh giá chung về chất lượng GDPT hiện nay, ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, hiện nay chúng ta đang nặng về dạy lý thuyết không chú trọng đến thực hành; chất lượng môn ngoại ngữ còn kém, công tác hướng nghiệp phân luồng sau THCS và THPT còn yếu kém; GV và đại bộ phận quản lý chưa hết nhiệt tâm cho công việc của mình; cán bộ quản lý chỉ đạo chuyên môn yếu kém về chuyên môn và thiếu lương tâm, trách nhiệm. Ông Nguyễn Đình Anh cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chất lượng giáo dục yếu kém.
Ông Nguyễn Đình Anh cũng đề xuất cần phải xây dựng được một bộ chương trình và SGK đảm bảo tinh gọn mang tính phổ thông, có tính ổn định nhất trong vòng 10 năm. Không đưa vào chương trình những nội dung giáo dục mà các ngành truyền thông có thể giúp học sinh tiếp cận được qua báo chí và các chương trình phát thanh truyền hình.
Giáo viên - Nhân tố quyết định chất lượng GD
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, các thầy cô là những người đưa con chữ đến với trẻ em, là những người dẫn bước đi ban đầu chập chững và góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, nhận thức xã hội cho các em.
Cái tâm của người thầy, sự sáng tạo, bản lĩnh chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp của người thầy là những gì đâu chỉ đến từ sự phấn đấu từ bản thân các thầy cô mà còn sự đào tạo của hệ thống trường sư phạm, từ chế độ chính sách và cả sự quan tâm, nhận thức của xã hội.
Tôi nghĩ đã bước vào làm nghề giáo viên phải có tâm của người thầy. Thầy giáo tốt sẽ đào tạo ra học trò tốt. Niềm tự hào, hạnh phúc của người thầy là đào tạo các lứa học sinh trưởng thành, phát huy được đúng con người đó.
GS Đinh Quang Báo, Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, để phát triển đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục có nhiều giải pháp được giải quyết đồng bộ. Đối với Việt Nam hiện nay, giải pháp tiên quyết là thu hút người giỏi vào ngành sư phạm để đào tạo GV bằng cách khảo sát, quy hoạch lại số lượng, cơ cấu các loại GV phổ thông để xác định, điều chỉnh quy luật cung cầu.
Tiếp đó điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm đáp ứng đầu ra có việc làm; Khi cân bằng cung cầu sẽ có điều kiện đầu tư cao hơn cho việc đào tạo mỗi sinh viên sư phạm; quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm để xây dựng các cơ sở đào tạo GV với quy mô đảm bảo đào tạo chất lượng cao cho mọi chuyên ngành, mọi trình độ; chế độ đội ngũ GV…