(GD&TĐ) - Nhân Ngày Xóa mù chữ quốc tế năm nay (8/9), bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO – đã ra thông điệp với toàn thế giới: “Biết chữ là quyền cơ bản và là động lực thiết yếu cho sự phát triển của loài người. Biết chữ là con đường dẫn đến sự tự chủ bản thân, khả năng nắm bắt các kỹ năng khác, biểu đạt văn hóa và tham gia toàn diện vào xã hội”.
Đặc biệt, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, trong nền kinh tế tri thức hiện nay, biết đọc biết viết càng trở nên có ý nghĩa sống còn hơn bao giờ hết. “Biết đọc biết viết là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức, kỹ năng liên cá nhân, chuyên môn cũng như khả năng biết chung sống trong cộng đồng – những hiểu biết thiết yếu này tạo nên nền tảng của xã hội hiện đại” – bà Irina Bokova nhấn mạnh.
Điều kiện tiên quyết để hòa nhập cộng đồng
Biết đọc biết viết là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức. Ảnh: Xuân Hải |
Biết đọc biết viết không chỉ đơn thuần đem lại khả năng đọc được sách báo hay viết thư, lưu lại những suy nghĩ của mình… mà còn giúp cho mọi người khả năng nắm bắt các kỹ năng khác.
Một người học cắt tóc lúc đầu lý luận: Tôi không cần biết chữ vẫn có thể học được theo kiểu truyền nghề, lặp lại tất cả các thao tác, hướng dẫn của thầy và ghi nhớ chúng. Dần dần, anh cũng cắt thành thạo nhiều kiểu dáng và nhờ khéo tay, anh còn trở thành một thợ cắt tóc có tiếng, thu hút nhiều khách hàng. Với những kiểu tóc mới, anh chỉ cần nhìn “sản phẩm” là có thể bắt chước cắt được gần như giống hệt. Một lần, một khách hàng quen của anh cầm đến một quyển tạp chí có hình một mẫu tóc trông rất lạ và phức tạp. Khách hàng đó muốn anh cắt cho mình kiểu đầu giống hệt như vậy.
Lần đầu tiên, anh cảm thấy bối rối, không biết nên cắt như thế nào. Chị khách hàng động viên anh: “Em cứ đọc hướng dẫn cách cắt trong tạp chí mà thực hiện”, nhưng khổ nỗi, anh đâu biết đọc nên không thể biết tạp chí hướng dẫn cắt như thế nào. Nếu cứ liều cắt theo cảm nhận của anh thì rất có thể sẽ làm hỏng kiểu đầu của chị khách ruột. May sao, lúc đó anh sáng trí bảo: “Chị đọc hộ em với, mắt em kém quá không đọc được mà em lại quên kính”. Sau lần “thoát chết” đó, anh quyết tâm phải đi học, để ít ra cũng biết đọc cái bảng hiệu cửa hàng cắt tóc của chính mình...
Đừng tưởng những công việc tưởng chừng thuần túy lao động chân tay như làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm… không cần phải biết đọc biết viết cũng làm được. Điều đó có thể đúng với trước kia, còn hiện nay, muốn gia tăng năng suất, phòng tránh các loại bệnh tật cho vật nuôi, cây trồng, người nông dân cũng cần phải tìm hiểu thêm kiến thức trong sách báo, tài liệu… Công việc này chỉ có thể thực hiện được nếu người nông dân biết chữ.
Mặt khác, muốn hòa nhập cộng đồng, cần phải biết cộng đồng đang cần gì, quan tâm đến vấn đề gì… Trong xã hội thông tin hiện nay, người dân có thể tiếp cận với các thông tin cần thiết mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Những người không biết chữ có thể thu lượm thông tin bằng cách nghe đài, xem ti vi, nghe người khác nói chuyện lại… Nhưng thử hỏi, họ có thể hiểu và xử lý được tất cả những thông tin nghe, xem được không, khi mà có rất nhiều từ ngữ mới, nhiều định nghĩa, khái niệm, kiến thức mới xuất hiện hàng ngày hàng giờ, đòi hỏi cần phải có một nền tảng kiến thức nhất định mới hiểu được, mà trước hết cần phải biết đọc biết viết.
Nếu như trước đây, không biết chữ đã là một thiệt thòi lớn, cản trở sự tự chủ, tiến bộ của mỗi cá nhân, thì trong thời đại hiện nay, một người không biết đọc biết viết đồng nghĩa với việc người đó chỉ suốt đời quanh quẩn trong thế giới của riêng mình, khó có thể hòa nhập với xã hội. Với sự bùng nổ của Internet, chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi người đã có thể nắm bắt được kho tàng kiến thức nhân loại; biết được thông tin ở mọi nơi trên thế giới. Trong khi đó, người không biết chữ đành “chào thua” với Internet, đồng nghĩa với việc tự đóng lại cánh cửa hòa nhập với thế giới nhanh và hiệu quả bậc nhất.
Những hiểu biết thiết yếu
Giới trẻ hôm nay cần được trang bị nhiều kỹ năng mới. Ảnh: Hoàng Đan |
Nhân Ngày Xóa mù chữ quốc tế năm nay, bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO – đã đưa ra một khái niệm mới trong nhiệm vụ xóa mù của thế kỷ 21. Đó là xóa mù những hiểu biết thiết yếu khác. Vậy, những hiểu biết thiết yếu khác là gì?
Theo bà Irina Bokova, “Người trẻ tuổi cần các kỹ năng mới nhằm đạt được thành công trong thị trường việc làm: biết sử dụng một số ngôn ngữ, hiểu biết về đa dạng văn hóa, học tập suốt đời. Biết đọc biết viết là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức, kỹ năng liên cá nhân, chuyên môn cũng như khả năng biết chung sống trong cộng đồng – những hiểu biết thiết yếu này tạo nên nền tảng của xã hội hiện đại”.
Xã hội hiện đại đòi hỏi mọi người không chỉ cần đọc thông, viết thạo mà còn phải nhận biết được các tín hiệu, chỉ dẫn thông thường, quen thuộc như bảng chỉ dẫn giao thông, ký hiệu nhà vệ sinh nam/nữ, chỉ dẫn cửa thoát hiểm…
Bên cạnh đó, trong một thế giới hội nhập như hiện nay, “mù ngoại ngữ” cũng là một rào cản lớn đối với mỗi cá nhân nếu muốn thành công trong công việc, tiếp cận với các cơ hội việc làm tốt, mở mang tri thức…
Nhiều trường hợp ra nước ngoài học tập, công tác gặp những cú sốc văn hóa cũng cho thấy sự thiếu hụt hiểu biết thiết yếu về các nền văn hóa khác nhau của một bộ phận người trẻ hiện nay.
Như vậy, có thể thấy, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, nhiệm vụ xóa mù ngày càng trở nên nặng nề - Không dừng lại ở việc xóa mù chữ, mà còn cần trang bị những hiểu biết thiết yếu cho thế hệ trẻ, để họ có thể mở cánh cửa tri thức bước vào tương lai.
Nhiệm vụ và giải pháp xóa mù chữ đến năm 2020 của Việt Nam: - Nâng cao nhận thức về công tác chống mù chữ - Đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng - Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia chống mù chữ - Xây dựng chương trình, tài liệu xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng - Củng cố bền vững kết quả chống mù chữ, hạn chế mù chữ trở lại - Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ - Hợp tác quốc tế (Theo Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020) |
Minh Nguyệt