Chìa khóa chinh phục môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Xây dựng nền tảng tư duy logic kết hợp với việc học sâu, bền bỉ sẽ là hành trang vững chắc giúp mọi sĩ tử chinh phục thành công môn Ngữ Văn.

Cô Ngô Thị Minh Thủy (ngoài cùng bên phải) cùng học trò của mình. Ảnh NVCC.
Cô Ngô Thị Minh Thủy (ngoài cùng bên phải) cùng học trò của mình. Ảnh NVCC.

Cô Ngô Thị Minh Thủy (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ phương pháp ôn tập.

Áp dụng tiêu chí học sâu, bền bỉ

Trong giai đoạn nước rút, học sinh không nên ôm đồm luyện quá nhiều đề thi. Các em nên tập trung vào chất lượng từng lần làm bài sẽ hiệu quả hơn. Sau mỗi lần giải đề, các em nên so sánh kết quả hiện tại với những làm bài trước. Từ đó giúp các em thấy được những thiếu sót của bản thân để kịp thời điều chỉnh và bổ sung, hạn chế tối đa phần hổng kiến thức.

Trong giai đoạn này, các em có thể hệ thống kiến thức lại bằng sơ đồ tư duy giúp dễ nhớ và nắm vững những kiến thức trọng tâm. Đối với những kiến thức khó có thể sử dụng giấy nhớ để ghi lại trong quá trình ôn luyện nếu có bị quên tìm lại cho nhanh, không bị rối.

Các em không cần thiết mở rộng kiến thức hoặc học dồn dập nội dung mới dễ khiến tâm lý trở nên hoang mang và gây nhầm lẫn trong quá trình ghi nhớ.

Ngữ Văn là môn thi bằng hình thức tự luận. Vậy nên, các em cần có khả năng viết tốt và biết cách phân bổ thời gian hợp lý để tránh tình trạng chưa hoàn thành bài thi khi hết giờ.

Để làm được điều đó, các em trong quá trình luyện đề cần phải biết cách phân bố thời gian, tạo tính kỷ luật, nghiêm túc như đi thi để bản thân quen với tâm lý trường thi cũng như hiểu được bản thân đang bị áp lực ở đâu để khắc phục; làm sao đến ngày thi bạn có một tâm thế thoải mái, làm bài tốt nhất.

Trong quá trình luyện tập, nếu chưa hoàn thành bài khi hết giờ, các em cần kịp thời điều chỉnh để tránh mất điểm do phần kết bài chưa được hoàn thiện.

Đây là phương pháp học sâu, bền bỉ thay vì học dàn trải. Đồng thời, việc hệ thống lại kiến thức cũ và củng cố kỹ năng giúp giảm áp lực, tăng sự tự tin khi bước vào kỳ thi.

Áp dụng hai tiêu chí trên sẽ giúp các em tiếp thu kiến thức một cách chắc chắn và lâu dài. Sự kiên trì trong luyện tập chính là chìa khóa để đạt được kết quả tốt trong môn Ngữ Văn.

van-1.jpg
Cô Ngô Thị Minh Thủy (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam). Ảnh NVCC.

Xây nền tư duy logic

Muốn điểm cao môn Ngữ Văn đòi hỏi sự rèn luyện tư duy lập luận logic qua từng vấn đề cụ thể. Khi lập luận rõ ràng, bài viết sẽ tự nhiên trở nên mạch lạc và chặt chẽ hơn.

Quá trình học, học sinh rèn luyện từng bước, từ cơ bản đến nâng cao. Cũng giống như làm bài thi, các em cần hiểu rõ yêu cầu của đề bài khi đã nắm được vấn đề trung tâm, các em mới có thể nhận diện được các mối quan hệ bên trong và sự liên kết giữa vấn đề đó với những yếu tố liên quan nhờ đó, lập luận trở nên có trình tự, mạch lạc và thuyết phục hơn.

Tiếp theo, các em nên vận dụng tư duy cùng góc nhìn cá nhân để xây dựng luận điểm rõ ràng, lựa chọn lý lẽ thuyết phục và liên kết các ý một cách mạch lạc; chú ý cách diễn đạt cần sáng rõ, tránh sáo rỗng và hình thức.

Để tăng hiệu quả diễn đạt, học sinh cần biết chọn lựa từ ngữ phù hợp với từng nội dung cụ thể. Đối với môn Ngữ Văn, các em được khuyến khích đọc nhiều; cập nhật kiến thức thực tế để vận dụng vào bài làm.

Khi viết bài, các em có thể linh hoạt vận dụng vốn từ phong phú, các trích dẫn hay; giúp bài văn trở nên sinh động hơn.

Một yếu tố để được điểm cao nữa chính là phát triển ý tưởng riêng của bản thân, hiểu biết sâu về vấn đề mà đề bài yêu cầu.

Ngữ Văn là một môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Môn học này đòi hỏi mỗi học sinh phải chủ động tìm tòi và nghiên cứu kiến thức từ thực tiễn cuộc sống hằng ngày. Quá trình tiếp nhận kiến thức, vừa giúp các em rèn luyện tư duy và phát triển tâm hồn. Khi được trang bị nền tảng vững chắc, mỗi học sinh sẽ tự tin hơn trong quá trình viết và bày tỏ suy nghĩ của mình một cách thuyết phục.

Kỳ thi THPT năm 2025 sẽ diễn ra trong 2 ngày 25 - 26/6/2025

Những thí sinh thi tốt nghiệp theo Chương trình mới phải làm bốn bài thi, bắt buộc có Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, các em chọn hai môn đã học ở trường (Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ).

Đề thi Ngữ văn theo hình thức tự luận. Các môn còn lại theo dạng trắc nghiệm với các câu hỏi chọn phương án đúng, đáp án đúng/sai và trả lời ngắn.

Thí sinh thi theo chương trình cũ sẽ làm bài thi Ngữ văn, Toán, ngoại ngữ, cùng một trong hai bài Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 16.7, sớm hơn năm ngoái một ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ