Tết là "ngày hội đoàn viên", là khoảnh khắc sum vầy ấm cúng bên mâm cơm cùng gia đình. Những ngày này, ai ai cũng muốn được về nơi mình ra và lớn lên, cùng đấng sinh thành đón Tết. Bởi thế mới nảy sinh những tình huống éo le xung quanh chuyện ăn Tết ở bên ngoại hay nhà nội của các cặp vợ chồng trẻ.
Tuyến bài Tết nội - Tết ngoại sẽ mang đến cho độc giả câu chuyện bi hài, gần gũi và gợi cảm xúc với nhiều người.
Vợ chồng cãi vã vì chuyện "Tết nội - Tết ngoại"
Không phải ngẫu nhiên đoạn phim ngắn được chia sẻ gần đây về cảm xúc của một cô gái lấy chồng xa không được về quê ngoại đón Tết lại hút đến 4 triệu lượt xem và lấy nước mắt của nhiều người đến vậy.
Đơn giản bởi nó đã đánh trúng tâm lý của quá nhiều cô gái lấy chồng xa xứ, ngày Tết chẳng thể cùng bố mẹ ăn bữa cơm sum vầy.
Nước mắt của người con gái đi lấy chồng xa càng chảy nhiều hơn khi Tết đến (ảnh minh họa)
Người ta mong Tết, thích Tết bao nhiêu, chị Thủy (sinh năm 1985, Thái Bình) lại sợ Tết bấy nhiêu. Chị không ngại phải sắm quà, lo cỗ, chu toàn với ba bên bốn bề nhà chồng mà chỉ sợ nỗi nhớ nhung, dằn vặt khi nghĩ về quê ngoại.
Suốt 9 năm liền, kể từ ngày lấy chồng xa nhà gần 200 cây số, chị chưa một lần về đón Tết bên nhà đẻ, chỉ có thể chúc Tết bố mẹ bằng những cuộc điện thoại ngắn ngủi và sau đó là dòng nước mắt chảy dài.
Cái Tết đầu tiên làm dâu, mặc định “thuyền theo lái, gái theo chồng, chị về quê nội đón Tết. Nhà đẻ khi đó cũng còn cậu em trai đang là sinh viên năm nhất, có thể giúp bố mẹ sắm sửa, chuẩn bị Tết nên chị cũng yên lòng.
Cái Tết thứ hai, lại sinh con nhỏ, ấy cũng là lý do chính đáng khiến chị chẳng thể về. Rồi cái Tết thứ ba, thứ tư, thứ năm… khi thì đúng kỳ sinh nở, lúc lại có công việc trọng đại của nhà chồng nên chị không có cách nào mở miệng xin về nhà ngoại ăn Tết.
Những năm ấy, chỉ có chồng chị đánh xe về nhà nội lễ Tết, sáng đi, tối về. Còn chị thì ở lại trông con, lo công việc nhà nội. Đêm giao thừa, bận rộn làm cơm, đôi khi chị còn không có thời gian gọi về chúc Tết bố mẹ. Qua mùng 4 Tết, khi rảnh rang hơn thì cũng là lúc chuẩn bị đi làm. Thế là đến khi đào tàn, quất rụng, chị vẫn chẳng được ngồi ăn cùng bố mẹ bữa cơm ngày Tết.
Năm thứ sáu chị về nhà chồng cũng là lúc em trai đưa vợ con vào Nam lập nghiệp. Cái Tết năm ấy, chị nghĩ bụng, phải xin phép về ngoại bằng được bởi, cứ nghĩ đến cảnh hai ông bà già vò võ bên mâm cơm vắng vẻ là lại quặn lòng.
Chị "chết lặng" khi nghe bố chồng nói những lời đó (ảnh minh họa)
Dặn dòng là thế nhưng cũng phải đến 25 tháng Chạp, khi đã chuẩn bị Tết hòm hòm cho nhà chồng chị Thủy mới dám mở lời. Vừa dứt lời, chị đã thấy bố chồng tỏ ra ngạc nhiên như thể vừa nghe con dâu nói hỗn.
Chị bèn ra hiệu cho chồng, thấy không có động tĩnh mới từ tốn giải thích:
“Năm nay chỉ có hai ông bà đón Tết, nhà cửa vắng vẻ, con sợ bố mẹ buồn. Năm sau, cậu mợ ổn định công việc, về quê đón Tết con cũng an lòng hơn”.
Nghe đến đây mà bố chồng chị vẫn tỉnh bơ, một lát sau mới mở giọng:
“Cậu bên đó là con trai độc tôn mà không dám bỏ việc về đón Tết với ông bà thông gia, con là con gái lại bỏ nhà chồng về quê ăn Tết? Con lôi chồng con về ngoại, bên đó vui thì bên này buồn. Lấy chồng theo chồng, con tự chọn đi”.
Chị như chết lặng, lúc nhìn lên đã thấy bố mẹ chồng ra ngoài tự lúc nào. Bố mẹ chồng có cả bầy con, bầy cháu, không có vợ chồng chị cũng chỉ là thiếu đi một chút chứ cũng không đến nỗi vắng vẻ, hiu quạnh. Vậy mà họ vẫn bắt chị phải chọn lựa giữa bên đó và bên này.
Cái Tết ấy, chị nhấc điện thoại lên rồi lại đặt xuống bao nhiêu lần vẫn không dám gọi điện về ngoại, chỉ sợ nghe mẹ hỏi: “Tết này về không con?”. Rồi lại phải hẹn mẹ đến Tết sau – một lời hẹn chẳng khác nào lời nói dối bởi chính chị cũng không chắc đến bao giờ mới có thể về được.
Những năm sau đó, chị không hề mở miệng xin nhà chồng về ngoại đón Tết. Một phần đã biết trước kết quả, một phần không muốn một lần nữa thấy sự nhỏ nhen, ích kỷ của bố mẹ chồng.
Thế nhưng, chị thẳng thắn trao đổi với chồng, đêm giao thừa, mùng một đón Tết quê nội, còn từ mùng 2 trở đi sẽ đưa con về quê ngoại, mặc kệ bố mẹ chồng đồng ý hay phản đối. Bởi, chị có cả đời hiếu nghĩa với nhà chồng nhưng không còn nhiều cái Tết nữa được ở bên cha mẹ.
Mong ngóng là thế, nhớ thương là thế nhưng có không ít người phụ nữ vẫn không thể về ngoại đón Tết dù được nhà chồng cho phép. Điều gì còn lớn hơn cả thái độ của nhà chồng ngăn cản họ về ăn miếng bánh chưng quê mẹ?