(GD&TĐ) - Trong niềm hưng phấn của không khí cuối năm, với tiền thưởng rủng rỉnh trong túi bạn tha hồ mua sắm, vui chơi. Nhưng nếu không có kế hoạch cụ thể, bạn dễ bị sa đà và phải đối diện với số thức ăn, thực phẩm dư thừa sau Tết trong khi ví tiền lại rỗng, thậm chí nợ nần.
Chị Ánh kể, năm trước chị về quê chồng ăn Tết từ 23. Do về sớm nên Ánh không mua sắm gì, chỉ mang tiền mặt về, rồi cùng đi sắm Tết với mẹ chồng. Tiền Tết được Ánh chia ra làm 2 phần: một phần để biếu bố mẹ chồng sắm Tết. Khoản này vừa về đến quê, Ánh đưa luôn cho mẹ chồng giữ hộ. Một khoản để đi chợ Tết cùng mẹ chồng. Ra đến chợ, thấy cái gì đẹp, ngon, Ánh cũng sà xuống mua. Nào áo gấm cho mẹ chồng, boot xịn cho em chồng, đến rượu ngon và bánh kẹo… Thứ gì cũng nhiều, cũng tốn tiền. Cuối buổi ngồi tổng kết lại, Ánh mới tá hỏa vì đã tiêu sạch số tiền định để mừng tuổi cho bố mẹ chồng và các cháu nhà chồng. Cô phải điện thoại lên thành phố, “cầu cứu” anh xã…
Khác với Ánh, Thảo vẫn nhớ năm đầu tiên đã hoang phí thế nào trong việc sắm Tết. Thảo khuân “một lô một lốc” bánh kẹo, rượu bia và cả hạt bí, gạo nếp, nước mắm, chè; thậm chí là cả tăm và giấy ăn về nhà, vì cô nghĩ những đồ đó trên thành phố vẫn “xịn” hơn. Chẳng được mẹ khen đảm, ngược lại, Thảo còn bị bà mắng vì tội: “Những thứ này ở quê, mẹ sắm đủ cả rồi. Con mua làm gì nhiều, bắt chồng xách nhễ nhại thế kia”. Năm nay chị sẽ rút kinh nghiệm...
Một số chị em muốn nhân dịp Tết bày tỏ lòng thành kính với bố mẹ nội ngoại nên đã mua nhiều thứ ngon, đắt tiền. Điều này là đáng quý. Nhưng không phải vì thế mà các chị mua sắm vô tội vạ, mua sắm kiểu “bụng mình suy ra bụng người”, cho là quà càng đắt càng được gia đình hoan nghênh. Đến khi bố mẹ tỏ ý không hài lòng thì hụt hẫng, buồn bực. Hơn nữa, sắm Tết vượt quá ngân sách gia đình còn khiến vợ chồng lục đục, làm cái Tết mất vui.
Chính vì vậy các bà nội chợ nên có kế hoạch chi tiêu trong dịp tết sao cho thật hợp lý:
1.Lên danh sách
Tết, điểm khởi đầu cho những gì diễn ra trong năm, vì vậy ai cũng mong muốn nhà mình đón một cái Tết đầy đủ, vui vẻ, ấm áp và nhiều may mắn. Có hàng trăm khoản phải chi tiêu trong dịp này: nào là tiền quà cáp gia đình nội ngoại, tiền lì xì, tiền mua đồ nội thất để trang trí nhà cửa, tiền mua quà ngoại giao, tiền mua thực phẩm dự trữ, tiền đi du lịch. Vì vậy, bạn nên có 1 danh sách để có thể chi tiêu hợp lý.Ở đầu danh sách, bạn hãy viết tổng chi tiêu dành cho việc mua sắm, chi tiêu dịp tết này. Sau đó, ở cột đầu tiên ghi tên những người bạn cần mua quà tặng. Cột 2 dành cho 1-3 lựa chọn món quà cho từng người và cột 3 ghi số tiền chi tiêu trung bình. Điều quan trọng bạn hãy sắp xếp các hàng theo thứ tự ưu tiên riêng của mình, thậm chí bạn có thể đánh dấu những người cần sự quan tâm đặc biệt! Nếu tổng chi lớn hơn “ngân sách” của bạn, bạn hãy nhìn lại những gạch đầu dòng phía trên và tìm ra mục có thể giảm hoặc cắt bỏ chi phí.
2. Bắt đầu sớm
Tại sao phải đợi đến ngày Tết mới mua đồ? Xét cho cùng, ngày tết cũng là một ngày trong năm. Bạn hãy bắt đầu mua sắm chuẩn bị cho đợt tết càng sớm càng tốt. Hãy mua thừa ra những sản phẩm đóng hộp có hạn vào năm sau mỗi lần đi siêu thị. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm và đặc biệt tránh cảm giác mua hàng “ồ ạt”, không kịp nghĩ của bao người trong những ngày tết sắp tới.
3. Chia sẻ chi phí
Một trong những phương pháp tuyệt vời để cắt giảm chi phí của các kỳ nghỉ, mua quà, những bữa tiệc cuối năm là việc khôn khéo chia sẻ những chi phí này với người khác. Thay vì một mình nấu tiệc cho đại gia đình, bạn có thể rủ anh chị em thân thiết tổ chức ở nhà hàng, với lý do một năm làm ăn phát đạt, nhưng tổng tiền lại được chia đều cho mỗi hộ. Như vậy, khoản tiền bạn bỏ ra vừa ít hơn lại vừa hợp lý hơn rất nhiều. Hoặc, với khả năng ngoại giao của mình, bạn hãy thuyết phục các anh chị em trong nhà cùng mua một chiếc TV đắt tiền cho ba mẹ. Nhất định khi số tiền được chia đều, sẽ ít ai từ chối lời gợi ý rất “có hiếu” này của bạn.
Linh Linh