Lao động chất lượng cao: Khó thu hút theo hình thức 'làm công ăn lương'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo chuyên gia, nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.

Theo chuyên gia, nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Theo chuyên gia, nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Tập trung phát triển lao động đồng bộ

Báo cáo gần đây của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nguồn cung lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn lao động cục bộ. Riêng trong quý I xảy ra thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120 nghìn lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2 - 3%.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Vũ Quang Thành cho biết, trung tâm vẫn đang tiếp nhận nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, với đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Một số lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn như nhóm dịch vụ du lịch, lưu trú, bán hàng, kinh doanh…

Các doanh nghiệp, nhà máy cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều công nhân lao động sản xuất không đòi hỏi nhiều về trình độ. Một nhóm ngành nghề nữa tiếp tục có xu hướng tuyển dụng nhiều liên quan đến công nghệ thông tin như trí tuệ nhân tạo, sức khỏe, thương mại điện tử.

Nhận định về thị trường lao động trong những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021. Chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).

Tuy nhiên, nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.

Để giữ chân người lao động, theo các chuyên gia cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất. Trong đó, cần tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động. Đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng lao động. Đồng thời tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung - cầu lao động…

Thực tế cũng cho thấy, nhiều lao động, đặc biệt ở khu vực đô thị và khu vực công nghiệp tập trung đang gặp khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19. Không chỉ hiện tại, những khó khăn còn được dự báo kéo dài trong tương lai và chưa biết khi nào kết thúc.

Trong đó, an toàn tài chính và an sinh xã hội cho người lao động là vấn đề cấp thiết. Nhất là trong bối cảnh đời sống có nhiều biến động, rủi ro về việc làm, thu nhập, sức khỏe… cũng như tình trạng già hóa dân số ngày càng gia tăng.

Chuyển đổi số là cơ hội “chuyển mình”

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Phạm Vũ Quốc Bình, chuyển đổi số là cơ hội để ngành GDNN thay đổi. Bên cạnh đó là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một nước phát triển.

Hệ thống GDNN đang đứng trước cơ hội rất lớn là tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Đồng thời tận dụng công nghệ số để đổi mới hệ thống GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp yêu cầu phát triển xã hội.

Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh: “Sắp tới sẽ có nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, có nghề tồn tại, có nghề mất đi, các nghề tồn tại cũng yêu cầu nhiều kỹ năng khác. Điều đó bắt buộc chúng ta phải đổi mới. Không tận dụng chuyển đổi số để thay đổi, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một nước phát triển thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội này”.

Bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục GDNN, cho biết, mục tiêu của chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển nhanh GDNN. Mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước.

Đến năm 2045, GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển. Trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về GDNN trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới...

Để đạt được những mục tiêu chiến lược, cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp. Trong đó, 2 giải pháp đột phá. Đó là “Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN”.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình đánh giá chiến lược này là kim chỉ nam, văn bản pháp quy chính thức cho sự đổi mới của ngành GDNN. Đây cũng là bước ngoặt lịch sử của hệ thống GDNN.

Theo ông Bình, ngay sau khi chiến lược được Chính phủ ban hành, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai ngay hàng loạt đề án. Đồng thời xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện, tuyên truyền đến các địa phương...

Hiện chỉ mới có 20 tỉnh, thành có kế hoạch thực hiện chiến lược, các tỉnh Đông Nam Bộ hầu như chưa làm. Do đó, ông đề nghị các địa phương đẩy nhanh quá trình triển khai chiến lược này.

Ông Isidro Lapena, Bộ trưởng phụ trách Cơ quan Giáo dục và Phát triển kỹ năng (TESDA), kiêm Chủ tịch Hội đồng GDNN ASEAN (ATC), nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 càng làm cho quá trình ứng dụng công nghệ toàn cầu có tính cạnh tranh và tính thích ứng cao. Theo ông, các công ty và nhân viên đang nhanh chóng ứng dụng công nghệ số vào các quy trình sản xuất của mình. Điều này khiến cho nhu cầu về lực lượng lao động với kiến thức và kỹ năng số ngày càng tăng.

Ông Lapena chia sẻ: “Cần phải nâng cao các hệ thống đào tạo nghề cũng như kỹ năng của lực lượng lao động. Đồng thời cũng liên tục tìm cách để xác định, tổng hợp và áp dụng những kỹ năng số trong lực lượng lao động”.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác khu vực nhằm giải quyết những vấn đề mới nổi. Đồng thời cũng chuẩn bị cho những cơ hội mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.