Khung trình độ quốc gia Việt Nam: Gạch nối chất lượng đào tạo với thị trường lao động

Khung trình độ quốc gia Việt Nam: Gạch nối chất lượng đào tạo với thị trường lao động

Mở rộng cơ hội hội nhập

- Thưa PGS, vì sao chúng ta phải triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam? Điều này mang đến những tác động và thay đổi như thế nào về chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH?

- Như chúng ta biết, ở mỗi cơ sở GD, chuẩn đầu ra (Learning outcomes) của một ngành học, môn học được ghi rõ trong cẩm nang sinh viên, đòi hỏi các em phải đạt được trong quá trình học tập. Trên thực tế, cụm từ “Chuẩn đầu ra” mới xuất hiện trong khoảng một thập kỷ gần đây. Ngày trước, người ta thường sử dụng cụm từ “Mục tiêu học tập”.

Chuẩn đầu ra của một trình độ (để lấy bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) thuộc một ngành học, chẳng hạn như: Kế toán, cơ khí, xây dựng… gồm có chuẩn đầu ra của tất cả các môn học trong chương trình đào tạo (CTĐT) ở bậc học hay trình độ ấy. Ví dụ, chương trình đại học ngành Kế toán của một trường nào đó gồm có 24 môn học (subjects) thì chuẩn đầu ra của ngành Kế toán bậc đại học là tổng cộng các mục tiêu của 24 môn học. Vì vậy, chuẩn đầu ra chính là các năng lực được đào tạo để giúp người tốt nghiệp đại học làm công việc của một kế toán bậc 6 trong Khung trình độ quốc gia của Việt Nam.

Chuẩn đầu ra (hay mục tiêu của một CTĐT) được xây dựng, thiết kế ngay từ lúc phát triển chương trình. Bên cạnh đó, để phát triển một CTĐT, ngoài chuẩn đầu ra cần tuân thủ yêu cầu tối thiểu về thời lượng, đội ngũ, các điều kiện bảo đảm chất lượng khác… mà ta gọi chung là chuẩn chương trình. Thông thường để xây dựng được một CTĐT phục vụ tốt cho doanh nghiệp, thị trường lao động… trong quá trình thiết kế chương trình phải có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp và các bên liên quan vào ban soạn thảo chương trình của nhà trường.

Như vậy, để cơ sở GDĐH đồng thời phát triển CTĐT, đáp ứng yêu cầu về năng lực của người được đào tạo theo yêu cầu của Khung trình độ quốc gia, chúng ta phải xây dựng kế hoạch để triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Nói cách khác, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của GDĐH (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) chính là nhằm đổi mới hoạt động đào tạo, gắn với bảo đảm nâng cao chất lượng của GDĐH Việt Nam, phù hợp với quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường. Đồng thời, mở rộng cơ hội hội nhập với cộng đồng đại học khu vực và thế giới; tạo cơ chế liên thông và hình thành hệ thống giáo dục mở.

Đối với người học hiểu mình có thể làm được gì sau khi hoàn thành CTĐT ở một trình độ. Doanh nghiệp có thông tin rõ ràng về các loại nhân lực cần sử dụng. Còn cơ sở đào tạo thiết kế và phát triển CTĐT dựa trên chuẩn mực tối thiểu, bảo đảm sự gắn kết giữa giảng dạy, học tập và đánh giá; đồng thời bảo đảm chất lượng trên cơ sở các chuẩn mực do Nhà nước quy định.

Khung trình độ quốc gia Việt Nam: Gạch nối chất lượng đào tạo với thị trường lao động ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT).

Không làm mất quyền tự chủ

- Việc ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam liệu có làm giảm quyền tự chủ của các trường đại học?

- Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34), cơ sở GDĐH được tự chủ phát triển CTĐT. Nhưng Luật cũng quy định việc phát triển CTĐT phải dựa trên chuẩn chương trình và chuẩn chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành.

Do đó, CTĐT do cơ sở GDĐH tự chủ phát triển nhưng phải phù hợp với các chuẩn mực tối thiểu theo quy định của chuẩn chương trình do cơ quan quản lý Nhà nước về GDĐH ban hành (theo quy định của Luật số 34) và phải phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Quyết định số 1982/QĐ-TTg).

Như vậy, việc ban hành và triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam không làm giảm sự tự chủ của các trường. Mà nhằm thiết lập cơ chế bảo đảm chất lượng đào tạo, tạo sự công nhận lẫn nhau giữa các loại nhân lực được đào tạo tại Việt Nam và những nước trong khu vực. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực của các trường. Đồng thời, chuẩn mực tối thiểu này cũng để xem xét trách nhiệm giải trình, giám sát nhà trường phát triển và thực hiện CTĐT bảo đảm chất lượng.

Các trường hoàn toàn tự chủ trong việc phát triển CTĐT cao hơn mức chuẩn tối thiểu. Trong CTĐT sẽ thể hiện thế mạnh của nhà trường, uy tín, thương hiệu, chất lượng cao hơn chuẩn, thậm chí có thể đạt chuẩn quốc tế ở mức cao, phục vụ phân khúc thị trường lao động khác nhau… Điều này càng có tác dụng quảng bá cho uy tín và thương hiệu các CTĐT của trường.

- Để phát triển CTĐT tại cơ sở GDĐH, cần có sự phối hợp của nhiều bên liên quan. Vậy, đơn vị này có vai trò như thế nào trong triển khai Khung trình độ quốc gia?

- Trong quá trình triển khai Khung trình độ quốc gia, Bộ GD&ĐT được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bên liên quan như: Các hiệp hội chuyên môn, doanh nghiệp (giới tuyển dụng lao động), bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDĐH, chuyên gia, nhà khoa học… tham gia xây dựng chuẩn chương trình. Họ đóng vai trò cốt lõi, là chủ thể đưa kiến thức chuyên môn, cũng như nhu cầu, yêu cầu từ phía thị trường lao động… Từ đó, chuyển tải vào các chuẩn mực tối thiểu của ngành nghề được đào tạo.

Như vậy, các bên liên quan này có vai trò vô cùng quan trọng, là cầu nối để thực thi quy định, chính sách thực hiện Khung trình độ quốc gia một cách hiệu quả, đồng bộ từ cấp quốc gia tới cơ sở GDĐH.

- Xin cảm ơn PGS!

Trong quản lý Nhà nước, việc triển khai Khung trình độ quốc gia sẽ bảo đảm sự tương đồng về chuẩn mực đào tạo của CTĐT cùng ngành, ở cùng một trình độ trong cả nước. Về khía cạnh hội nhập, hỗ trợ việc công nhận văn bằng, so sánh văn bằng; giúp tăng cường di chuyển nhân lực giữa các quốc gia với nhau. - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ