Tốt nghiệp THPT, Yến học trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội hệ mầm non. Thấy ngôi trường hướng tới việc mỗi học sinh là một Totto-chan ngoài đời thực, Yến xin việc và cùng các giáo viên xây dựng trường ở Quốc Oai (Hà Nội). |
Lúc đó, Oanh học năm cuối Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Mỗi dịp về nhà, Yến lại chia sẻ và truyền cảm hứng với em về công việc. Tốt nghiệp, Oanh cũng theo chị thi vào trường để trở thành cô giáo. |
Trong ngày đầu tiên đến lớp, Oanh đã được học trò đến ôm, chào hỏi vì nghĩ rằng đó là cô Yến. Vì thế, việc hoà nhập của Oanh cũng dễ dàng hơn. 2 chị em cưới chồng cách nhau vài tháng. Có lần, chồng Oanh còn gọi nhầm chị Yến là vợ. Do thời gian bận rộn, Yến và Oanh chỉ có thể tranh thủ buổi trưa ăn cơm và tâm sự với nhau. |
Yến là một trong những cô giáo được học trò mầm non yêu mến nhất. Không chỉ dạy, nữ giáo viên dành nhiều thời gian trong ngày quan sát để tìm ra điểm nổi bật và sở thích của từng bé. Từ đó, cô đưa ra phương pháp để các em phát huy được sở trường của mình. |
Bé Bảo Châu (còn được gọi là Sữa) tặng hoa cho cô Yến. Sữa thích những điều mềm mại, dễ thương như ngắm hoa, mặc váy. Sữa thích tóc dài như Elsa nhưng tóc bé lại ngắn và xoăn. Vì thế, mỗi giờ học với vải vụn, cô Yến lại bện vải thành mái tóc dài cho Sữa đội. |
Nữ giáo viên quan niệm trẻ em phải được khám phá thứ mình thích. Vì thế, giờ học cho lứa tuổi mầm non thường xuyên được tổ chức ngoài trời với các hoạt động thực tế. Trong ảnh, Yến lau tay cho một bé sau khi vẽ trên ngói. |
Những bức vẽ này sẽ được cô trò cùng nhau phơi khô. Sau đó, học sinh mang về nhà làm kỷ niệm. Dù đẹp hay chưa đẹp, đó cũng là những sản phẩm rất riêng, mang theo suy nghĩ, tâm hồn của trẻ. |
Học sinh đều có mũ nhưng cũng có thể thoả thuận với cô về việc lấy lá che đầu. Trong bài trước, các bé đã được học cách soi nắng qua chiếc lá, thấy một phần tối đi do lá che. Quan trọng nhất là các bé được làm điều mình thích, theo suy nghĩ của mình. |
Phùng Thị Oanh là giáo viên dạy lớp 2. Vào trường sau một năm, Oanh được chị mình truyền cho tình yêu với ngôi trường từ lúc còn là sinh viên. Hàng ngày, Oanh dành nhiều thời gian chơi với học sinh để hiểu các bé thích gì. |
Ngay từ lứa tuổi mầm non, các bé đã được học kỹ năng sinh tồn như bơi, bắt ốc, trồng lúa, nướng khoai, trèo cây… Cô Oanh vẫn phải giám sát học trò khi leo trèo để đảm bảo an toàn. |
Học sinh lớp 2 đã biết tự lập về vệ sinh cá nhân, ăn uống. Các bé hay thưa cô về việc bạn này trêu con, bạn kia làm sai quy định, bạn chưa ngoan… Oanh cho rằng việc đó thể hiện sự thật thà, dễ thương của trẻ. Khi đó, cô sẽ là người đứng ra giải quyết, xử lý tình huống. |
Hàng ngày, Oanh soạn bài ở nhà và dành thời gian đọc lại giáo án khi ở trên xe hay trước giờ vào lớp. Cô giáo lớp 2 sẽ tìm thêm các tình huống gần gũi với bài học để các bé tò mò, hứng thú hơn. Mỗi học sinh trong lớp có lực học khác nhau nên nữ giáo viên phải điều chỉnh theo từng bé, không bắt buộc phải học cùng theo một cách, cho ra cùng một kết quả. |
Mới có con hơn một tuổi, Oanh cho biết sau này muốn bé được học nhiều kỹ năng sống, gần thiên nhiên, hướng tới phát triển cả thể chất lẫn tinh thần, chứ không quá quan trọng về điểm số. Con sẽ biết ơn mọi thứ từ việc trân trọng đồ ăn, bát đũa, biết nói lời cảm ơn. Con sẽ là đứa trẻ có lòng trắc ẩn, yêu cuộc sống và hơn hết là hạnh phúc. |