Chỉ còn một nửa phi đội Tu-95MS đủ khả năng chiến đấu ở chiến trường Ukraine?

GD&TĐ - Máy bay ném bom Tu-95 đang được Nga sử dụng tích cực để thực hiện những cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Ukraine thay vì Tu-160 tân tiến.

Chỉ còn một nửa phi đội Tu-95MS đủ khả năng chiến đấu ở chiến trường Ukraine?

Trong những cuộc tấn công tên lửa gần đây do Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) thực hiện, họ chỉ sử dụng các máy bay ném bom cánh quạt Tu-95MS cổ điển thay vì Tu-160 phản lực mạnh mẽ và tân tiến hơn.

Điều này dẫn tới một số thắc mắc cần giải đáp, trước tiên là khối lượng vũ khí, Tu-160 có thể mang tới 12 tên lửa hành trình Kh-555 hoặc Kh-101, trong khi Tu-95MS ít hơn nhiều, chỉ mang được 6 tên lửa Kh-555 trong khoang vũ khí, hoặc tối đa 8 quả Kh-101 khi sử dụng giá treo ngoài.

Ngay cả trường hợp Nga quyết định "tiết kiệm tài nguyên" cho những chiếc Tu-160 đời mới và dồn nhiệm vụ cho Tu-95MS lạc hậu thì lời giải thích ở đây rõ ràng nằm ở một bình diện khác.

Cần nhắc lại trong vài tháng đầu tiên của cuộc chiến, VKS đã sử dụng cả Tu-160 và Tu-95MS để tấn công Ukraine với tần suất huy động ngang nhau.

Rất có thể sau vài tháng hoạt động với cường độ cao, máy bay ném bom Tu-95MS tỏ ra đáng tin cậy và dễ bảo trì hơn nhiều so với Tu-160. Do đó, Nga thích sử dụng Tu-160 cho "hành động đe dọa", trong khi tất cả "công việc thường xuyên" như cuộc tuần tra chung với Không quân Trung Quốc, hoặc oanh tạc mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine đều được thực hiện bởi Tu-95MS.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Không quân Nga.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Không quân Nga.

Oanh tạc cơ cánh quạt Tu-95MS thường được đánh giá là rất cũ, tức là kém hiệu quả. Nhưng trước tiên, "tuổi" của máy bay không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với hiệu quả, điều này được thể hiện qua ví dụ về chiếc B-52 của Mỹ.

Thứ hai, Tu-95MS thực sự không quá cũ, quá trình sản xuất hàng loạt của nó diễn ra từ năm 1982 đến tháng 8/1992. Theo đó, chiếc phi cơ "già" nhất có tuổi 40 năm và trẻ nhất là 30 năm.

Khoảng thời gian hoạt động của Tu-95MS thực sự không nhiều hơn Tu-160, khi "Thiên nga trắng" được sản xuất hàng loạt vào năm 1987 - 1992, như vậy các máy bay đã phục vụ trong khoảng 30 - 35 năm.

Mặc dù việc sản xuất hàng loạt Tu-95 phiên bản cơ sở bắt đầu từ năm 1954 và đưa vào phục vụ trong năm 1956. Nhưng giữa Tu-95 "cơ bản" và Tu-95MS ra đời 30 năm sau rất khác, khi đó chiếc oanh tạc cơ này thậm chí có thêm những phiên bản đặc biệt, bao gồm - máy bay chở khách Tu-114, máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không Tu-126, và máy bay chống tàu ngầm Tu-142.

Ba thập kỷ là khá đủ để tổ hợp công nghiệp quân sự Liên Xô đưa mức độ tiện dụng cho phi hành đoàn cũng như độ tin cậy của các thiết bị hàng không trên Tu-95MS lên mức chấp nhận được.

Đó là lý do tại sao vào những năm 1990, khi "tối ưu hóa" hàng không chiến lược, người Nga đã nhấn mạnh rằng họ coi trọng Tu-95MS, thậm chí cố gắng giành lấy hơn 10 chiếc máy bay này ở Kazakhstan và 4 từ Ukraine đổi lấy khí đốt, đồng thời loại bỏ những phiên bản Tu-95 đời đầu.

Số liệu của Military Balance 2022 cho biết vào cuối năm ngoái, VKS có 60 máy bay ném bom Tu-95MS trong biên chế, nhưng có vẻ số lượng với ​​khả năng chiến đấu thực sự ít hơn đáng kể.

Trong 10 năm sản xuất hàng loạt, chỉ có 90 chiếc Tu-95MS rời nhà máy. Ngoài 60 chiếc thuộc về Nga, Ukraine nhận được 30 máy bay, nhưng 19 chiếc đã bị loại bỏ khỏi Không quân Ukraine vào cuối những năm 1990. Con số 11 oanh tạc cơ chiến lược loại này bị mất, bị loại bỏ, hoặc ngừng hoạt động có vẻ thực tế.

Đáng chú ý là đối với những cuộc tấn công nhằm vào Ukraine, VKS huy động tối đa 20 chiếc Tu-95MS và "để dành" vài chiếc cho những chuyến tuần tra chung với Trung Quốc. Như vậy, theo một số nhà quan sát nhận định có vẻ số lượng Tu-95MS sẵn sàng chiến đấu thực sự của Nga chỉ bằng 50% so với "trên giấy tờ".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ