Bộ Công Thương đang lấy ý kiến người dân về biểu giá điện mới, trong đó có giá bán lẻ điện sinh hoạt. Động thái này xuất phát từ Nghị quyết 100/2019/QH14 của Quốc hội, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương “khẩn trương kiểm tra, đánh giá để có cơ sở nghiên cứu sửa đổi quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý”.
Áp dụng từ năm 2014, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành (gồm 6 bậc) đã bộc lộ bất hợp lý trong chênh lệch giá giữa các bậc. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều hộ gia đình phải trả tiền điện tăng sốc trong mùa hè năm nay - được cho là nóng nhất trong 50 năm qua.
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực khẳng định, việc điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt, mà chỉ nhằm điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng. Đồng thời, bảo đảm cho khách hàng sử dụng điện có thể dễ dàng theo dõi, tính toán sản lượng điện và mức tăng vào mùa nắng nóng, không tăng đột biến.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án. Phương án 1 rút ngắn từ 6 bậc thang đang áp dụng xuống còn 5. Đối với phương án 2, Bộ Công Thương đưa ra kịch bản 2A và 2B, trong đó cho phép người tiêu dùng lựa chọn tính tiền điện một giá hoặc tính theo bậc thang lũy tiến.
Thoạt nhìn, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn cũng là điều đáng mừng. Nhưng với việc tính giá điện lên tới 2.700 - 2.900 đồng/kWh trong phương án “điện một giá”, trong khi giá điện bình quân hiện hành là 1.864 đồng/kWh, thì phải chăng phương án này chỉ được thiết kế “cho có” mà thôi? Đó là chưa kể, so sánh tiền điện phải đóng theo các phương án sẽ thấy nếu chọn “điện một giá”, người tiêu dùng luôn phải trả nhiều tiền hơn các phương án còn lại cho cùng mức tiêu thụ điện. Họ cũng không rõ đề xuất giá điện 2.700 - 2.900 đồng/kWh là dựa trên cơ sở nào? Vì thế, số đông người tiêu dùng dù mong muốn được tính điện một giá cho đơn giản, dễ hiểu – có lẽ cũng đành ngậm ngùi quay về với biểu giá điện bậc thang.
Vẫn biết không có phương án giá điện nào hài hòa được lợi ích của tất cả các nhóm khách hàng. Mỗi phương án giá điện mới đưa ra đều có lợi cho nhóm khách hàng này và bất lợi cho nhóm khách hàng khác, tuy vậy nguyên tắc là giá điện phải hướng đến bảo đảm cho lợi ích của số đông. Tiếc rằng, các kịch bản điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này chưa đáp ứng được điều đó. Tính toán trong mọi phương án đều cho thấy gánh nặng tăng giá đè nặng lên nhóm khách hàng sử dụng 101- 400kWh/tháng, chiếm tới 57,7% số hộ tiêu thụ.
Những thắc mắc, tranh luận về giá điện, cách tính tiền điện sẽ chỉ chấm dứt khi chúng ta có một thị trường điện cạnh tranh, mà để tiến tới mục tiêu này thì phải cần thêm nhiều năm nữa. Trong lúc ngành điện vẫn giữ tình trạng độc quyền (nên không có tính cạnh tranh), lựa chọn tốt nhất của người tiêu dùng chính là sử dụng điện tiết kiệm.