Điện một giá gần 3.000 đồng/kWh, ai được lợi?

Điện một giá gần 3.000 đồng/kWh, ai được lợi?

Người dùng có quyền lựa chọn một giá hoặc bậc thang

Theo dự thảo Bộ Công Thương xây dựng đưa ra lấy ý kiến có 2 phương án. Với phương án 1, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt sẽ chỉ có 5 bậc. Bậc 1 áp dụng cho kWh từ 0 - 100 (gộp bậc 1 và 2 trong biểu 6 bậc và tăng từ 0 - 100kW) và tính bằng 90% mức giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 2 áp dụng cho kWh từ 101 - 200 và tính bằng 108% mức giá bán lẻ điện bậc 3.

Đáng chú ý, bậc 3 của biểu giá được điều chỉnh tăng thêm 100 số điện, áp dụng cho kWh từ 201 - 400 với mức tính 141% biểu giá bình quân. Từ bậc 4, áp dụng cho kWh từ 401 - 700, giá điện sẽ tính tăng mạnh và tính bằng 160% mức giá bán lẻ điện bình quân. Khách hàng dùng từ 701 kWh/tháng trở lên sẽ chịu tiền điện tính bằng 168% mức giá điện bình quân (khoảng 3.132,2 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT).

Với phương án 2, khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Theo đó, dự thảo đưa ra 2 lựa chọn bổ sung là phương án 2A và 2B áp dụng cho khách hàng chọn sử dụng điện theo biểu giá một bậc duy nhất. Cụ thể, với phương án 2A, các bậc thang bán lẻ điện từ bậc 1 - 4 được tính như phương án 1. Riêng khách hàng dùng điện từ bậc 5, từ 701 kWh trở lên, sẽ chịu mức giá điện bình quân lên tới 274% (tương ứng mức giá 5.108,5 đồng/kWh).

Với sử dụng điện một giá, phương án được đề xuất giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn là 145% mức giá bán lẻ điện bình quân. Nó tương ứng 2.703,43 đồng/kWh - chưa bao gồm VAT (áp dụng theo mức giá bán lẻ điện ngày 20/3/2019 được Chính phủ phê duyệt).

Mức giá bán lẻ bình quân ở phương án 2B dành cho khách hàng chọn hình thức điện một giá là 155%, tương ứng 2.889,88 đồng/kWh - chưa bao gồm VAT.

Người dùng ít sẽ chịu thiệt

Bộ Công Thương sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các khách hàng sử dụng điện, các bộ, ngành trong tháng 8 và sẽ hoàn chỉnh phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý III/2020.

TS Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng Việt Nam cho rằng, hiện giá điện đang được xác định theo Quyết định 24/2017. Theo đó, giá được tính trên cơ sở đầy đủ các chi phí đầu vào (phát điện, truyền tải, phân phối, quản lý ngành...) nhằm đảm bảo ngành điện có lãi để tái đầu tư. Mức giá bán lẻ bình quân điện sinh hoạt đang áp dụng là 1.864,44 đồng một kWh.

Nhưng điểm bất cập trong cơ cấu tính giá điện bán lẻ bình quân là các cơ quan chức năng chỉ công bố tổng doanh thu và chi phí ngành. Nhưng cơ quan chức năng không đưa ra tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc. Do đó, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt luỹ tiến chưa thể hiện sự minh bạch. Nguyên tắc là tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc phải cân bằng với tổng doanh thu của giá điện bình quân.

Do vậy theo TS Ngô Đức Lâm, nếu áp dụng điện một giá căn cứ trên giá điện bình quân thì chưa hợp lý. Bởi theo Luật Điện lực, giá điện bình quân không phải giá cố định mà thay đổi theo thị trường, 1 năm ít nhất được 2 lần thay đổi. Chẳng hạn như khi lũ lụt về, cuối năm dôi dư nước, thủy điện phát nhiều thì giá điện bình quân là bao nhiêu? Còn khi nguồn than cho nhiệt điện khan hiếm, phải chạy nguồn điện giá cao thì giá bình quân là bao nhiêu?

TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, xét một cách tổng quát, phương án điện 1 giá là đúng và chấp nhận được. Thế nhưng, cái khó là nếu việc lựa chọn trong vòng 1 năm không được thay đổi có thể khiến các hộ sử dụng điện sinh hoạt khó lựa chọn phương án tối ưu.

Ví dụ, chọn phương án một giá điện, mùa hè dùng nhiều điện, người dân được lợi nhưng mùa đông tiêu thụ ít điện hơn thì lại phải trả giá cao. Vấn đề ở đây, là phải cân đối cải tiến từ gốc. Đó là sự phân bố giá điện cho 4 nhóm thế nào để hợp lý nhất. Vừa giúp nhóm sản xuất không bị tăng chi phí cao gây ảnh hưởng tới giá tiêu dùng, lại vừa đảm bảo các nhóm khác không phải gánh tiền điện cao hơn một cách bất hợp lý.

GS Trần Văn Bình - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, phương án một giá điện chỉ mang tính tình thế. Nó không giải quyết căn cơ gốc rễ về biểu giá điện. Bởi nếu áp điện một giá thì giá bán sẽ phải cao hơn giá bán bình quân. Như vậy sẽ không có lợi cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Nó chủ yếu phục vụ lợi ích cho người dùng nhiều điện. Trong khi đó, đây là nhóm không cần Nhà nước phải trợ giúp. Vậy thì mục tiêu xây dựng biểu giá điện một giá này để làm gì?

Theo TS Ngô Đức Lâm, nên áp dụng một mức giá điện bán lẻ sinh hoạt bằng với mức giá bán lẻ điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh. Do giá bán lẻ điện bình quân đã gồm các chi phí, lợi nhuận của ngành điện. Hoặc nếu áp dụng giá điện bậc thang luỹ tiến thì chỉ nên chia 3 bậc, thay vì 5 bậc theo đề xuất của Bộ Công Thương. Nếu áp dụng giá điện theo 1 bậc, cần phải công khai, tính toán lại giá điện bình quân cho minh bạch, hợp lý. Sử dụng quỹ bình ổn để hỗ trợ những hộ gia đình nghèo, khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

GD&TĐ - Ung thư vú phủ bóng đen lên cuộc sống của vô số người trên toàn cầu, ảnh hưởng đến những người mắc bệnh và gia đình của họ.

Nhà ngoại giao Anh bị trục xuất.

Nga trục xuất nhà ngoại giao Anh

GD&TĐ - Một nhân viên Đại sứ quán Anh tại Moscow đã bị coi là mối đe dọa an ninh sau khi bị phát hiện có sự không thống nhất trong giấy tờ của ông.