Chế phẩm làm sạch nước và phòng bệnh cho tôm nuôi

GD&TĐ - Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) là mối đe dọa lớn trong ngành nuôi tôm.

Lấy mẫu để kiểm tra tình trạng tôm và nước ao.
Lấy mẫu để kiểm tra tình trạng tôm và nước ao.

Các nhà khoa học Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã tìm cách khắc chế mối đe dọa này.

Giải pháp phát triển bền vững

Nhằm hỗ trợ người dân trong việc phòng ngừa bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND), nhóm nghiên cứu tại Đại học Tài Nguyên và Môi trường TPHCM, do ThS Lê Thị Phụng là chủ nhiệm đề tài, đã tiến hành nghiên cứu sản xuất chế phẩm Zeolite sinh học để cải thiện môi trường nước, giúp tôm phát triển khỏe mạnh và nâng cao hiệu quả kinh tế.

ThS Lê Thị Phụng cho hay, nuôi tôm là một trong những ngành phát triển, mang lại giá trị cao. Các loại tôm luôn là thực phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, không chỉ thị trường trong nước mà còn trên cả thị trường quốc tế.

Tại Việt Nam, ngành tôm hiện đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản. Việt Nam hiện đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 3 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu của toàn thế giới…

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 620 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước tăng 26%, còn thị trường Trung Quốc ước tăng hơn 140%.

Bên cạnh những thuận lợi mà điều kiện tự nhiên (khí hậu, nguồn nước, đất,…) mang lại thì người dân cũng gặp phải không ít khó khăn trong việc nuôi tôm nhất là môi trường nước, yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tôm.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm hiểu và sản xuất chế phẩm Zeolite sinh học là một trong những giải pháp có ích trong việc cải thiện môi trường nước, phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm. Bên cạnh đó, nhiều mô hình nuôi mới thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cho người dân.

Các nghiên cứu đã tìm hiểu và đưa công nghệ mới vào sản xuất giống, nuôi thương phẩm, sản xuất thức ăn, thuốc, hoá chất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm rủi ro trong sản xuất.

Nhiều khu vực đã áp dụng kỹ thuật cao, hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm. Áp dụng được nhiều mô hình quản lý tiên tiến, gắn với xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhóm nghiên cứu đã phát triển chế phẩm sinh học cải thiện môi trường và phòng bệnh AHPND trong nuôi tôm tại Cần Giờ, TPHCM. Khu vực nuôi tôm có tổng diện tích 6.000 ha, trong đó có khoảng 250 ha có tôm bị mắc các bệnh như đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV) và hoại tử gan tụy cấp. Bệnh AHPND chiếm diện tích khoảng 14% trong số ao tôm bị bệnh và tác động nghiêm trọng đến tôm từ 20 đến 58 ngày tuổi, gây chết nhanh trong vòng 2 ngày.

Đặc trị hiệu quả virus gây bệnh cho tôm

Theo nhóm nghiên cứu, hiện tại, việc điều trị vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trong ao nuôi vẫn chưa có phương pháp đặc trị hiệu quả do khả năng chống lại các loại thuốc kháng sinh và phương pháp điều trị khác của vi khuẩn này. Vì vậy, việc phát triển chế phẩm sinh học (CPSH) nhằm cải thiện môi trường nước và phòng trị bệnh AHPND trong nuôi tôm là rất cần thiết.

Zeolite, kết hợp với vi sinh, được sử dụng để tạo ra CPSH có thể giúp hấp thụ các khí độc, kim loại nặng trong ao, làm sạch nước, ổn định độ pH và màu nước, đồng thời cung cấp ôxy hòa tan cho tôm nuôi.

Việc lựa chọn CPSH phải đảm bảo an toàn sinh học, phù hợp với điều kiện môi trường nuôi tôm như nước mặn hay nước ngọt, được sản xuất và áp dụng theo các phương pháp khoa học.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các kết luận và kiến nghị sau nghiên cứu về sử dụng Bacillus subtilis trong nuôi tôm. Kết quả cho thấy Bacillus subtilis có hoạt tính in vitro hiệu quả trong cải thiện môi trường nước và ức chế vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm phát triển thành công quy trình nuôi cấy Bacillus subtilis với quy mô 5-10 lít, tối ưu hóa môi trường lên men với hoạt tính kháng khuẩn cao nhất đạt 400 AU/mL.

Sản phẩm Zeoshrimp, được sản xuất với Zeolite và Bacillus subtilis ổn định, đã giúp giảm chất gây độc, mầm bệnh trong ao nuôi, duy trì môi trường nuôi ổn định và kích thích tăng trưởng tôm.

Đề xuất tiếp theo của nhóm nghiên cứu là cải tiến quy trình thu hồi chế phẩm để tăng mật độ vi khuẩn, thực nghiệm trên các ao nuôi bị nhiễm bệnh AHPND tại Cần Giờ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để đánh giá hiệu quả, tối ưu hóa sản xuất trong tương lai.

Việc bổ sung định kỳ chế phẩm sinh học trong ao nuôi tôm mang lại nhiều lợi ích to lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản.

Chế phẩm Zeolite sinh học không chỉ giúp giảm thiểu các chất gây độc trong môi trường ao nuôi, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy các hợp chất hữu cơ dư thừa, từ đó duy trì môi trường nước sạch và ổn định.

Sự ổn định này không chỉ bảo vệ sức khỏe của tôm, mà còn kích thích chúng sử dụng thức ăn hiệu quả hơn, giúp tăng cường tốc độ sinh trưởng.

Áp dụng chế phẩm Zeolite sinh học, người nuôi tôm có thể tối ưu hóa sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường. Đây chính là giải pháp bền vững và hiện đại cho ngành nuôi trồng tôm, mang lại lợi ích kinh tế cao, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Bão lũ và nghĩa đồng bào

GD&TĐ - Cơn bão số 3 với những gì mà nó để lại thật kinh hoàng. Nhưng khủng khiếp hơn cả là đợt mưa lũ quét qua các tỉnh trung du Bắc Bộ ngay sau đó.