Dùng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, nâng cao hiệu quả trồng trọt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với dự án ủ phân gia súc, gia cầm bằng chế phẩm sinh học của 2 học sinh đã giúp bà con khó khăn tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trồng trọt.

Dùng chế phẩm sinh học ủ phân gia súc, gia cầm của 2 nữ sinh mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân khó khăn.
Dùng chế phẩm sinh học ủ phân gia súc, gia cầm của 2 nữ sinh mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân khó khăn.

Học sinh sáng tạo

Sinh sống ở khu vực khó khăn, nơi đông người địa phương canh tác nông nghiệp nên em Nguyễn Thị Tường Vy và Y Hà Linh, học sinh Trường THCS xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà, Kon Tum) thấu hiểu sự cơ cực của bà con.

Thu nhập của người dân chủ yếu từ canh tác nông nghiệp, thế nhưng nếu đầu tư nhiều chi phí bón phân cho cây trồng thì năng suất, hiệu quả chẳng còn bao nhiêu.

Mong muốn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào xử lý chất thải chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường và tạo nguồn phân bón hữu cơ an toàn, tiết kiệm cho cây trồng, em Vy và Linh tìm hiểu, triển khai dự án “Vận động, hướng dẫn người đồng bào DTTS ủ phân gia súc, gia cầm bằng chế phẩm sinh học góp phần bảo vệ môi trường và tạo nguồn phân bón hữu cơ an toàn cho cây trồng”.

Với dự án này, nguyên liệu gồm có: nước, bạt nilon, phân gia súc, gia cầm, cám gạo, nấm Trichoderma và chế phẩm EMZEO.

Y Hà Linh chia sẻ, để chế phẩm đạt hiệu quả cao cần pha nguyên liệu theo tỷ lệ 5kg cám gạo với 4gram nấm Tricoderma. Sau đó, trải một lớp phân chuồng dày 10cm vào khu vực ủ rồi tưới đều dung dịch đã pha ban đầu vào lớp phân vừa trải.

Khi hỗn hợp cao khoảng 1,8 - 2,2m thì dừng lại rồi đậy kín bằng bạt nilon. Để khử mùi hôi và đẩy nhanh quá trình phân hủy, Linh và Vy trộn 1 gói chế phẩm EMZEO với 1kg cám gạo rồi rắc đều lên bề mặt ủ.

Để hỗn hợp đạt chất lượng tốt nhất, 2 nữ sinh duy trì độ ẩm khoảng 45 - 50%. Sau 30-35 ngày, phân ủ đạt chất lượng và có thể sử dụng để bón cho cây trồng.

Nhằm ứng dụng vào thực tế, sản phẩm của Vy và Linh được bón thử nghiệm cho một số cây trồng của người dân. Qua theo dõi, cây trồng sinh trưởng và phát triển xanh tốt hơn so với thời điểm trước khi bón.

Để có cơ sở đánh giá về chất lượng phân bón, 2 nữ sinh gửi mẫu phân ủ đến Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.Hồ Chí Minh kiểm định sản phẩm theo các tiêu chí của phân bón hữu cơ. Kết quả cho thấy mẫu phân bón đạt tiêu chuẩn của phân bón hữu cơ an toàn, có thể ứng dụng rộng rãi.

“Sau nhiều lần thất bại và trải qua thời gian dài thử nghiệm chúng em cũng nhận được kết quả khá khả quan. Em rất vui với kết quả này nên cùng thầy cô và các bạn trong trường tích cực vận động, hướng dẫn người dân trên địa bàn cách dùng chế phẩm sinh học để ủ phân gia súc, gia cầm. Đến nay, đã có hơn 35 hộ gia đình triển khai thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả”, em Y Hà Linh tâm sự.

Ứng dụng thực tiễn

Người dân tận dụng chất thải chăn nuôi của gia đình để ủ phân bằng chế phẩm sinh học.

Người dân tận dụng chất thải chăn nuôi của gia đình để ủ phân bằng chế phẩm sinh học.

Qua tuyên truyền, bà Y Xoát (làng Kon Bơ Băn, xã Ngọc Réo) nhận thấy việc ủ phân gia súc, gia cầm bằng chế phẩm sinh học rất hiệu quả và giảm nhiều chi phí nên đã học hỏi.

Áp dụng cho việc sản xuất của gia đình, bà Y Xoát tiết kiệm được 60% chi phí trong trồng trọt. Bên cạnh đó, đất trồng của gia đình bà cũng màu mỡ, tơi xốp hơn, không bị khô như khi sử dụng phân bón hóa học.

“Việc ủ phân gia súc, gia cầm bằng chế phẩm sinh học không chỉ hiệu quả, giảm chi phí mà còn gìn giữ vệ sinh môi trường. Tôi sẽ ứng dụng để nâng cao chất lượng, năng suất nhằm phát triển kinh tế”, bà Y Xoát nói.

Tương tự, ông A Der (làng Kon Bơ Băn) đào 1 hố sâu 60cm, dài 2m, rộng 1,2m và mua các nguyên liệu để ủ phân với khối lượng 1 tấn/tháng. Việc ủ phân này giúp ông tận dụng tối đa chất thải chăn nuôi của gia đình để bón cho cây trồng.

“Nhờ dự án thiết thực, ý nghĩa mà chúng tôi có thể tự sản xuất được nguồn phân bón an toàn để bón cho cây trồng. Từ đó giúp tiết kiệm chi phí, đời sống bà con được cải thiện, bớt đói nghèo”, ông A Der bộc bạch.

Thầy Lê Đình Thiết - Hiệu trưởng Trường THCS xã Ngọc Réo cho hay, dự án “Vận động, hướng dẫn người đồng bào DTTS ủ phân gia súc, gia cầm bằng chế phẩm sinh học góp phần bảo vệ môi trường và tạo nguồn phân bón hữu cơ an toàn cho cây trồng” đã đạt giải Nhì tại Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp huyện dành cho học sinh cấp THCS năm học 2022 - 2023.

Trong những năm qua, nhà trường cũng luôn khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi KHKT, tích cực vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết vấn đề thực tiễn. Qua việc vừa học vừa nghiên cứu từ sớm học sinh của trường phát huy được tinh thần nghiên cứu và nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hào hứng tham gia giờ học vượt chướng ngại vật. Ảnh: M.C

'Chiến sĩ nhí' tự lập, trưởng thành

GD&TĐ - Hơn 100 em đến từ nhiều tỉnh, thành hào hứng tham gia “Học kỳ trong quân đội” năm 2024 tại Trung đoàn Bộ binh 568, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình.