Vậy, việc thờ vua Hùng ở các triều đại phong kiến trước đây như thế nào?
Các văn bản để lại đến nay cho biết, thời Lê trung hưng, nghi lễ thờ cúng Hùng Vương tại đền thờ ở núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ ngày nay) và các làng xung quanh đã diễn ra long trọng từ ngày mùng 9 – 11/3 âm lịch.
Vua nhà Lê, cụ thể là vua Lê Hiển Tông, đã có thơ ca tụng các vua Hùng: “Quốc tịch Văn Lang cổ, vương thư Việt sử tiên, hiển thừa thập bát đại/ Hình thắng nhất tam xuyên…”. (Văn Lang xưa dựng nước, vua đầu Việt sử thơ, mười tám đời nối tiếp, ba sông chỉ một bờ...).
Sang đến triều Nguyễn, các văn bản ghi lại về quy chế đối với miếu thờ các vua Hùng để lại rất nhiều, cho thấy vị trí của các vua Hùng trong cách nhìn của triều Nguyễn. Cụ thể, theo bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, ngay sau khi vua Gia Long lên ngôi, năm thứ 2 (1803), khi nhà vua ngự ra Bắc vào tháng 11, đã quyết định đặt miếu phu (phu phục dịch tại miếu) cho các miếu lịch đại đế vương (đế vương các triều trước), đều lấy xã dân sở tại sung vào.
Trong đó, miếu Đinh Tiên Hoàng (ở Ninh Bình) được 40 người miếu phu, miếu Lê Đại Hành (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) 50 người, miếu các vua triều Trần (Nam Định ngày nay) 43 người, miếu Hùng Vương (Phú Thọ) 52 người, miếu các vua triều Lý (Bắc Ninh) 243 người, miếu Thục An Dương Vương (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) 79 người, miếu Lê Thái Tổ 56 người (xã Na Lữ, huyện Thạch Lâm, nay là huyện Bảo Lâm, Cao Bằng).
Số lượng miếu phu của từng miếu cho thấy quy mô cũng như mức độ ưu tiên của từng miếu, từng triều đại trước trong đánh giá của triều đình nhà Nguyễn.
Sang đến đời vua Minh Mạng, mùa thu năm Minh Mạng thứ 2 (1821), vua Minh Mạng cũng tiến hành chuyến Bắc tuần để nhận lễ sắc phong của nhà Thanh. Trước khi xuất hành, Bộ Lễ tâu xin nhà vua chuẩn bị lễ để tế ở các miếu lịch đại đế vương.
Nhà vua chuẩn y và danh sách các đền thờ sẽ tế gồm miếu Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh (tên các địa phương ghi theo tên tỉnh ngày nay), miếu Hùng Vương ở Phú Thọ, miếu Thục An Dương Vương ở Nghệ An, miếu Triệu Vũ Đế ở Bắc Ninh, miếu Trưng Vương ở Hưng Yên, miếu Lý Nam Đế ở Thái Bình, miếu Triệu Việt Vương ở Thanh Hoá, miếu Mai Hắc Đế ở Nghệ An, miếu Bố Cái Đại vương ở Sơn Tây, miếu Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình, miếu Lê Đại Hành ở Hà Nam, miếu các vua triều Lý ở Bắc Ninh, miếu các vua triều Trần ở Nam Định, miếu các vua triều Lê ở xã Bố Vệ, Thanh Hóa. Tất cả gồm 15 nơi.
Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823), vào tháng 3, triều Nguyễn xây miếu Lịch đại đế vương ở kinh thành Phú Xuân để thờ tất cả các vua đời trước. Trong tờ tâu của Bộ Lễ, sau khi dẫn dắt quy chế thờ cúng của các triều đại Trung Quốc, có nêu rõ quan điểm của các lễ quan triều Nguyễn về các triều đại trước về các vị tổ khai sáng của nước Việt: “Lễ nghi thờ cúng phải nên suy từ gốc nguồn, vốn không tự hạn chế trong non sông nước Nam.
Xét sách “Việt sử ngoại kỷ biên niên” thì Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương thực là Thuỷ tổ của nước Việt ta. Sau từ việc nảy nỏ móng rùa thất lợi và việc cột đồng chia cương giới, cho đến những cuộc Nam - Bắc phân tranh thì đều không phải là chính thống của nước Việt ta.
Trong khoảng đó có Mai Hắc Đế và Bố Cái Vương nhất sơ nổi dậy mà công nghiệp chưa thành. Thế thì từ ngoại kỷ về trước phải lấy các vị sáng thuỷ mà thờ. Từ Đinh về sau thì mối giềng mới rõ. Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Lê Thái Tổ, thừa vận lần lượt nổi lên, đều là vua dựng nghiệp một đời.
Trong khoảng ấy, anh chúa trung hưng như Trần Nhân Tông ba lần đánh bại quân Nguyên, hai lần khôi phục xã tắc, Lê Thánh Tông lập ra chế độ, mở rộng bờ cõi, công nghiệp rạng rỡ vang ở bên tai, đều nên liệt vào điển thờ. Ngoài ra các vua đều có miếu riêng, tưởng không nên thờ cả vào đấy”.
Sau khi bàn bạc với triều thần, vua Minh Mạng phê duyệt quy chế làm miếu Lịch đại đế vương gồm năm gian, ngoài gian chính giữa thờ các vị Tam Hoàng, Ngũ Đế, thì gian thứ nhất phía trái thờ các vị vua thủy tổ nước Việt, bao gồm Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp – vị thái thú ở nước ta thời Hán có công giáo huấn nhân dân, được các triều đình phong kiến tôn làm “Nam Giao học tổ”) và Đinh Tiên Hoàng đế; gian thứ nhất phía phải thờ các vị Lê Đại Hành hoàng đế, Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông.
Gian thứ hai phía trái thờ các hoàng đế Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông; gian thứ hai phía phải thờ Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Lê Trang Tông, Lê Anh Tông. Các gian phía Đông, Tây thờ các danh thần, danh tướng có công phò tá các vị vua sáng triều lập công với nước. Sử viết triều đình “Sai chế bài vị và đồ thờ, lấy 20 người dân làng Phú Xuân sung làm thuộc lệ.
Hằng năm cứ hai tháng trọng xuân trọng thu (tức tháng Hai, tháng Tám âm lịch) sai hoàng tử đến tế”. Như vậy, các vị quốc tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương được xếp hàng đầu tiên trong danh sách lịch đại đế vương được triều Nguyễn thờ cúng.
Thời vua Minh Mạng cũng ban hành lại quy định về số lượng phu miếu của từng miếu các đế vương. Các quan xin rằng, các miếu Đinh Tiên Hoàng và miếu Lê Đại Hành ở Ninh Bình, miếu Hùng Vương ở Phú Thọ, miếu Lý Bát Đế và miếu Thục An Dương Vương ở Bắc Ninh, miếu nhà Trần ở Nam Định, miếu Lê Thái Tổ ở Cao Bằng, đều xin theo lệ Văn Miếu ở Kinh, đặt phu miếu mỗi miếu 50 người. Vua chuẩn y lời bàn.
Sang thời vua Thiệu Trị, mùa đông năm 1845, triều Nguyễn lại sửa lại lệ cấp miếu phu ở miếu thờ đế vương các đời. Triều thần cho rằng, quy định mỗi miếu các đế vương có 50 miếu phu là nhiều, trong khi miếu đế vương các đời ở Kinh chỉ có 20 miếu phu, nên miếu ở các tỉnh cũng rút xuống còn 20 miếu phu, lấy số đó làm chuẩn.
Tuy đề xuất này được vua Thiệu Trị chuẩn y, nhưng sau đó Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên (coi các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) là Nguyễn Đăng Giai lại tâu rằng: Miếu Hùng Vương nguyên làm ở đỉnh núi, tất cả có 3 sở, xin cứ để ngạch cũ là 50 người miếu phu. Vua cũng y cho.
Như vậy có thể thấy, với vai trò đặc biệt trong lịch sử nước ta và quy mô cũng khác biệt, nên miếu thờ các vua Hùng đã được vua Thiệu Trị cho hưởng quy chế cao hơn hẳn các miếu thờ đế vương khác của nước Việt.