Thời phong kiến xét duyệt người đi thi thế nào?

GD&TĐ - Thời phong kiến có lệ cấm con nhà phường chèo, con hát không được đi thi. Các binh lính dù biết chữ, giỏi văn chương cũng không được đi thi.

Sĩ tử nhập trường 1912 - Trường Nam Định, khoa Nhâm Tý.
Sĩ tử nhập trường 1912 - Trường Nam Định, khoa Nhâm Tý.

Do đó mới có câu chuyện Đào Duy Từ vì là con nhà hát xướng phải tìm cách “giả mạo lý lịch” và dù đã đỗ Á nguyên kỳ thi Hương nhưng vẫn bị phát giác, cách tuột bằng cấp, phải tìm đường vào Nam phò chúa Nguyễn.

Nhưng nghề phường chèo cũng chỉ mới gia nhập vào nước ta từ thời Trần. Trong trận đánh thắng quân Nguyên xâm lược, quân ta bắt được nghệ nhân Lý Nguyên Cát, được ông truyền cho nghề diễn tuồng truyện từ bấy giờ.

Còn ở thời Trần, triều đình cấm binh lính đi thi. Lệnh này được ban hành vào thời Trần Nhân Tông, năm Tân Tị, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 3 (1281).

“Đại Việt sử ký toàn thư” viết rằng: “Tháng Giêng, mùa Xuân, lập nhà học ở phủ Thiên Trường. Cấm người hương Thiên Thuộc không được vào học”. Các sử quan thời Trần cũng giải thích nguyên nhân của lệnh cấm này do hương Thiên Thuộc là đất căn bản của nhà Trần, trai tráng ở đây luôn được tuyển vào làm lính Thiên Thuộc túc trực bảo vệ sát bên nhà vua, chú trọng vào sức khỏe, do đó triều đình cấm quân sĩ Thiên Thuộc không được học tập văn chương nghệ thuật vì “sợ khí lực kém đi”.

Sang thời Lê, triều đại tôn sùng Nho giáo, mới có quy định được ban hành thời vua Lê Thánh Tông (năm 1462) về điều kiện dự thi của sĩ tử cả nước rằng: “Những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa... thì dẫu học giỏi, văn thơ hay cũng không được cho vào thi (...). Nhà phường chèo, con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan có tiếng xấu, thì bản thân và con cháu đều không được dự thi” (Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”).

Không những vậy, theo “huấn điều” mà vua Lê Thánh Tông ban hành, người làm nghề phường chèo, con hát và con cháu họ cũng không được phép nhận quan tước của triều đình.

Còn từ những khoa thi đầu tiên của nước ta thời Lý, năm Thái Ninh thứ 4 đời Lý Nhân Tông (1075), nhà vua hạ chiếu về điều kiện đi thi chỉ là: “Những người giỏi kinh học rộng và thi Nho học ba trường”. Quy định thời Lý Cao Tông, năm 1185 cho biết cụ thể là học trò từ 15 tuổi trở lên sẽ được đi thi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sau khi Lê Thái Tổ đuổi đánh xong quân Minh, năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), đã hạ chiếu cho quân nhân các lộ và những người ẩn dật ở núi rừng, cũng như các quan từ tứ phẩm trở xuống, ai thông kinh sử, đều được đến sảnh đường để thi.

Năm ấy thi khoa Minh kinh, tức chọn người hiểu nghĩa kinh sách chắc chắn để đưa ra làm quan.

Theo nhận định của học giả Phan Huy Chú, thì thời quân Minh đô hộ nước ta, các kẻ sĩ nước ta đều trốn tránh không chịu ra thi với chúng. Trong cuộc kháng chiến, nhiều kẻ sĩ gia nhập nghĩa quân, đến khi Lê Thái Tổ phục quốc, nhiều người chưa muốn ra làm quan, nên triều đình mới ban hành thể lệ thi cử giản dị này để khuyến khích nhân tài, chưa áp dụng cách thi kỹ càng của nhà Trần.

Về quy định cấm thi với một số đối tượng ban hành thời Lê Thánh Tông, năm 1462, để sàng lọc, triều Lê yêu cầu các thí sinh phải nộp lý lịch ở địa phương, để quan bản quán và bản xã bảo kết (cam kết đảm bảo), người nào thật sự có đức hạnh mới được khai vào sổ ứng thí. Giấy tờ cho thí sinh gọi là giấy “thông thân cước sắc” (như căn cước ghi nghề nghiệp của từng cá nhân), khai rõ xã, huyện, sở trường cá nhân là chuyên trị kinh gì, kèm theo cả cước sắc của ông cha, không được phép giả mạo.

Năm này, triều Lê vẫn cho phép quân nhân dự thi, với quy định: “Học trò đi thi không cứ quân dân hay chức dịch, đều từ thượng tuần tháng 8 khai tên ở bản đạo, đợi thi Hương đỗ thì đưa danh sách lên viện Lễ nghi, đến trung tuần tháng Giêng năm sau thi Hội”.

Sang thời Lê Hiến Tông, trong kỳ thi Hội năm 1499, nhà vua từng răn rằng: Phép cấm không nghiêm thì không trừ được thói gian dối, chọn lọc không tinh thì không lấy được người tài. Năm đó có 5.000 người ứng cử, vào thi Hội lấy đỗ được 55 người.

Năm 1501, triều đình dưới mệnh vua Lê Hiến Tông lại ra sắc định về cách duyệt lý lịch thí sinh: Đến trước khoa thi, xã trưởng các xứ làm giấy đoan bảo (cam đoan bảo lãnh) cho học trò trong xã mình, trừ những người đã trở thành sinh đồ ở Tú Lâm cục tại Kinh đô, còn các quân nhân, nhân dân, phải là con nhà lương thiện có hạnh kiểm, học vấn, năng lực phải viết nổi văn bốn trường.

Ngoài ra, triều đình nhà Lê cũng quy định các thí sinh đang có tang cha mẹ ở nhà cũng phải đến quan phủ khai tên điểm mục, nếu không khai sẽ bị sung quân ở bản phủ.

Từ đời vua Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 3 (1722), triều đình nhà Lê cho phép binh lính cũng được đi thi bằng lệnh rằng: Các hạng binh lính, người nào có học thức, khi gặp khoa thi Hương được nộp đơn xin thi đợi xét, nếu xét quả là người thông hiểu nghĩa lý văn chương, sẽ được phép cùng với học trò ứng thí, nếu gặp khoa thi võ và kỳ thi viết chữ, tính toán, cũng được phép thi khảo ở ngay Kinh đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.