“Chạy trường”: Phụ huynh tự gây áp lực cho mình

GD&TĐ - Đang mùa tuyển sinh, bên cạnh những danh sách HS đúng tuyến giống như hàng năm vẫn có những trường hợp tìm mọi cách cho con học trái tuyến với nhiều lý do khác nhau. Vì thế tình trạng “chạy trường” tuy không rầm rộ như các năm trước nhưng điều đó không có nghĩa là hoàn toàn không có.

“Chạy trường”: Phụ huynh tự gây áp lực cho mình

Chen chúc các lớp đầu cấp

Có hộ khẩu ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12 nhưng vợ chồng anh Đào Văn Nhật lại muốn cho đứa con gái đầu lòng vào học Trường TH Trần Văn Ơn thuộc phường 3, quận Gò Vấp. Anh Nhật trao đổi: “Nếu đúng tuyến năm nay cháu vào học Trường TH Quang Trung, quận 12, thế nhưng do cả hai vợ chồng đều làm một công ty biểu diễn ở đường Hoàng Minh Giám, quận 3 nên muốn xin cho cháu học gần nơi bố mẹ làm việc cho tiện đưa rước”. Đó là lý do mà anh Nhật ngồi lục tìm lại các mối quan hệ nhất là những ai “liên đới” đến ngành Giáo dục để giúp đỡ. Tuy nhiên, do không có hộ khẩu thường trú và cả tạm trú tại quận Gò Vấp nên vợ chồng anh vẫn “chưa tìm được đường ra” trong chuyện “chạy trường”.

Tại quận 12 không chỉ có gia đình anh Nhật lo chuyện học cho con mà một số phụ huynh khác cũng tìm mọi cách để con sang các quận nội thành để học. Chị H. có hộ khẩu thường trú ở phường Thạnh Xuân, quận 12 nhưng đang tìm cách liên hệ với người nhà làm trong chính quyền quận Bình Thạnh để cho con vào học một trường tốt nhất ở đây. Theo chị H. nếu để cháu học ở Trường TH Nguyễn Văn Thệ thì đúng tuyến nhưng e ngại chất lượng “trường làng” không tốt bằng “trường điểm” thuộc các quận trung tâm.

Như vậy lý do chạy trường không phải “hợp thức hóa gia đình” như vợ chồng anh Nhật mà là “chạy đua” theo chất lượng như chị H. quan niệm. Không chỉ có Bình Thạnh, các quận khác như Phú Nhuận, Gò Vấp, quận 3, quận 5 cũng là tâm điểm nóng sốt chạy trường của một số phụ huynh ở các vùng phụ cận như quận 12, Thủ Đức, quận 8, quận 9.

Mánh này chiêu nọ

Mặc dù hiện nay các trường và Phòng GD&ĐT đã thông báo công khai số lượng và điều kiện tuyển sinh và khắt khe trong chuyện học chạy trường nhưng nhiều phụ huynh vẫn tìm cách năn nỉ cho con học trái tuyến.

Cũng có trường hợp quá thân quen hoặc chỗ bạn bè thân thiết nhưng số lượng HS ra lớp đều do khu phố và phường quản lý nên có hiệu trưởng thực lòng muốn giúp cũng không phải dễ. Cũng giống như các năm trước, năm học này áp lực tuyển sinh vẫn đè nặng lên các Trường TH Lương Thế Vinh, TH An Hội, TH Nguyễn Trãi vì phải gánh thêm HS của phường 12 do phường này chưa có trường tiểu học. Đây cũng là 3 ngôi trường tiểu học có cơ sở vật chất tốt, phụ huynh tin tưởng vào chất lượng dạy học nên nhiều người trong và ngoài quận tìm cách “dòm ngó” và hy vọng. Tại các trường này, năm nay số lượng HS lớp cuối cấp ra ít trong lúc số lượng HS đầu cấp vào tăng 2 - 3 lớp nên thật sự là bài toán khó cho BGH nhà trường và Phòng GD&ĐT. Thế nhưng hồ sơ HS xin vào trái tuyến và bán trú cũng không hề giảm.

Đây cũng là áp lực cho các trường THCS khi có nhiều “ứng viên” chạy trường cho con vào học lớp 6 đầu cấp THCS ở một số trường “ngon” tại các quận trung tâm. Các trường có tiếng như THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) THCS Lê Quý Đôn (quận 3, quận Thủ Đức) Nguyễn Du (Gò Vấp, quận 1) cũng chịu áp lực “chạy trường” của những người thích con đi học xa nhưng hy vọng an tâm về chất lượng.

Ngoài tiếp cận trực tiếp với hiệu trưởng, nhiều người tìm cách tiếp cận với người thân quen làm việc trong ủy ban, quận đoàn, hội cựu giáo chức mong kiếm được “tấm vé” đi học cho con mặc dù năm nay ngành Giáo dục TPHCM từ cấp sở đến cấp phòng đã quán triệt tinh thần xóa bỏ chuyện “chạy trường”. Vì thế nhiều người dù muốn đứng ngoài cuộc nhưng đành phải chấp nhận bước vào vòng xoáy “chạy trường” một cách bất đắc dĩ.

Đây chính là áp lực rất lớn cho các hiệu trưởng các trường tiểu học mỗi khi vào dịp chạy trường lên cơn sốt. Những cú điện thoại ban đầu thăm hỏi sơ sơ là câu chuyện gửi gắm cho con vào học lớp đầu cấp tại trường sau đó. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Gò Vấp trao đổi, đây là thời gian sợ nhất khi nhận được các cú điện thoại vì hầu hết là người thân quen hoặc cũng đã từng biết. Không bắt máy thì không được mà khóa máy cũng không xong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ