Khởi tố nguyên Thượng tá công an nhận tiền tỉ để “chạy” trường

Ông Y Tuyến Ksơr - nguyên thượng tá, nguyên Phó trưởng phòng PC64 Công an tỉnh Đắk Lắk bị nhiều người dân tố cáo đã nhận hàng tỉ đồng để "chạy" cho con em họ vào học các trường thuộc ngành công an, nhưng sau đó không lo được và không hoàn trả tiền.

Khởi tố nguyên Thượng tá công an nhận tiền tỉ để “chạy” trường

Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 12/1, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi - giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Y Tuyến Ksơr - Nguyên Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội Công an tỉnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước khi bị khởi tố, ông Tuyến đã bị tước quân tịch, cấp bậc Thượng tá, tước các danh hiệu liên quan.

Khoi to nguyen thuong ta cong an nhan tien ti de

Giấy biên nhận tiền ông Y Tuyến ghi đích danh chức vụ, nơi công tác để tạo sự tin tưởng. Ảnh: Vietnamnet

Khi cơ quan điều tra vào cuộc, ông Tuyến xin nghỉ việc dài hạn để đi chữa bệnh.

Ngày 18/11/2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan tới ông Y Tuyến K’sơr, đồng thời đề nghị Bộ Công an tước danh hiệu CAND đối với ông này để tiến hành các bước xử lý tiếp theo.

Sau khi bị Bộ Công an tước danh hiệu CAND, ông Y Tuyến K’sơr bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố bị can.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009)

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

Theo ĐS&PL

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ