Cháy mãi ngọn lửa yêu nghề

GD&TĐ -  Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu – TP Đà Nẵng) vẫn nhớ như in cảm giác của năm học duy nhất không tham dự lễ khai giảng:“Người mình cứ nôn nao, bần thần rất khó chịu, kiểu như thiếu oxy để thở”. 

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường TH Núi Thành (Hải Châu, Đà Nẵng) vào tháng 2-2015 sau kỳ thi tuyển chức danh - Ảnh: Trường Trung
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường TH Núi Thành (Hải Châu, Đà Nẵng) vào tháng 2-2015 sau kỳ thi tuyển chức danh - Ảnh: Trường Trung

Đó là thời gian cô Nguyệt xin chuyển công tác từ Q. Sơn Trà về Q. Hải Châu và chưa nhận quyết định bố trí công tác. Chính vì vậy, khi Ban Giáo dục (Phòng GD bây giờ) đề nghị ở lại ban công tác, cô Nguyệt đề đạt nguyện vọng được làm giáo viên để “hít thở không khí của trường học”.

Chú trọng kỹ năng sống cho học sinh

Trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017, HS Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) có 4 ngày tổ chức hoạt động ngoại khóa theo chủ đề Xuân rất sôi nổi như trồng cây mùa xuân, sinh hoạt theo chủ đề Xuân, thi gói bánh chưng, sinh hoạt các câu lạc bộ tiếng Anh, câu lạc bộ robotic…

Tận dụng mọi hoạt động ngoại khóa ngoài nhằm tạo sự hứng thú cho HS học tập cho HS mà còn là cơ hội để hình thành những kỹ năng sống cần thiết ngay từ nhỏ là phương châm của BGH trường Tiểu học Núi Thành. HS, từ những hoạt động tập thể, học cách làm việc nhóm, tinh thần đồng đội, yêu thương gia đình, ý thức, thái độ sống tích cực.

Cô Thu Nguyệt kể: “Trước đây, dù các bồn hoa xung quanh trường, dọc hành lang, dù được chăm chút cẩn thận nhưng thường bị HS nhổ sạch.

Thế nhưng, sau khi nhà trường tổ chức cho chính các em tự tay trồng hoa ngay sau khi phát động chương trình Trồng cây mùa xuân trong tiết sinh hoạt dưới cờ, được tự tay trồng cây, tưới nước, chăm sóc cây,ý thức của các em thay đổi hắn, không còn hiện tượng HS bẻ, nhổ cây như trước”.

Mỗi tiết sinh hoạt dưới cờ của trường Tiểu học Núi Thành bao giờ cũng được HS háo hức mong chờ bởi luôn có những bất ngờ thú vị.

Đó là những câu chuyện chạm vào trái tim của HS về công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, là tiểu phầm tiết kiệm điện do chính các bạn mình đóng, là những “ồ”, “à” thú vị khi xem các bạn trong CLB Robotics của trường biểu diễn.

Thậm chí có những hôm, cô Hiệu trưởng bất ngờ hỏi: “Các con có muốn nhảy múa không?” và thế là cả cô và trò cùng nhau nhảy dân vũ. Sân trường vui và náo nức không khác gì không khí của ngày tựu trường.

Hay như với chủ đề Ngày quốc tế hạnh phúc, để giáo dục HS về sự chia sẻ và thương yêu, trường Tiểu học Núi Thành đã phát động phong trào Nuôi heo đất sau khi cô Hiệu trưởng giao lưu với HS thế nào là hạnh phúc, là sẻ chia.

Những chú heo đất của các lớp sẽ được mổ trong buổi chào cờ gần cuối năm để trao quà cho những bạn vượt khó học tốt vào dịp bế giảng năm học… Mỗi giờ chào cờ, theo như cô Thu Nguyệt, phải là sự khởi động đầy hào hứng, phấn khởi cho một tuần học tập của HS.

Vì thế, những nội dung phổ biến, phát biểu đánh giá, ý kiến của thầy cô giáo đều phải ngắn gọn, dễ hiểu để vừa không gây tâm lý mệt mỏi, căng thẳng cho các em vừa nhường sân cho các hoạt động khác.

“Chưa kể là có nhiều hoạt động, nội dung nhà trường rất muốn tổ chức thực hiện ngoại khóa nhưng do điều kiện eo hẹp về thời gian, kinh phí… nên sẽ rất hiệu quả nếu đưa vào lồng ghép ngay trong tiết sinh hoạt dưới cờ”.

Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, với HS Tiểu học, ngoài cung cấp kiến thức, điều quan trọng nữa là phải hình thành cho HS một thái độ sống tích cực.

Và việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS trong nhà trường không thể chỉ bằng những lời rao giảng như các em phải sống thật thà, trung thực, phải biết bảo vệ của công… mà còn qua cách tương tác hàng ngày giữa GV - HS - phụ huynh và giữa HS với HS. Dạy HS “học ăn, học nói, học gói, học mở” vì vậy, luôn được đội ngũ CBGV nhà trường chú trọng mọi lúc, mọi nơi và phải kiên trì, không thể ngày một ngày hai mà có thể thấy kết quả ngay được.

Khơi gợi sự sáng tạo trong đội ngũ giáo viên

Thời điểm chuyển công tác từ một trường vùng ven của Q. Sơn Trà về quận trung tâm Hải Châu, được phân công về giảng dạy tại trường Tiểu học Phù Đổng, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt đối mặt với rất nhiều áp lực: “là giáo viên trẻ trong một hội đồng sư phạm có quá nhiều giáo viên giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy; rồi phụ huynh quá quan tâm đến tình hình học tập của HS cũng khiến GV áp lực, buộc mình phải không ngừng học hỏi, bổ túc để có thể chủ động trong các tình huống sư phạm”.

Cô Thu Nguyệt luôn tâm niệm rằng, người GV phải có ý thức giữ gìn, xây dựng uy tín của mình; muốn được phụ huynh và HS tin tưởng thì không còn cách nào khác là phải tự phấn đấu, tự nuôi dưỡng và duy trì lòng yêu nghề.

Chính những nỗ lực, bứt phá và sáng tạo không ngừng, chỉ một năm sau khi về trường Tiểu học Phù Đổng, cô Thu Nguyệt được đại diện trường dự thi GV dạy giỏi cấp quận và 13 năm liên tục được công nhận là GV giỏi cấp quận, trong đó có 5 năm là GV giỏi cấp thành phố.

Chưa hề làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn một ngày nào, nên khi nằm trong diện quy hoạch cán bộ nguồn rồi tham gia kỳ thi tuyển chức danh Phó Hiệu trưởng, và phải làm đề án xây dựng phát triển của một trường khác, cô Thu Nguyệt kể, mình cũng gặp không ít lúng túng, khó khăn. “Nhưng rồi nhờ sự hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, những khó khăn này cũng được tháo gỡ”.

Chính vì vậy, sau này, khi bắt đầu làm công tác quản lý, từ Phó Hiệu trưởng cho đến Hiệu trưởng, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt luôn lắng nghe, chắt lọc từ những gợi ý của giáo viên khi xây dựng kế hoạch. Quan trọng hơn cả, theo cô Nguyệt, trong quá trình thực hiện kế hoạch, người cán bộ quản lý (CBQL) phải sáng tạo và biết cách tổ chức khoa học.

“Với những giáo viên đạt được kết quả cao, cần phải được khen thưởng, động viên kịp thời. Và Ban giám hiệu phải cùng chung tay làm với GV, để thấy được những thuận lợi cũng như khó khăn mới có thể kịp thời tháo gỡ. CBQL có tâm huyết, xông xáo, vì lợi ích của tập thể, uy tín của nhà trường thì GV mới nhiệt tâm cống hiến với công việc” - cô Thu Nguyệt chia sẻ.

Chỉ đơn cử như để có những tiết chào cờ thú vị, không trùng lặp về nội dung giữa các năm học, BGH trường Tiểu học Núi Thành kêu gọi ý tưởng sáng tạo từ trong giáo viên để làm phong phú thêm nội dung. “Phải tạo cơ hội để GV thể hiện và sẵn sang hỗ trợ cho GV sáng tạo, giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của GV”.

Ngọn lửa yêu nghề trong cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, vì vậy, được thắp sáng và lan tỏa trong đồng nghiệp, tạo nên thứ ánh sáng ấm áp với nghề dạy học, mà người hưởng lợi không ai khác, chính là những thế hệ học sinh. 

Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, với HS Tiểu học, ngoài cung cấp kiến thức, điều quan trọng nữa là phải hình thành cho HS một thái độ sống tích cực. Và việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS trong nhà trường không thể chỉ bằng những lời rao giảng như các em phải sống thật thà, trung thực, phải biết bảo vệ của công… mà còn qua cách tương tác hàng ngày giữa GV - HS - phụ huynh và giữa HS với HS. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ