Tuổi xuân gửi lại núi rừng
Cô Nguyễn Thị Bình vẫn nhớ như in cảm xúc của gần 30 năm về trước, khi được phân công giảng dạy ở điểm lẻ Hà Bạc của trường cấp I Hướng Hiệp.
“Muốn vào đến Hà Bạc ngày đó, không có cách gì khác là đi bộ, men theo con đường mòn, luồn qua lau lách. Điểm trường học cũng đơn sơ bằng tranh tre nứa lá, bàn học của học sinh được làm từ những thanh tre lồ ô đập dập… Lúc đó mình nghĩ sao mà buồn, vắng lặng thế này” – cô Bình kể.
Điểm trường có thêm hai đồng nghiệp khác là cô Hương và cô Năm. Ba chị em tựa vào nhau, đỡ đần nhau vượt khó. Vừa dạy chữ, vừa tìm hiểu thêm về phong tục tập quán của bà con, học tiếng đồng bào để hỗ trợ học sinh trong những giờ học vì các em chưa thạo tiếng Kinh, cũng vừa để có vốn từ ngữ đi vận động phụ huynh cho con em đến trường.
Cô Bình kể, cái khó nhất, đòi hòi ở giáo viên sự khéo léo, kiên trì, nhẫn nại không phải ở việc dạy chữ mà là thuyết phục. vận động học sinh ra lớp.
“Cắm bản ở vùng cao, trước hết mình phải tạo niềm tin cho phụ huynh và học trò bằng tình cảm chân thành, gần gũi, nhẹ nhàng. Từ đó việc vận động trẻ đến lớp dễ dàng hơn, trò chăm học và ngoan hơn”.
“Cắm bản” ở Hà Bạc được 4 năm, năm học 1992-1993, do hoàn cảnh có con nhỏ, cô Bình được chuyển về trường Tiểu học Tân Long, nơi có nhà trẻ để tiện việc gửi trẻ, chăm sóc con. Một năm sau đó, cô lại quay về Hà Bạc.
Đến năm 2006, cô về điểm lẻ bản Kreng (cũng xã Hướng Hiệp) cho đến nay. Tính đến nay, gần 30 năm dạy học thì đã có đến 29 năm cô Bình đảm nhận dạy ở các điểm lẻ.
“Giờ đường sá đi lại đã thuận tiện, giao thương vì vậy đã bớt khó khăn, chứ ngày trước, mỗi khi có dịp ra trung tâm thì việc đầu tiên là phải mua lương thực, cá khô, muối, nước mắm, mì tôm và một số nhu yếu phẩm khác… để dự trữ.
Số “lương thực” này cũng phải dùng dè sẻn, tính toán chi ly cho từng bữa ăn để tránh cảnh thiếu hụt giữa chừng; đôi khi các cô giáo cũng cải thiện bằng cách hái rau rừng, bắt ốc suối.
Bà con quý cô giáo, đi rẫy về có bó rau, con cá cũng mang đến biếu. Nhờ tình nghĩa vậy mà mình cứ neo lại mãi nơi đây trong sự đùm bọc của bà con” – Cô Bình chia sẻ.
“Nhớ nhất là một lần khi đang dạy học ở bản Hà Bạc, tôi bị ốm suốt một tuần không gượng dậy được, đường sá khó khăn, bà con dân bản đến đưa lên võng, khiêng ra trạm quân y của Tổng kho 764 đóng ngoài đường Chín. Tấm lòng bà con dành cho mình trong những lúc như vậy cảm động lắm”.
Ngoài giờ lên lớp, cô Nguyễn Thị Bình còn kèm cặp thêm cho học sinh yếu vào cả thứ 7, Chủ nhật. Trò nhà gần thì cơm tối xong tự đến trường, trò ở xa, cô dặn phụ huynh cố gắng đưa con đến.
Nhờ đó, nhiều năm nay, trò của cô qua lớp 1 đã thông thạo con tính, mặt chữ, tỷ lệ khá luôn đạt cao so với mặt bằng chung ở các điểm lẻ thuộc các xã miền núi khó khăn.
Cho dù bén rể, xanh cây…
Mười một năm qua, cô giáo Bình “cắm bản” dạy học và ăn ở, sinh hoạt ngay tại điểm trường Kreng. Hôm chúng tôi ghé điểm lẻ Kreng của trường Tiểu học Hướng Hiệp đúng vào dịp học sinh vừa mới nghỉ hè.
Dẫn chúng tôi về căn phòng nhỏ cuối dãy phòng học, nơi cô tá túc sau những giờ dạy, phòng không có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc giường cá nhân, chiếc tủ đựng hồ sơ, sổ điểm; bàn soạn giáo án cũng là nơi tiếp khách và chiếc tivi vừa hỏng.
Cô kể: “Năm nào cũng vậy, bế giảng xong, trò nghỉ hè, cô tiếp tục ở lại hoàn thiện sách sổ xong mới bắt đầu kỳ nghỉ. Trường vắng nhưng thi thoảng trò vẫn ghé thăm nên cũng đỡ buồn hẳn”.
Niềm vui của những tháng ngày gieo chữ ở một miền quê heo hút không phải là quê hương của mình, với cô Bình, là những tiếng cười vui của học trò, là mỗi ngày, thấy lớp học không trống vắng chỗ ngồi nào…
Hai đứa con gửi ở quê cho bà ngoại chăm sóc, dạy dỗ. Mỗi năm đôi ba lần cô về thăm con, thăm chồng, thời gian lưu lại cũng không nhiều, rồi một mình lại quay trở lại với trường lớp, phấn trắng bảng đen. 52 tuổi, ở cái tuổi cận kề nghỉ hưu, cô mới bắt đầu tính chuyện dựng một căn nhà nhỏ ở quê chồng để đợi ngày gia đình đoàn tụ, thôi sống một cảnh hai quê.
Nhìn cô lẩm nhẩm tính những thứ cần cho cuộc sống gia đình sau khi có nhà mới, tôi mới thấm thía rằng, những hy sinh thầm lặng của những giáo viên cắm bản như cô Bình và bao nhiêu thầy cô giáo khác trên dải đất hình chữ S này là không thể đong đếm được.
Và nếu không có tình yêu, lòng trân trọng nghề, nếu không có tình người, mà cụ thể hơn đó là lòng yêu trẻ thì tôi quả quyết họ không bao giờ có được một nghị lực phi thường để đến, ở lại và gắn bó với những miền quê đầy heo hút.
Họ tự nhận về mình những thua thiệt để làm chiếc bản lề mở ra phía ánh sáng, khép lại phía bóng tối, giúp cho con đường đến trường của HS mình bớt đi những gập ghềnh và thêm tin vào những điều tốt đẹp ở đời.
Câu chuyện giữa chúng tôi và cô Bình bỗng rơi vào ngậm ngùi, chúng tôi chưa biết phải làm sao để thoát ra khỏi trạng thái im lặng thì cô bảo, đang chuẩn bị đi dự lễ cưới con của một người trong bản.
“Ở đây bà con xem mình là một hộ dân, nhà có việc gì họ cũng tìm mời. Những việc như ma chay thì mình tự đến. Lúc bão lụt, biết mình sống một thân một mình, bà con luôn hỏi thăm, giúp đỡ khi cần” - cô nói.
Chúng tôi cứ đứng nhìn theo dáng cô bé nhỏ giữa sân trường vắng lặng, lấp loáng nước bởi trận mưa lớn đêm hôm trước, tự hỏi, không biết suốt gần 30 năm qua, có bao nhiêu đêm người phụ nữ ấy thao thức không ngủ được bởi tiếng con chim từ quy gọi bạn từ xa vẳng lại giữa núi rừng Trường Sơn.