Cũng không quá khi ví von giờ đang là cao điểm chạy đua “trường điểm” ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Nhiều ông bố bà mẹ đang trông sang “nhà người ta”, thấy “con người ta” học ngày học đêm để thi, xét tuyển vào “trường tốt”, nhìn lại con mình mà thấy sốt ruột, lo lắng.
Trước kỳ tuyển sinh vào lớp 6 nhiều tháng, thậm chí trước cả vài năm, không ít HS đã phải ôn luyện căng thẳng cho mục tiêu vào một trường “danh tiếng” nào đó.
Việc tuyển sinh vào lớp 1 ở những trường có tên tuổi, cũng “căng như dây đàn”, trong bối cảnh chỉ tiêu tuyển sinh của trường nào cũng có hạn, nhu cầu của phụ huynh mong muốn cho con được vào học “trường điểm” quá lớn.
Hết lo cho con vào học tiểu học, THCS ở trường này trường kia, các bậc cha mẹ lại lo xa “đầu vào” lớp 10 THPT. Thậm chí có phụ huynh khi con mới học lớp 6 đã lo sau này con sẽ thi vào lớp 10 trường nào. Suất vào trường công có hạn. Trước kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm nào ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh người ta cũng tính sẽ có bao nhiêu HS “rớt” không vào được các trường công lập.
Trước đây, ngành GD cho phép HS được “cộng điểm” tuyển sinh đầu cấp (lớp 6, lớp 10) với các giấy khen, bằng khen từ các cuộc thi văn hóa và thi nghệ thuật, thể thao... Nhiều bậc cha mẹ vì thế mà lo cho con tham gia thi thật nhiều giải để có bằng được các thành tích cho “cộng điểm”. Điều này gây ra không ít tiêu cực và bức xúc. Kỳ tuyển sinh đầu cấp năm nay đã bỏ kiểu cộng điểm thành tích từ các cuộc thi gây rất nhiều tranh cãi đó. Quy định này dường như lại trở thành “tác nhân kích thích” để các bậc phụ huynh thêm nỗ lực tìm cách “lo” cho con vào được “trường tốt”?
Mỗi bậc phụ huynh trước khi dồn con mình vào cuộc chạy đua vào trường A hay trường B trong tuyển sinh đầu cấp, đã bao giờ đặt câu hỏi ngược lại: Liệu thật sự con mình có cần (muốn) học trường đó hay không? Thay vì cho con học đúng tuyến (lớp 1, lớp 6), liệu các ông bố bà mẹ có cần nhọc công tốn sức tự tạo áp lực cho con mình để xin, thi bằng được vào một trường “danh tiếng” nào đó, bất chấp học xa nhà và trái tuyến, chỉ vì “người ta nói đó là trường tốt”?
Giá như, tất cả phụ huynh của những cô bé, cậu bé mới đến tuổi vào lớp 1, chuẩn bị học lớp 6, hay đang đối diện với kỳ thi căng thẳng vào lớp 10, cũng có suy nghĩ như chị Nguyễn Ngọc Phương, đó là cảm thấy chọn trường đúng đắn là khi đi học về con được vui vẻ, con thích đến trường, thích học, thích chơi ở trường... thì có lẽ các em đã không bị cuốn vào cuộc chạy đua “trường điểm”.