Chạy đua thời gian giảm tải trường lớp trước năm học mới

GD&TĐ - Nỗi lo thiếu trường, lớp, quá tải sĩ số đang gây áp lực không nhỏ với các quận, huyện TPHCM, nhất là những địa bàn dân nhập cư đông.

Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Giáp.
Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Giáp.

Với mong muốn loại bỏ thực trạng này, nhiều địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp đảm bảo chỗ học cho học sinh khi năm học mới cận kề.

Nỗ lực xây dựng trường, lớp

Nhiều năm nay, quận Bình Tân (TPHCM) gặp áp lực lớn về nhập cư, từ đó kéo theo số học sinh trên địa bàn tăng lên. Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận, năm học 2023 - 2024, dự kiến số học sinh các cấp học tại quận Bình Tân tăng trên 8.000 em. Hiện quận có nhiều phường gặp khó khăn trong việc bố trí chỗ học do không đủ trường tiểu học và THCS.

Cụ thể, phường Bình Trị Đông A có 970 trẻ vào lớp 1 nhưng chỉ có 1 trường tiểu học tiếp nhận được 288 em. Những em còn lại phải đến các trường tiểu học khác lân cận phường để học, cự ly đến trường gần 4km. Còn phường Tân Tạo phải chuyển 189 học sinh đến học tại phường Tân Tạo A do phải tiếp nhận 202 học sinh phường Bình Trị Đông A. Phường An Lạc có nhiều chung cư cao tầng nhưng không xây dựng thêm trường học nên học sinh phải đến các trường hiện hữu.

“Quận đang phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư công 16 dự án trường học với 494 phòng. Hiện tại, Bình Tân khởi công xây dựng 4 dự án trường học mới gồm: Trường Mầm non Nguyệt Quế (gần 66 tỷ đồng), Trường Tiểu học Trần Cao Vân (trên 164 tỷ đồng), Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (gần 191 tỷ đồng) và Trường Tiểu học Bình Trị Đông A (gần 110 tỷ đồng). Những công trình khi đưa vào sử dụng sẽ giảm nhiều áp lực trường, lớp trên địa bàn”, bà Dung cho hay.

Trong khi đó cấp THCS phường Bình Trị Đông B chưa có trường THCS nên học sinh lớp 5 sau khi ra trường phải đến các trường ngoài phường để học. Đặc biệt tại phường Bình Hưng Hòa B, số học sinh lớp 5 tốt nghiệp trên 2 nghìn em nhưng địa phương chỉ có 2 trường THCS tiếp nhận được 1.950 em. Số trẻ còn lại phải theo học ở phường khác.

Tương tự, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp mới cho năm học 2023 - 2024 được Quận 1 (TPHCM) đặc biệt quan tâm. Quận 1 sẽ khánh thành đưa vào sử dụng Trường Mầm non Tuổi Hồng; Trường Tiểu học Khai Minh xây dựng trên nền đất gần 1.200m2, quy mô 15 phòng học và một số phòng chức năng. Đồng thời địa phương xây dựng mới 16 phòng học của Trường THCS Minh Đức, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ với 30 phòng học, đầy đủ phòng chức năng… Ngoài ra Quận 1 cũng bố trí kinh phí để sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất cho các trường học khác trên địa bàn.

Mượn phòng để học

Năm học tới Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TPHCM) dự kiến tuyển sinh số lượng học sinh lớp 1 là 270 em, tương đương với năm ngoái. Do số lượng học sinh đông nên để đảm bảo chỗ học, nhà trường tận dụng hết các phòng chức năng và mượn thêm phòng học của trường khác. Tuy vậy tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chỉ đạt 57%.

Năm học 2022-2023, Trường tiểu học Tân Tạo (quận Bình Tân) bình quân mỗi lớp từ 47 đến 50 học sinh.

Năm học 2022-2023, Trường tiểu học Tân Tạo (quận Bình Tân) bình quân mỗi lớp từ 47 đến 50 học sinh.

Cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Toàn trường có 25 phòng học, với số lượng học sinh hàng năm cao (năm 2022 - 2023 hơn 1.600 em) nên dù tăng sĩ số các lớp cũng không đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh. Cách đây 3 năm nhà trường đã mượn thêm 5 phòng học của Trường Tiểu học Chi Lăng cùng địa bàn phường để học sinh đủ chỗ học. Tuy vậy sĩ số lớp vẫn cao so với quy định, bình quân khoảng 45 em/lớp”.

Tương tự, Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (Quận 12, TPHCM) dự kiến tuyển sinh 19 lớp 1 năm học tới với hơn 900 học sinh, tăng 3 lớp so với năm học trước. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Yến, Hà Huy Giáp là trường tiểu học công lập duy nhất của phường Thạnh Lộc (Quận 12) với học sinh đầu cấp tăng cao hằng năm. Vì vậy vấn đề lớp học vẫn là một trong những áp lực của nhà trường hàng năm. Cũng chính vì thế mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả các lớp theo chương trình mới không thể thực hiện.

“Năm học vừa qua, trường có trên 3.000 em, sĩ số trung bình khoảng 50 học sinh/lớp, cao hơn nhiều so với sĩ số chuẩn 35 em/lớp. Toàn trường có 67 lớp nhưng chỉ có 22 lớp được tổ chức học 2 buổi/ngày. Từ năm học 2022 - 2023 do tình hình khó khăn về phòng học nên trường đã mượn 14 phòng học tại Trường THCS Tô Ngọc Vân để tổ chức dạy 2 buổi/ngày với khối lớp 5. Nhờ đó đã giảm được phần nào về áp lực lớp học”.

Cô Nguyễn Vĩnh Bảo Châu, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 cho biết, phương thức tuyển sinh thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, kế hoạch của UBND Quận 12 và điều kiện phân tuyến không có nhiều thay đổi so với các năm học trước. Năm học tới, Quận 12 dự kiến tăng gần 1.000 học sinh. Dù tăng nhẹ nhưng do số lượng học sinh đông trong khi trường lớp chưa đáp ứng đủ nên tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học còn thấp, chỉ đạt gần 30% (tăng khoảng 2%).

“Năm học tới, Quận 12 hoàn thành một số công trình trường học để đưa vào sử dụng. Cụ thể Trường Tiểu học Nguyễn Anh Khương hoàn thiện giai đoạn 2 tăng 15 phòng học, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đưa vào sử dụng giai đoạn 1 với 10 phòng học. Ngoài ra, dù không xây thêm phòng học nhưng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai sẽ sử dụng 11 phòng học tại cơ sở trước đây của Trường THCS Nguyễn Ánh Thủ. Nhờ đó góp phần giảm sĩ số học sinh/lớp”, cô Châu cho hay.

Bà Lê Thị Ngọc Dung cho biết: “Từ năm 2021 đến nay, quận Bình Tân đã vận động xã hội hóa 4 trường ngoài công lập gồm: 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học, 2 trường nhiều cấp TH - THCS - THPT với 150 phòng học. Đặc biệt, dù khó khăn do dân số đông nhưng năm học 2023 - 2024 quận Bình Tân vẫn bảo đảm đủ trường lớp cho học sinh học. Trong đó tỉ lệ 2 buổi/ngày dự kiến đối với bậc mầm non là 100%, tiểu học khoảng 52% (tăng 12%) và THCS khoảng 39% (tăng 19%) so với năm học trước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ